Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu: Hướng đi mới ở Tân Kỳ

16/04/2015 14:30

(Baonghean) - Ngay cạnh đường Hồ Chí Minh đoạn thuộc miền Tây đất Nghệ, có một trại sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động là nông dân... trại nấm này đang là mô hình được nhiều hộ dân học tập, nhân rộng

Đến thăm mô hình nấm của 2 gia đình Chu Văn Hợi và Chu Văn Đồng, ở xóm Lưu Xuân, xã Kỳ Tân (Tân Kỳ) thấy 2.000 bịch nấm của các anh được chăm sóc trong lán trại kín đáo, có hệ thống tưới nước đảm bảo. Anh Hợi cho biết, trước khi nhận bịch nấm, cả 2 gia đình được tập huấn kỹ thuật cách trồng nấm, sau đó đầu tư khoảng 1,5 triệu đồng để mua vật liệu làm nhà. Cả 2 vợ chồng đều tích cực chăm sóc nấm đúng kỹ thuật, nên nấm phát triển mạnh. Gia đình đã thu hoạch lứa đầu, phơi khô cân được 40 kg. Lứa nấm thứ 2 đang phát triển tốt... Được biết, những gia đình này đã học tập và làm theo mô hình trồng nấm từ Công ty cổ phần sinh học An Hà.

Đóng bịch nấm linh chi và nấm mộc nhĩ bằng máy tự động.
Đóng bịch nấm linh chi và nấm mộc nhĩ bằng máy tự động.

Theo chỉ dẫn của người dân bản địa, chúng tôi đến Công ty cổ phần sinh học An Hà ở xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ) vào một ngày trời mưa nặng hạt, nhiều công nhân chủ yếu là phụ nữ vẫn nhộn nhịp công việc sản xuất nấm trong nhà xưởng được làm bằng cột thép, lợp mái tôn. Mỗi người một việc, xúc nguyên liệu vào máy trộn, vận hành máy đóng bịch cấy giống, chăm sóc và thu hoạch nấm… Được biết, đây là dự án sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến nấm ăn, nấm dược liệu theo quy mô công nghiệp tại tỉnh Nghệ An, do Bộ KH - CN đầu tư, gần 4 tỷ đồng, được Công ty cổ phần sinh học An Hà thực hiện từ năm 2011.

Nguyên liệu dùng để sản xuất nấm, chủ yếu mùn cưa gỗ tạp và bông. Với công suất mỗi ngày đóng ít nhất 4 nghìn bịch nấm, cần khối lượng mùn cưa và bông lên tới chục m3. Do vậy, công ty đặt nguyên liệu mùn cưa tại các nhà máy chế biến gỗ khắp nơi trong vùng, đối với nguyên liệu bông, phải đặt hàng ở Nhà máy sợi Vinh. Tùy từng loại nấm để dùng nguyên liệu đóng bịch. Với nấm linh chi và nấm mộc nhĩ, sử dụng hoàn toàn bằng mùn cưa, còn nấm sò phải trộn mùn cưa với bông. Máy đóng bịch này chỉ sử dụng khi đóng bịch nấm linh chi và nấm mộc nhĩ, còn nấm sò phải đóng bằng thủ công. Sau một buổi đóng bịch, công nhân vận chuyển bịch vào lò hấp khử trùng.

Bịch nấm được xếp vào lồng sắt, mỗi lồng 16 bịch, đặt lên giá sắt, mỗi giá 24 lồng, đẩy vào lò hấp bằng đường ray. Sau khi hấp xong, đẩy từng giá ra ngoài, làm như vậy vừa năng suất, công nhân đỡ vất vả. Lò khử trùng sử dụng nhiệt hơi nước, một mẻ xử lý được 4 nghìn bịch nấm. Khi nhiệt độ trong lò đạt 1000C, cho đến lúc kết thúc một mẻ, kéo dài từ 9 - 12 tiếng đồng hồ (tùy loại nấm). Khử trùng xong, bịch nấm được chuyển sang lò xử lý tia cực tím, sau đó đưa ra cấy giống, treo lên trong mái nhà được lợp kín, không cho nước mưa chảy vào. Trong quá trình chăm sóc, sử dụng hoàn toàn bằng nguồn nước trong sạch để phun lên bịch nấm hàng ngày, tạo độ ẩm cho nấm nảy mầm.

Chị Lĩnh, cán bộ kỹ thuật cho biết, sản phẩm nấm mộc nhĩ phơi khô bán nhập ra Hà Nội với số lượng lớn, nên trong số 16 vạn bịch nấm đang treo, có tới gần 2/3 là là bịch nấm mộc nhĩ, thứ đến là nấm linh chi. Riêng nấm sò, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Thành phố Vinh và các huyện miền núi trong tỉnh, mỗi ngày từ 2 tạ trở xuống, nên chưa đầu tư nhiều. Với nấm sò, cần phải thu hoạch đúng thời điểm đang non thì mới đảm bảo chất lượng, do vậy ngày nào cũng thu hái. Nấm mộc nhĩ, sau 4 tháng thu hoạch 1 lứa. Hiện nay, đơn vị đang trồng thử nghiệm một số nấm cao cấp như nấm chân dài, nấm đầu khỉ (dược liệu), nấm đùi gà và nấm rơm. Đa dạng các loại nấm ăn và nấm dược liệu, mùa nào công ty cũng có sản phẩm bán ra thị trường, đảm bảo chất lượng.

Thu hoạch nấm
Thu hoạch nấm

Đội ngũ công nhân làm việc thường xuyên tại trại nấm, được trả lương theo trình độ tay nghề. Người làm giỏi nghề, có trách nhiệm cao, gắn bó với công ty, được trả 5 triệu đồng/tháng, người mới vào làm, được trả gần 3 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Thủy là công nhân làm việc thường xuyên ở đây, cho biết, làm việc cho công ty mỗi ngày 8 tiếng, được trả lương 100 nghìn đồng/ngày. Công việc của chị là đóng bịch và chăm sóc, thu hái nấm, chuẩn bị nấm nhập cho khách. Mặc dù không vất vả, nhưng đòi hỏi con người phải cẩn thận, làm theo đúng quy trình kỹ thuật mới đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Thấy được hiệu quả từ sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu tại Công ty cổ phần sinh học An Hà, cuối năm 2014, UBND huyện Tân Kỳ có chính sách hỗ trợ cho 25 gia đình của xã Kỳ Sơn trồng nấm, với mục đích tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Mỗi gia đình được huyện hỗ trợ 100% tiền mua số lượng 1 nghìn bịch nấm, gia đình đầu tư làm nhà treo bịch. Sản phẩm làm ra là nấm mộc nhĩ, sau khi thu hái, phơi khô, được công ty bao tiêu sản phẩm.

Quy mô ngày càng lớn, phong phú các loại nấm ăn, nấm dược liệu, sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng, tạo cho nghề trồng nấm trên đất Tân Kỳ càng mang lại hiệu quả. Chính vì thế, UBND huyện Tân Kỳ coi đây là một trong những nghề bền vững, theo mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Xuân Hoàng