Để ví, giặm lan tỏa, trường tồn
(Baonghean) - Qua thời gian, những làn điệu Dân ca ví, giặm được bảo tồn, cải biên thích ứng với đời sống, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nghệ - Tĩnh. Những điệu ví, lời ca trường tồn từ ngàn xưa đến nay ấy tô thắm thêm bản sắc văn hóa, tình người xứ Nghệ.
(Baonghean) - Qua thời gian, những làn điệu Dân ca ví, giặm được bảo tồn, cải biên thích ứng với đời sống, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nghệ - Tĩnh. Những điệu ví, lời ca trường tồn từ ngàn xưa đến nay ấy tô thắm thêm bản sắc văn hóa, tình người xứ Nghệ.
Dân ca ví, giặm do cộng đồng người Nghệ sáng tạo nên trong quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt. Cùng với chiều dài lịch sử, sức sống của Dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Giá trị to lớn đó được các thế hệ người Nghệ trao truyền bằng nhiều hình thức. Đó là những buổi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức dạy hát dân ca trên sóng truyền hình, đưa dân ca vào các trường học, thành lập các câu lạc bộ Dân ca ví, giặm ở những địa phương có truyền thống. Cùng đó, Trung tâm Bảo tồn Dân ca xứ Nghệ được xây dựng để vừa biểu diễn, vừa sưu tầm, lưu giữ những làn điệu dân ca. Chính từ công tác bảo tồn thường xuyên, liên tục mà Dân ca ví, giặm đã có sức sống mãnh liệt với thời gian.
Sau khi được UNESCO vinh danh, Dân ca ví, giặm càng có cơ hội lan tỏa với rất nhiều hoạt động quảng bá của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân các địa phương. Cùng đó, có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí. Và ghi dấu ấn đậm nét nhất, đó là hàng loạt các đêm giao lưu, biểu diễn “về miền ví, giặm” do Cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đứng ra tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Vinh và TP. Hồ Chí Minh, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần đưa Dân ca ví, giặm đến với cộng đồng. Các cựu học sinh Trường Phan còn đóng góp, ủng hộ 6 CLB dân ca trên địa bàn tỉnh, mỗi CLB 10 triệu đồng để có thêm kinh phí sưu tầm, quảng bá Dân ca ví, giặm.
Hát ví sông Lam của CLB Dân ca phường Vinh Tân (TP. Vinh). Ảnh: Trường Sinh |
Hoạt động “đưa dân ca vào trường học” được các trường học tiếp tục đẩy mạnh. Tiêu biểu như huyện Thanh Chương - một trong những cái nôi của Dân ca ví, giặm, đã xây dựng kế hoạch dài hơi, đưa Dân ca ví, giặm gắn với hoạt động của các làng nghề truyền thống. Ông Nguyễn Như Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin của huyện cho biết: Trước mắt tập trung vào 3 câu lạc bộ dân ca: Thanh Lĩnh với nghề chổi đót, Ngọc Sơn với nghề mộc và Cát Văn với nghề làm nón. Tín hiệu đáng mừng là bên cạnh các câu lạc bộ được thành lập từ trước, hiện nhiều xã, thậm chí ở các xóm, người dân cũng đã thành lập các câu lạc bộ Dân ca ví, giặm. Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ do các cụ cao tuổi của xã Thanh Đồng là điển hình. Để câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, các cụ tự viết lời mới trên làn điệu của Dân ca ví, giặm và sau khi biểu diễn được nhân dân ưa thích, trở thành bài ca tuyên truyền cho xã…
Xác định công tác tuyên truyền, bảo tồn, phát huy Di sản Dân ca ví, giặm là việc làm thường xuyên, liên tục nên mỗi chúng ta phải ý thức sâu sắc trách nhiệm trong việc tiếp tục lưu giữ, trao truyền và phát huy giá trị quý báu di sản của cha ông để lại. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, việc tạo dựng không gian diễn xướng và gắn Dân ca ví, giặm với các hoạt động phát triển du lịch được xem là hướng đi tích cực. Tỉnh cũng có chủ trương tổ chức các cuộc vận động sáng tác lời mới, in và phát hành các ấn phẩm, xây dựng các chính sách khuyến khích các nghệ nhân và cộng đồng đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản… Tất cả hướng tới đưa Dân ca ví, giặm trở thành hành trang tinh thần cho các thế hệ người dân xứ Nghệ nói riêng, của nhân dân cả nước nói chung, góp phần gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca ví, giặm xứ Nghệ, cho biết: Sự ra đời và phát triển của hệ thống các câu lạc bộ Dân ca ví, giặm thời gian qua đã góp phần rất lớn để dân ca đi vào cuộc sống. Đó là tiền đề tốt cho việc đưa sinh hoạt dân ca về gần hơn với không gian và môi trường diễn xướng ban đầu của nó, góp phần thúc đẩy phong trào thực hành Dân ca ví, giặm phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều hội viên tham gia. Câu lạc bộ còn là nơi phát hiện và đào tạo nhiều giọng hát dân ca hay và là môi trường rất tốt để nuôi dưỡng, phát triển các tài năng hát dân ca trong cộng đồng…
Trên cơ sở đó, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ phối hợp với các CLB dân ca trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận, để nâng cao trách nhiệm truyền dạy nhằm thu hút thế hệ trẻ cùng tham gia; đồng thời phục dựng các bài hát và hình thức diễn xướng truyền thống hấp dẫn; Sở VH-TT và DL phối hợp cộng đồng tổ chức giao lưu giữa các miền Dân ca ví, giặm, tổ chức hội diễn, liên hoan “Tiếng hát dân ca” giữa các vùng, miền; Đài phát thanh truyền hình duy trì, phát triển chương trình dạy hát dân ca và mở chuyên mục dân ca vào sáng thứ Hai, Tư, Sáu trên truyền hình và 30 phút dân ca vào thứ Ba trên sóng phát thanh; tiến hành xây dựng trang Web “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh” liên kết với Trạm vệ tinh của Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể của Bộ VH-TT và DL đã được xây dựng ở Khu di tích Kim Liên. Các hoạt động trên được đẩy mạnh, mở rộng, làm cho Dân ca ví, giặm ngày càng lan tỏa, trường tồn với thời gian, trở thành sinh hoạt văn hóa giàu bản sắc và có thể phát huy giá trị kinh tế trong phục vụ phát triển du lịch...
Thanh Thủy