Thử nghiệm thành công mạch máu nhân tạo trên chuột

03/05/2015 15:32

Các nhà khoa học Áo tạo ra mạch máu nhân tạo có khả năng phân hủy sinh học và thử nghiệm thành công trên chuột, có thể ứng dụng vào các ca phẫu thuật tim cần bắc cầu mạch máu.

Hình ảnh mạch máu nhân tạo trong chuột thí nghiệm đã trở thành mạch tự nhiên sau 6 tháng. Ảnh: MedUni Wien
Hình ảnh mạch máu nhân tạo trong chuột thí nghiệm đã trở thành mạch tự nhiên sau 6 tháng. Ảnh: MedUni Wien

"Các mạch máu của chuột được kiểm tra 6 tháng sau khi đặt phần nhân tạo", trang tin wired.co.uk dẫn lời bà Helga Bergmeister, Đại học Y Vienna, nói. "Chúng tôi không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của phình động mạch, tụ máu hoặc viêm".

Bà Bergmeister lưu ý rằng các tế bào tự nhiên còn biến mạch máu nhân tạo thành mô cơ thể.

Mạch máu nhân tạo được làm từ elastomer, một chất liệu đặc biệt vừa có độ nhớt vừa có tính đàn hồi tạo ra bằng cách cho quay dung dịch polymer trong điện trường thành sợi rất mảnh. Sợi này sau đó được cuộn vào ống để sử dụng trong phẫu thuật.

Elastomer còn là vật liệu xốp nên máu có thể thẩm thấu, giúp cho cấu trúc mạch nhân tạo thêm vững vàng và tương tự như mạch máu tự nhiên.

Thành công trên sẽ là bước tiến lớn trong việc điều trị các căn bệnh như xơ vữa động mạch, mạch máu ngoại biên. Tuy nhiên, mạch máu nhân tạo cần phải trải qua nhiều thử nghiệm lâm sàng trước khi ứng dụng vào cơ thể người.

Theo VnExpress