Chính sách khôn khéo của Phần Lan, "nghệ thuật" sống cạnh nước Nga

20/04/2015 16:07

Là một nước nhỏ, Phần Lan có sự lựa chọn rõ ràng, khôn khéo, về đối ngoại: Không bợ đỡ một nước Nga khổng lồ, hung hăng tái vũ trang, đồng thời không chủ trương gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương - NATO.

Phần Lan trước bầu cử Quốc hội ngày 19/04. Trong ảnh, các quảng cáo tranh cử trên một đường phố ở Helsinki, ngày 10/04/2015. REUTERS/Heikki Saukkomaa/Lehtikuva
Phần Lan trước bầu cử Quốc hội ngày 19/04. Trong ảnh, các quảng cáo tranh cử trên một đường phố ở Helsinki, ngày 10/04/2015. REUTERS/Heikki Saukkomaa/Lehtikuva

Ngày 19/4/2015, Phần Lan tổ chức bầu cử Quốc hội. Là một nước nhỏ, Phần Lan có sự lựa chọn rõ ràng, khôn khéo, về đối ngoại: Không bợ đỡ một nước Nga khổng lồ, hung hăng tái vũ trang, đồng thời không chủ trương gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương - NATO, RFI viết.

Năm ngoái, vụ Nga sáp nhập Crimea và các hoạt động quân sự gia tăng ở vùng biển Baltic đã gây ra nhiều tranh luận tại Phần Lan. Một bộ phận trong giới lãnh đạo chính trị đã nói đến việc cần gia nhập NATO. Thế nhưng, trong cuộc vận động tranh cử lập pháp, chủ đề này ít được đề cập.

Theo ông Juhana Aunesluoma, giáo sư lịch sử chính trị, thuộc đại học Helsinki, được AFP trích dẫn, thì điều gây ngạc nhiên là vấn đề an ninh vắng bóng trong các cuộc tranh luận. "Rõ ràng là người dân quan ngại, nhưng dường như họ ủng hộ sự đồng thuận chung trong chính phủ hiện nay, đó là tiếp tục duy trì chính sách của Liên Hiệp Châu Âu tăng cường hợp tác với NATO trong khuôn khổ hiện tại".

Đối với Phần Lan, nước có 5,5 triệu dân và có 1340 km biên giới chung ở phía đông với Nga, việc duy trì truyền thống không liên kết được coi là phương tiện tốt nhất để giữ mối quan hệ tương đối tốt với Moscow.

Sự kiện "Cuộc chiến Mùa Đông" 1939 – 1940 vẫn sâu đậm trong ký ức người dân Phần Lan. Sau thất bại của các cuộc đàm phán nhằm thành lập vùng đệm bảo vệ Léningrad (tức Saint Petersbourg ngày nay), quân đội Liên Xô tràn sang Phần Lan, vốn nằm trong vòng ảnh hưởng của Moscow. Cuộc chiến kéo dài hơn 100 ngày.

Thỏa thuận Moscow ký vào tháng Giêng năm 1940 đã gạt bỏ được kế hoạch của Pháp và Anh muốn đưa quân sang ứng cứu Phần Lan, biến nước này thành một bãi chiến trường.

Cũng từ đó và trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Phần Lan duy trì thái độ chừng mực với Liên Xô, quan hệ làm ăn với cả hai phe, Đông và Tây.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Phần Lan gia nhập Liên Hiệp châu Âu vào năm 1995, đồng thời tăng cường hợp tác với NATO, trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác vì Hòa bình, ủng hộ khối này can thiệp vào Afghanistan.

Theo giới phân tích, chính quyền Helsinki thiên về một chính sách quốc phòng chung Châu Âu thay vì dựa hẳn vào NATO.

Tuy tỏ ra không lo ngại trước mối đe dọa quân sự của Nga, nhưng Phần Lan vẫn luôn luôn cảnh giác. Tướng Jarmo Lindberg, chỉ huy quân đội Phần Lan cho biết, mặc dù Moscow không làm gì để đe dọa, nhưng số các vụ máy bay Nga vi phạm không phận Phần Lan gia tăng. Do vậy, quân đội Phần Lan cần phải xem xét lại công tác chuẩn bị, sẵn sàng đối phó.

Trong cuộc họp giữa năm nước, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Ireland, ngày 10/4, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan đã nhận định, Nga là "mối thách thức lớn nhất đối với an ninh tại Châu Âu". Trong thông cáo, Bộ trưởng Quốc phòng 5 nước nhấn mạnh: "Chúng ta phải sẵn sàng đối phó khi các cuộc khủng hoảng hoặc những sự cố tái diễn". Lãnh đạo quốc phòng 5 nước thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự, tiến hành các cuộc tập trận chung và huấn luyện, trao đổi về thông tin tình báo.

Về phần mình, Thủ tướng Phần Lan kêu gọi người dân bình tĩnh, không nên lo sợ. Nhưng theo một cuộc thăm dò dư luận, đăng trên nhật báo Helsinki Sanomat, hồi tháng Ba vừa qua, có tới 61% số người được hỏi cho rằng, "nước Nga hiện nay là mối đe dọa lớn nhất đối với Phần Lan".

Tuy vậy, số người ủng hộ gia nhập NATO chỉ là 27%, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2002, và có tới 57% chống lại ý tưởng này.

Lĩnh vực đối ngoại cũng thuộc thẩm quyền của Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, người chủ trương duy trì đối thoại tốt đẹp với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin.

Chuyên gia Aunesluoma nhấn mạnh, "duờng như sẽ không có thay đổi lớn. Đường lối (đối ngoại) hiện nay đã được thỏa thuận giữa các chính đảng lớn và Tổng thống".

Theo BizLIVE