Chu Huy Mân, vị tướng "Hai Mạnh"

28/11/2014 09:38

Cuộc đời Đại tướng Chu Huy Mân gắn liền với sự nghiệp Cách mạng của Đảng, của dân tộc, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, có nhiều cống hiến, là nhà quân sự, chính trị song toàn, được cán bộ, chiến sĩ trìu mến, được Bác Hồ tặng danh hiệu “Hai giỏi”…

Đại tướng Chu Huy Mân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu lòng yêu nước, có truyền thống cách mạng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ kính mến của nhân dân ta.

Đại tướng Chu Huy Mân và cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 đón Bác Hồ về thăm đơn vị. Ảnh tư liệu
Đại tướng Chu Huy Mân và cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 đón Bác Hồ về thăm đơn vị. Ảnh tư liệu

TIN LIÊN QUAN

Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, TP Vinh, Nghệ An). Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1929, mới 16 tuổi ông thoát li hoạt động tích cực trong phong trào yêu nước. Năm 1930, ông tham gia phong trào Xô Viết Nghệ – Tĩnh, gia nhập Đội Tự vệ Đỏ – một trong đội quân tiền thân Quân đội ta. Cuối năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tuy tuổi còn trẻ nhưng có năng lực, có uy tín nên ông được bầu làm Bí thư Chi bộ xã, rồi Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên. Năm 24 tuổi ông bị bắt, bị kết án khổ sai, đày đi biệt xứ. Sáu năm sống trong nhà tù đế quốc, kẻ thù dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn nhưng ông vẫn kiên cường, bất khuất không khai. Đầu năm 1943 ông vượt ngục về thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn bán lạc rang tìm cách bắt liên lạc với cơ sở. Khi bắt được liên lạc với Đảng, ông làm ở Ban vận động Việt Minh tỉnh Quảng Nam và Tỉnh ủy Quảng Nam. Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, Chu Huy Mân được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Ông có công lớn trong phát triển lực lượng cách mạng ở địa phương, xây dựng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ.

Tháng 5/1951, ông được giao Phó Chỉnh ủy, rồi Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, lãnh đạo Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt, ngày 13/3/1954 Đại đoàn 316 đánh trận mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ, tiêu diệt cứ điểm Him Lam, tham gia trận đánh cuối cùng bắt tướng Đờ Cát-xtơ-ri.

Từ năm 1954 đến năm 1960 ông 2 lần được Đảng, Hồ Chủ tịch giao trọng trách Đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại nước bạn Lào. Năm 1961 trở lại làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy, kiêm Tư lệnh Quân khu 4. Năm 1962 được Quân đội cử đi học tại Học viện Phowrunde (Liên Xô).

Tháng 9/1963, cách mạng miền Nam bước sang thời kì mới. Quân khu 5 bị địch tập trung càn quét, gây nhiều tổn thất cho lực lượng cách mạng. Trước tình hình khó khăn, ông được Trung ương Đảng điều vào chiến trường Khu 5. Ông chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu 5 đánh thắng thiết xa địch trong lúc thiếu vũ khí chống tăng, bắn rơi máy bay bằng súng trường và trung liên. Ngày 7/5/1965 Sư đoàn lính thủy số 3 của Mỹ đổ bộ lên xã Kỳ Liên (tỉnh Quảng Nam). Trong lúc chưa tìm ra cách đối phó, với biệt danh “Hai Mạnh” ông chỉ đạo: “Chuyển mạnh tư tưởng trong du kích và bộ đội từ đánh ngụy sang đánh Mỹ, xây dựng vành đai diệt Mỹ ở Chu Lai, tìm cách diệt gọn đại đội Mỹ”. Quân khu 5 phát động phong trào toàn dân hiến kế đánh Mỹ xâm lược. Ngày 26/5/1965 Đại đội 2, Tiểu đoàn 70, Quảng Nam lần đầu tiên tiêu diệt gọn 1 đại đội quân Mỹ. Địch không ngờ vành đai Chu Lai đã làm thất điên bát đảo kế hoạch của chúng. Từ vành đai Chu Lai nở rộ phong trào diệt Mỹ trên chiến trường miền Nam. Từ đó Quân khu 5 xây dựng được thế trận khá vững chắc ở cả đồng bằng và vùng rừng núi.

Tháng 8/1965, ông được giao Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 – Tây Nguyên. Tháng 9/1965 Mỹ đưa lực lượng lên Tây Nguyên để chốt chặn địa bàn chiến lược quan trọng. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đứng đầu là ông Chu Huy Mân quyết định không mở Chiến dịch giải phóng Bắc Tây Nguyên nữa mà mở Chiến dịch Plây-me -Ia Đrăng diễn ra từ ngày 19/10 – 26/11/1965 tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn số 3, sư Đoàn Kị binh không vận số 1 của Mỹ. Loại khỏi vòng chiến đấu Lữ đoàn 3 quân Mỹ. Tiêu diệt gần hết Chiến đoàn 3 quân ngụy. Tướng Mỹ Oét-mô-len công khai thừa nhận: “Đây là tiểu đoàn Mỹ duy nhất bị tiêu diệt gọn trong chiến tranh ở Nam Việt Nam”. Sau 30 năm ông mới tiết lộ với đồng đội, sở dĩ thay đổi không mở chiến dịch giải phóng Bắc Tây Nguyên là vì hồi đó tình báo Mỹ lấy được kế hoạch đánh Tây Nguyên của ta. Tướng Mỹ Mu-re, cựu Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 trong Chiến dịch Plây-me sau khi đi thăm chiến trường xưa hỏi lại ông “về kế hoạch đánh Tây Nguyên”. Ông trả lời: “Chúng tôi chủ động lùi kế hoạch đó”. Mu-re hỏi: “Các ngài lùi đến bao giờ?”. Ông trả lời: “Chúng tôi lùi đến năm 1975.

Trên cương vị phụ trách công tác Đảng, cán bộ chỉ huy cao cấp trong Quân đội ông có công to lớn xây dựng Quân đội ta vững mạnh về chính trị. Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất nhiều chủ trương và quyết sách đúng đắn, đồng thời trực tiếp lãnh đạo thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chăm lo xây dựng Quân đội theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại”.

Theo nguoicaotuoi.org.vn