Điểm nhấn để là lá cờ đầu...

04/05/2015 10:57

(Baonghean) - Nhiệm kỳ 2010 - 2015, ngành giáo dục Nghệ An đã có những thành tựu nổi bật trên tất cả các bậc học và đây cũng là nhiệm kỳ đậm những dấu ấn quan trọng trong công tác tổ chức, sắp xếp lại quy mô trường lớp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từng bước rút dần khoảng cách giữa các vùng miền. Kết quả đó giúp giáo dục Nghệ An nhiều năm liền là lá cờ đầu trong hệ thống giáo dục cả nước.

Hiệu quả từ sáp nhập trường lớp

Thực tế cho thấy, trước đây công tác quy hoạch phát triển giáo dục ở tỉnh ta còn nhiều hạn chế, dẫn đến những bất cập trong quá trình phát triển như tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên; tình trạng quá tải cục bộ ở một số cơ sở giáo dục trong lúc quy mô của một số cơ sở giáo dục khác lại giảm mạnh gây nên lãng phí trong đầu tư; quy mô trường THCS quá nhỏ dẫn đến một số giáo viên không được bố trí giờ dạy đủ định mức gây lãng phí trong sử dụng lao động, hoặc phải bố trí giáo viên dạy chéo môn làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Do đó, việc quy hoạch lại mạng lưới trường lớp là điều cần thiết.

Thư viện khang trang của Trường THCS Nghĩa Đồng (Tân Kỳ).
Thư viện khang trang của Trường THCS Nghĩa Đồng (Tân Kỳ).

Nam Đàn là một trong những địa phương quyết liệt trong công tác quy hoạch sáp nhập lại hệ thống trường lớp. Trong đó có những điểm trường rất khó thực hiện như: Trường THCS Hưng Thái Nghĩa (từ 3 điểm trường của 3 xã Nam Hưng, Nam Thái, Nam Nghĩa), THCS Anh Xuân (từ 2 điểm trường Nam Anh và Nam Xuân), THCS Phúc Cường (từ 2 điểm trường Nam Phúc và Nam Cường). Nói về hiệu quả của công tác sáp nhập, ông Lê Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Anh Xuân chia sẻ: Nếu quy mô nhỏ lẻ như trước đây thì Trường THCS Anh Xuân không có điều kiện để hoàn thành việc xây dựng trường chuẩn quốc gia với cơ ngơi khang trang, đội ngũ giáo viên trên 85% đạt giáo viên dạy giỏi huyện và xây dựng trường thành 1 trong 28 trường đầu tiên của cả tỉnh được công nhận là trường chuẩn chất lượng mức độ 3. Trước đó, khi chưa sáp nhập, trường Nam Xuân chỉ là một trường nhỏ với tổng số chưa đến 10 lớp. Cơ ngơi của trường THCS Nam Anh cũng xuống cấp “học sinh ít, lớp ít, công tác quản lý không đủ mạnh”.

Trường THCS Lê Xuân Đào (Hưng Nguyên) vừa đón nhận danh hiệu chuẩn quốc gia. Việc xây dựng danh hiệu trường chuẩn quốc gia được tập trung đầu tư kể từ khi có chủ trương sáp nhập hai trường THCS Hưng Long và THCS Hưng Lĩnh vào năm 2011. Từ đó đến nay nhà trường đã huy động hơn 10 tỷ đồng từ nguồn kiên cố hóa trường học, nguồn xã hội hóa để xây dựng trường. Nhờ đó, chất lượng dạy và học được nâng cao, năm học 2013-2014, trường có 3 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và hơn 60 lượt em đạt học sinh giỏi cấp huyện, trong đó có nhiều em đạt giải nhất, nhì, ba. Cuối năm, kết quả tuyển sinh THPT nhà trường đã vượt lên hơn 50 bậc, xếp thứ 5 toàn huyện.

Hơn 5 năm trở lại đây Nghệ An đã sáp nhập được hơn 100 trường ở cả ba cấp học, trong đó có nhiều địa phương làm tốt như Yên Thành, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳ Châu. Với sự vào cuộc của các cấp các ngành, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, việc sáp nhập trường lớp về cơ bản đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Hiệu quả rõ rệt nhất là sau khi sáp nhập các trường đã có đội ngũ giáo viên tương ứng tạo điều kiện thuận lợi trong công tác bố trí chuyên môn, tăng cường trao đổi, dự giờ, thăm lớp. Học sinh và giáo viên có môi trường lớn hơn để thi đua học tập... Chất lượng dạy học có sự chuyển biến tốt. Công tác xây dựng cơ sở vật chất được chú trọng, việc đầu tư không diễn ra manh mún mà tập trung hơn, thuận lợi hơn, kêu gọi được nhiều nguồn xã hội hóa từ nhiều địa phương. Số trường đạt chuẩn tăng thêm hơn 200 trường so với đầu nhiệm kỳ, nâng số trường chuẩn trong toàn tỉnh là 858 trường, chiếm 54,2%, cao hơn tỷ lệ chung cả nước (39,3%).

Bước ngoặt trong chuyển đổi loại hình mầm non

Từ năm 2011 trở về trước, bậc học mầm non luôn gặp nhiều khó khăn bởi đại đa số các trường mầm non đều thuộc loại hình trường bán công (ngoài công lập); lương của giáo viên mầm non phụ thuộc phần lớn vào nguồn thu học phí. Vì vậy, hầu hết giáo viên không được chi trả lương theo thang, bảng lương nhà nước và một thời gian dài giáo viên không được tham gia bảo hiểm xã hội. Trong số 353 trường bán công, có đến 6.011 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hưởng lương hợp đồng ngắn hạn, 3 tháng hè giáo viên không được chi trả lương. Bất cập lớn nhất là sự mất cân bằng thu nhập giữa giáo viên trong biên chế và ngoài biên chế, giữa các trường công lập và bán công.

Định mức cán bộ quản lý, giáo viên chưa đủ theo quy định của Thông tư 71 dẫn đến cường độ lao động của giáo viên mầm non quá cao, làm quá giờ quy định và chưa được thanh toán chi trả; giáo viên nghỉ sinh, nghỉ ốm chưa có định mức để huy động dạy thay. Điều này không những ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống giáo viên mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị không được quan tâm. Điều này dẫn đến tỷ lệ huy động trẻ thấp, đầu năm 2010 tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đến trường mầm non đạt 19,8%, trẻ từ 3 đến 5 tuổi ra lớp đạt 84%. Trước những khó khăn này, việc chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo giáo viên và nhân dân trong tỉnh.

Giờ học hát dân ca của cô và trò Trường Mầm non Kim Liên (Nam Đàn).
Giờ học hát dân ca của cô và trò Trường Mầm non Kim Liên (Nam Đàn).

Việc chuyển đổi loại hình mầm non chính thức triển khai sau khi UBND tỉnh thông qua Đề án chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công. Chỉ sau gần 1 năm chuẩn bị, đến tháng 9/2011, có 37 trường miền núi (thuộc khu vực 2) sang loại hình công lập, chuyển đổi 296 trường mầm non bán công, Trường Mầm non Làng Sen (Nam Đàn) và Trường Mầm non Nghi Phú (TP Vinh) sang công lập tự chủ một phần kinh phí hoạt động. Dù rất khó khăn về ngân sách và kinh phí nhưng với quyết tâm cao tỉnh đã trích một năm gần 300 tỷ đồng để tuyển dụng gần 6.000 cán bộ giáo viên của bậc mầm non vào biên chế.

Ông Lưu Đức Thuyên - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Đây thực sự là một bước ngoặt, bước đột phá lớn tạo nên sự thay đổi trong toàn bậc mầm non và giúp giáo viên mầm non yên tâm gắn bó với nghề. Về phía các trường, do được phân cấp quản lý tài chính, hỗ trợ ngân sách chi thường xuyên nên đã tự chủ trong mọi hoạt động, năng động hơn trong tổ chức dạy và học. Nhận thức đúng mục đích, yêu cầu và lợi ích của việc chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập nên 5 năm trở lại đây các đơn vị, địa phương đã tập trung nguồn lực bằng nhiều hình thức xã hội hóa, huy động các nguồn kinh phí, ngày công trong nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội và các cá nhân để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng khuôn viên, sân chơi, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, từng bước đảm bảo các điều kiện thiết yếu phục vụ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Việc tổ chức bán trú được quan tâm đúng mức, bảo đảm các điều kiện như phòng học đạt chuẩn, công trình vệ sinh tự hoại liền kề, nguồn nước sạch, các bếp ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, kết quả thu được qua việc chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập có ý nghĩa to lớn trong việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, huy động trẻ đến trường và tạo đà vững chắc cho các bậc học khác. Tại thời điểm 6 tháng đầu năm học 2014 - 2015, Nghệ An đã có 14/21 đơn vị cấp huyện (đạt 66,7%), 423 xã, phường, thị trấn (đạt 88,1%) đạt phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi, có 21/21 đơn vị cấp huyện đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 (có 2 đơn vị Cửa Lò, Diễn Châu đạt mức độ 2).

Với những thành công này, giáo dục Nghệ An đã có một nhiệm kỳ khởi sắc. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới toàn diện theo tinh thần của Nghị quyết số 29 của Bộ Chính trị và để hoàn thành các chỉ tiêu của Đại hội, công tác giáo dục vẫn đang còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Muốn vậy phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; đa dạng hóa hình thức dạy học, chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Về cơ sở vật chất, sẽ đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học gắn với đầu tư cơ sở vật chất, theo hướng đồng bộ và hiện đại. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục...

Mỹ Hà