Khi lòng tốt bị lợi dụng

17/04/2015 07:54

(Baonghean) - Sau khi Báo Nghệ An đăng tải bài viết “Cách quyên góp như thế, nên chăng?” trên số báo ra ngày 13/4/2015, dư luận đã có nhiều ý kiến về hoạt động biểu diễn văn nghệ, quyên góp tiền ở các huyện miền núi khó khăn trong tỉnh của Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, hỗ trợ trẻ thiệt thòi (thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam). Sau khi tiếp nhận thêm các thông tin về hoạt động của Trung tâm này từ các địa phương, nhận thấy, các cơ quan liên quan cần siết chặt công tác quản lý...

Nhiều địa phương “giật mình”

Theo ông Trần Minh Hải, Trưởng Phòng GD&ĐT Thị xã Thái Hòa, ngày 6/1/2015, Phòng tiếp nhận được Công văn số 13/TrT-PTT của Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, hỗ trợ trẻ thiệt thòi từ UBND Thị xã Thái Hòa. Nội dung công văn về việc “Gặp gỡ giao lưu văn nghệ về chủ đề Nhịp cầu cộng đồng” do ông Đới Thế Long, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, hỗ trợ trẻ thiệt thòi ký với đề nghị: “UBND Thị xã Thái Hòa hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho các em học sinh khuyết tật, thiệt thòi của trung tâm chúng tôi được về gặp gỡ, giao lưu văn hóa, văn nghệ với các học sinh trên địa bàn thị xã”. Vì trên công văn là bút phê “kính chuyển” của lãnh đạo Thị xã Thái Hòa có nội dung: “Đề nghị phòng bố trí thời gian hợp lý tại các trường để các cháu trung tâm giao lưu với học sinh các trường” nên ngày 8/1, Phòng Giáo dục thị xã có công văn gửi các trường tiểu học, THCS trên địa bàn.

Trong công văn, phòng thông báo kế hoạch giao lưu văn nghệ tại các trường, kèm nội dung đề nghị các trường giúp đỡ trung tâm: Thông báo đến đại diện cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường đến dự đông đủ để cổ vũ, động viên tinh thần ủng hộ từ thiện, trên tinh thần thiện nguyện, giúp các em khuyết tật thiệt thòi... Dựa trên tinh thần của công văn trên, đoàn này đã tổ chức giao lưu và quyên góp tiền ủng hộ tại 19 điểm trường từ sáng 22/1 đến sáng 29/1/2015 (bình quân mỗi ngày giao lưu quyên góp ở 3 điểm trường). "Chúng tôi cũng không thẩm định được nội dung của các chương trình văn nghệ, cũng không thấy ngành Văn hóa hay các cơ quan chức năng nào cấp phép nội dung biểu diễn. Tôi biết việc quyên góp tiền là không hay, nhưng vì tin tưởng có sự giới thiệu của UBND thị xã, bên cạnh đó, vì thấy đoàn các em tật nguyền đi từ Hà Nội, nên đã đề nghị các trường tạo điều kiện cho đoàn trên tinh thần tự nguyện..." - ông Trần Minh Hải nói.

Nhóm lao động bị khuyết tật hành nghề may tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề - Hỗ trợ trẻ khuyết tật ở Hà Nội.
Nhóm lao động bị khuyết tật hành nghề may tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề - Hỗ trợ trẻ khuyết tật ở Hà Nội.

Tương tự TX. Thái Hòa, ngày 22/12/2014, Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ cũng có công văn số1084/PGD&ĐT-TH về việc Hướng dẫn Giao lưu văn nghệ “Nhịp cầu cộng đồng” vì học sinh có hoàn cảnh khó khăn năm học 2014-2015 gửi các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn. Công văn nêu mục đích, ý nghĩa của buổi giao lưu nhằm chia sẻ, giúp đỡ những học sinh tàn tật, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt với truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam “ Lá lành đùm lá rách”; Thông qua hoạt động giao lưu đề giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh, giáo dục tình yêu thương con người, giáo dục giá trị sống cho các em học sinh. Đồng thời "nhắc nhở" các học sinh thể hiện bằng những hành động thiết thực tại buổi giao lưu như: Tự nguyện ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ bằng vật chất cho những học sinh tàn tật có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt để các em được hòa nhập và chung sống với cộng đồng xã hội.

Cùng với đó là lịch giao lưu tại 19 điểm trường từ ngày 26/12/2014 đến ngày 6/1/2015. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ, Trịnh Hữu Thành nói rằng: "Năm trước, khi đoàn đến đặt vấn đề biểu diễn, giao lưu, chúng tôi cũng tạo điều kiện vì thấy họ là người khuyết tật, lại có ý kiến của huyện nhưng ngành giáo dục yêu cầu Trung tâm phải báo cáo kết quả hoạt động, nguồn vốn thu được sau giao lưu nhưng khi biểu diễn, quyên tiền xong, trung tâm đi luôn mà không báo cáo. Cuối năm 2014, Trung tâm lại đến, cũng vì tâm lí cảm thông, chia sẻ và tin tưởng là có ý kiến của huyện nên chúng tôi cũng tạo điều kiện cho đoàn hoạt động nhưng hạn chế về số trường. Không riêng gì trung tâm này mà hiện nay, ngành giáo dục đào tạo cũng đau đầu vì thường xuyên phải tiếp các đoàn đến xin tiền từ thiện. Từ đầu năm đến nay đã có 6 đoàn mang danh các trung tâm khuyết tật, chỉnh hình, nhân đạo đến phòng giáo dục bán bút, tượng danh nhân, sổ để quyên tiền. Họ cũng trình giấy giới thiệu của tổ chức này nọ nhưng không biết thực hư thế nào. Không mua thì họ không chịu về, mua thì phải bỏ tiền túi vì ngành giáo dục không có kinh phí…".

Ở huyện Kỳ Sơn, Phòng GD&ĐT sau khi tiếp nhận ý kiến của UBND cũng có công văn giao cho các trường tổ chức giao lưu văn nghệ với đoàn của Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, hỗ trợ trẻ thiệt thòi. Dù tại công văn không đề cập đến việc kêu gọi quyên góp, tuy nhiên, việc đó vẫn diễn ra như Báo Nghệ An đã nêu. Bà Cụt Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, khi trung tâm đến đặt vấn đề, huyện rất ái ngại vì thấy thành phần đoàn chủ yếu là các em tàn tật. Kỳ Sơn đang còn rất nghèo, cán bộ, nhân dân, các em học sinh đang phải nhận sự quyên góp từ các nhà hảo tâm khắp nơi, nhưng khi thấy các em tàn tật đến từ Hà Nội xin được giao lưu, biểu diễn văn nghệ huyện “không nỡ từ chối”. "Tuy nhiên, chỉ là đồng ý cho giao lưu văn nghệ chứ không có việc kêu gọi cán bộ, nhân dân và học sinh quyên góp ủng hộ tiền. Vậy nhưng đoàn vẫn tổ chức vận động quyên góp..." - bà Nguyệt nói.

Thực tế, mục tiêu chính trong hoạt động “Gặp gỡ giao lưu văn nghệ về chủ đề Nhịp cầu cộng đồng” của Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề hỗ trẻ thiệt thòi là kêu gọi ủng hộ để tạo nguồn kinh phí cho trung tâm. Cô giáo Nguyễn Thị Châu, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu cho biết, đầu tháng 1/2015, khi người của trung tâm đến đặt vấn đề xin giao lưu, biểu diễn, lãnh đạo Phòng GD&ĐT đã biết đến việc sẽ có tiết mục quyên góp tiền bởi cách đây 1 năm, trung tâm đã đến giao lưu và quyên tiền. Phòng đã trao đổi luôn là học sinh và giáo viên Quỳ Châu rất nghèo, nên việc quyên góp tiền tại các điểm trường là không ổn. Tuy nhiên, thấy các em tàn tật từ Hà Nội vào, chẳng lẽ từ chối nên căn cứ vào hoàn cảnh các trường, chỉ giới thiệu cho giao lưu ở hai trường Tiểu học Châu Hạnh và THCS Hạnh Thiết. "Phòng cũng chỉ hướng dẫn hai trường bố trí thời gian giao lưu và bố trí cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia đầy đủ; có thể bố trí lồng ghép hoạt động ngoài giờ lên lớp hoặc sinh hoạt Đội để học sinh được tham gia với tỷ lệ cao nhất mà không đề cập gì đến chuyện quyên góp. Và dù xếp lịch ở hai điểm, nhưng rồi không thấy đoàn đến mà không rõ lý do vì sao?" - cô Nguyễn Thị Châu băn khoăn.

Ở huyện Tương Dương, khi đại diện trung tâm hướng nghiệp nói trên đề nghị cho được giao lưu, lãnh đạo huyện cũng đã đồng ý và giao nhiệm vụ cho Phòng GD&ĐT có thông báo đến các nhà trường. Tuy nhiên, đúng thời điểm này, Báo Nghệ An đăng tải bài viết “Cách quyên góp như thế, nên chăng?”, nên lãnh đạo huyện đã nhắc Phòng GD&ĐT chỉ cho phép được giao lưu văn nghệ chứ không được để việc kêu gọi quyên góp ủng hộ tiền diễn ra. Sau đó, huyện đã nhận được công văn của trung tâm với nội dung đình chỉ hoạt động. "Chúng tôi sau đó đã kiểm tra, năm 2014, đoàn này đã về Tương Dương một lần và cũng với những hình thức giao lưu văn nghệ rồi kêu gọi ủng hộ. Nơi được nhiều như tại xã Yên Hòa, khoảng 10 triệu đồng thì vui vẻ, nhưng nơi được ít như tại Thị trấn Hòa Bình, khoảng 1,5 triệu đồng thì họ tỏ thái độ không vui. Tôi thấy như vậy là không hay..."- một lãnh đạo huyện cho biết.

Nhiều người sau khi đọc báo phản ánh sự việc trên đã đặt ra câu hỏi: Vì sao Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, hỗ trợ người khuyết tật thiệt thòi chủ yếu xin biểu diễn ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới? Phải chăng, lòng tốt của những giáo viên, học sinh và phụ huynh vùng miền núi đang bị lợi dụng? Và vì sao Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề hỗ trẻ thiệt thòi là đơn vị của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam mà lại có những việc làm như vậy?

Phía đi “quyên góp” nói gì?

Phóng viên Báo Nghệ An đã có buổi làm việc với lãnh đạo trung tâm hướng nghiệp dạy nghề là các ông Đới Thế Long, Nguyễn Đức Thinh (cùng chức danh Phó Giám đốc) ngay tại trụ sở của đơn vị này tại nhà số 8, lô 3, khu đô thị Nam La Khê, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Ở trung tâm này, có hướng nghiệp, dạy nghề và tổ chức tạo việc làm cho người khuyết tật độ tuổi từ 7 - 40. Một bộ phận khuyết tật câm, điếc bẩm sinh thì được dạy nghề may, sau đó, hoặc trung tâm giới thiệu chỗ làm việc, hoặc trung tâm tạo việc làm ngay tại trụ sở; một bộ phận khác, được trung tâm cho rèn kỹ năng thanh nhạc và trở thành nguồn của các đoàn "giao lưu văn nghệ".

"Trung tâm có văn bản đề nghị thành lập các đoàn văn nghệ và được Trung ương Hội Khuyến học có văn bản chấp thuận. Hiện nay chúng tôi có 3 đoàn" - ông Đới Thế Long cho biết. Và vì để "các cháu có cơ hội hòa nhập cộng đồng, được thể hiện khả năng" nên trung tâm đã tổ chức các chuyến đi giao lưu văn nghệ tại các trường học trên toàn quốc.

Học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Kỳ Sơn quyên góp tiền sau chương trình giao lưu văn nghệ.
Học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Kỳ Sơn quyên góp tiền sau chương trình giao lưu văn nghệ.

Theo quyết định thành lập, trung tâm có chức năng hợp tác, mời các tổ chức, cá nhân có tâm huyết góp công sức cùng nuôi, dạy, tạo việc làm cho trẻ khuyết tật; được phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức xã hội, nhà hảo tâm... để tổ chức sự kiện, gây quỹ ủng hộ trẻ khuyết tật, trẻ em nghèo; bên cạnh đó, với hoạt động văn nghệ, được Cục Nghệ thuật biển diễn đồng ý với điều kiện phải có thông báo nội dung chương trình đến các Sở VH-TT&DL để có sự kiểm duyệt.

Tuy nhiên, sau khi được thông tin đầy đủ về các hoạt động trên địa bàn Nghệ An, đó là làm việc để Sở VH-TT&DL có sự kiểm duyệt nội dung; không báo với Hội Khuyến học tỉnh về các hoạt động trên địa bàn; tổ chức hoạt động mang tính chất nặng về quyên góp lại trên những địa bàn còn hết sức khó khăn tạo ra sự phản cảm trong cán bộ, nhân dân; chưa tuân thủ quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện được nêu rõ tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ... các ông Đới Thế Long, Nguyễn Đức Thinh đã nhận thấy, các hoạt động của trung tâm trên địa bàn Nghệ An trong thời gian vừa qua là còn có những thiếu sót, cần phải chấn chỉnh. Ông Đới Thế Long nói: "Trung tâm chúng tôi thực sự đang có nhiều khó khăn. Vì vậy, để lo cho công việc, để các cháu được hoạt động nên thực tế là phải kêu gọi trên tinh thần tự nguyện. Chúng tôi rất cảm ơn những góp ý của Báo Nghệ An, qua đó, sẽ chấn chỉnh lại hoạt động sao cho phù hợp, tạo được hình ảnh tốt hơn...".

Đừng để lòng tốt bị lợi dụng

Vì sao Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, hỗ trợ người khuyết tật tổ chức được những hoạt động giao lưu, quyên tiền, dù cách làm này chẳng mấy đẹp mắt và chưa đúng với quy định? Có thể khẳng định, lý do là bởi xuất phát từ một tâm lý thương cảm, ái ngại trước hoàn cảnh của các em tật nguyền và khoảng cách địa lý xa xôi từ Thủ đô Hà Nội tìm vào khu vực miền núi để giao lưu văn nghệ nên những người có trách nhiệm ở các địa phương đã có các động thái tạo điều kiện. Tuy nhiên, qua sự việc này, chính quyền các địa phương cùng các cơ quan liên quan phải rút kinh nghiệm, không thể vì "thương cảm" mà để rồi không chỉ cán bộ, nhân dân và chính cơ quan mình bị lợi dụng.

Trong nhiều năm qua, đã có không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng lòng tốt, sự thật thà, chất phác và sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của người dân vùng nông thôn, miền núi, nhất là người dân vùng dân tộc ít người để trục lợi. Có thể nêu ra như ở địa bàn huyện Tương Dương đã xảy ra tình trạng một công ty in ảnh đã lợi dụng lòng tin của hàng trăm hội viên Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi để đưa ra chiêu trò làm giấy chứng nhận “Tám chữ vàng” và “Tuổi cao trí càng cao” vô giá trị, bán với giá từ 250 - 350 ngàn đồng vào năm 2014. Hay như việc một số Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp từng “tạo điều kiện” để một công ty sản xuất sữa đậu nành bán sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân vào năm 2013; một số công ty lợi dụng danh nghĩa tổ chức hội thảo sức khỏe để bán thực phẩm chức năng, bán hàng gia dụng kém phẩm cấp cho bà con nông dân vùng nông thôn; hay tình trạng các cá nhân núp bóng thành viên các trung tâm nhân đạo, các hội từ thiện thường xuyên đến các cơ sở để bán tăm, bút, bán ảnh hay các vật phẩm lưu niệm… Vì vậy, phải thấy rằng công tác quản lý lâu nay vẫn còn nhiều lỗ hổng. Cần phải phân biệt “vàng, thau”, không để lòng tốt của cán bộ, nhân dân bị lợi dụng.

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN