Ký ức về Bác của những người cận vệ

20/05/2015 15:10

(Baonghean) - Họ từng là những người lính cận vệ của Bác Hồ. Họ vinh dự được thực thi nhiệm vụ bảo vệ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, vinh dự theo chân Bác đi khắp mọi miền của Tổ quốc. Gần Bác, học được nhiều đức tính cao đẹp từ con người Bác, những đức tính đó ngấm sâu vào tâm hồn họ và với họ, những tháng ngày được ở bên Bác là quãng thời gian quý giá và tự hào nhất…

Vinh dự đào hầm bí mật bảo vệ Người

Ở tuổi 90, song ông Trần Kim Tân, ở xóm Vệ Nông, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn vẫn rất năng nổ trong các hoạt động của xóm. Người lính cận vệ của Bác Hồ năm xưa luôn tâm niệm: Ngày nào còn có sức đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội thì hãy còn cố gắng và phấn đấu.

Cuộc đời của người cựu binh này đã chứng thực điều ấy: Năm 1946, ở tuổi 20, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Bác Hồ, chàng trai trẻ Trần Kim Tân hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ, biên chế vào Đại đội C950, Sư đoàn 312. Sau gần 1 năm huấn luyện kỹ năng, đơn vị của ông hành quân lên Tây Bắc tham gia chiến tranh du kích ở Phú Thọ. Hăng hái diệt thù không sợ hiểm nguy, ông Tân cùng đồng đội của mình đã xóa sổ rất nhiều đồn bốt. Gan dạ, dũng cảm, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi hơn 1 năm ông Tân đã 8 lần được quân đội khen thưởng.

Ông Hồ Viết Chuyên kể chuyện về Bác Hồ cho các cháu nghe.
Ông Hồ Viết Chuyên kể chuyện về Bác Hồ cho các cháu nghe.

Tháng 4 năm 1948, ông Trần Kim Tân được Chính ủy, Sư đoàn trưởng Trần Độ gọi lên giao nhiệm vụ mới vô cùng quan trọng. Ông Tân hồi tưởng lại niềm vui sướng, xúc động năm ấy: “Được đồng chí Trần Độ gọi lên, trong lòng tôi không khỏi bồi hồi, biết mình vinh dự được cử đi bảo vệ Bác Hồ, đào hầm bí mật cho Bác và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng ở Định Hóa, mình vô cùng sung sướng, tự hào. Mình xác định sẽ phải làm việc thật tốt để xứng đáng với sự tin tưởng đó”.

Ông Tân kể: “Có lần đang đào hầm ở đồi Nà Đình thì Bác đến ân cần động viên, thăm hỏi và hướng dẫn cách đào làm sao cho nhanh nhất và an toàn nhất khiến ai nấy đều vui và cảm động vô cùng. Bác bảo: “Các chú đào thì phải đắp cao ụ đàng trước phòng khi địch bắn pháo thì sẽ không vào được hầm, ở trong hầm cứ cách 5m thì phải đào thêm một ngách, làm như vậy nếu địch có phát hiện được thì khi chúng bắn ta vẫn có thể tránh được”.

Rồi Bác đến bên một đồng chí đang đào hầm, Bác cười hiền và hỏi: “Sao chú thấp thế mà cũng đi bộ đội?”, Bác hỏi bất ngờ, người lính trẻ đỏ mặt lúng túng không biết trả lời thế nào, chỉ biết gãi đầu. Ánh mắt Bác Hồ như trĩu nặng nỗi buồn: “Bác hiểu rồi, đất nước ta vừa mới giành được độc lập thì tiếp tục phải chiến đấu, bởi chúng quyết cướp nước ta một lần nữa. Nước ta đang nghèo, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ ấm thì làm sao mà cao lớn được, tuy nhiên dù ta có thấp bé hơn chúng, nhưng chúng ta chiến đấu vì chính nghĩa thì nhất định sẽ thắng lợi... Bác cảm ơn các chú”. Đến đây, giọng Bác như nghẹn lại khiến ai cũng chực trào nước mắt và càng quyết tâm hoàn thành sớm công việc để tiếp tục xông pha chiến trường chống giặc ngoại xâm.

Sau khi đào hầm bí mật xong, ông Trần Kim Tân được điều về đơn vị cũ và tiếp tục chiến đấu, tham gia Chiến dịch Biên giới, chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch giải phóng Sơn La. Có mặt trong đoàn quân của Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp Quân đội Pathét trên địa bàn hai tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (Thượng Lào), tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ… Và trong kháng chiến chống Mỹ, ông Tân tiếp tục phục vụ chiến trường với nhiệm vụ lái xe vận chuyển vũ khí, khí tài đến khắp các chiến trường trong nước và nước bạn Lào trong biên chế đoàn xe 32 của Quân khu 4 cho đến năm 1970 thì về hưu.

Quãng thời gian được làm cận vệ cho Bác Hồ chỉ rất ngắn ngủi nhưng với ông Tân đó là kỷ niệm không bao giờ quên. Theo ông, lớp trẻ hôm nay cần và nên học tập theo Bác kính yêu để xây dựng và bảo vệ đất nước vẹn toàn, giàu mạnh…

Nghĩ về Bác lòng trong sáng hơn

Ở cái tuổi 92, ông Hồ Viết Chuyên ở xóm 1, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn hãy còn mạnh khỏe và minh mẫn lắm. Nghe nhà có khách tới hỏi chuyện năm xưa, ông Chuyên đạp xe từ sân bóng chuyền của xóm về… Những ngày được sống cạnh Bác Hồ là niềm tự hào, cảm hứng bất tận cho những câu chuyện mà ông kể: Năm 1951, anh nông dân 27 tuổi Hồ Viết Chuyên lên đường nhập ngũ, vào Đại đội 950, Tiểu đoàn 564, Trung đoàn 165, Sư đoàn Chiến thắng 312 mở đường, tham gia các trận đánh trong chiến dịch Lý Thường Kiệt ở Tây Bắc. Tay súng đã quen, bao lần vào sinh ra tử, tháng 10/1951, chiến sỹ Hồ Viết Chuyên đã là tiểu đội phó; rồi là Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 950.

Ông Trần Kim Tân  với những huân, huy chương cao quý.
Ông Trần Kim Tân với những huân, huy chương cao quý.

Được trở thành cận vệ của Bác Hồ, với ông Chuyên đó là một “cơ duyên” kỳ lạ: Trong buổi huấn luyện tân binh ngay cạnh chiến trường, một chiến sỹ đã quên tháo đạn rồi bóp cò. Súng nổ, nhưng rất may đạn không trúng ai. Tiếng súng nổ trước giờ tấn công đã làm lộ bí mật trận địa, chiến thuật, ban kỷ luật mặt trận đã xác minh rõ nơi phát ra tiếng súng. Thương chiến sỹ mình vụng về, trung đội trưởng Hồ Viết Chuyên đã đứng ra tự nhận và sẵn sàng chịu kỷ luật.

Thấy rõ “công” và “tội”, hình thức kỷ luật lập tức được đưa ra: Trung đội trưởng trung sĩ Hồ Viết Chuyên bị hạ cấp xuống binh nhì và bị chuyển về tuyến sau - về An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên) làm nhiệm vụ cận vệ cho Bác Hồ. Được gặp Bác, ở bên Người, với ông Chuyên đây chính là một phần thưởng lớn. Tiếng là cận vệ nhưng nhiệm vụ chính của ông và 2 người khác (cùng quê ở Nam Đàn) là học tập, rèn luyện và lao động, với những công việc thường ngày như đào hầm, chặt nứa làm nhà sàn, tăng gia sản xuất…

Ông Chuyên là một trong những người được chứng kiến những thời khắc vô cùng quan trọng, hiểu rõ vai trò “linh hồn của chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Tướng quân tại ngoại” và lời dạy “đánh chắc thắng” của Bác Hồ. Đó là những buổi họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Tỉn Keo, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên bàn về kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953-1954 vào tháng 10/1953, do Bác chủ trì; thời khắc Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát chào Bác trước khi lên đường ra mặt trận vào tháng 1/1954.

Ông Hồ Viết Chuyên kể: Bác hiền từ, giản dị, luôn gần gũi yêu thương. Ở bên Người, bản thân ông và các cận vệ luôn có cảm giác như cha với con chứ không phải Chủ tịch nước với người lính… Những câu nói, hành động của Bác, ông Chuyên luôn xem đó là những bài học lớn: Có lần ông và các cận vệ đi hái măng về ăn. Bác thấy các cháu hái nhiều, ăn không hết, Bác mới kêu các cháu lại và dạy rằng: Măng này sau sẽ lớn thành mét, thành tre có thể dựng nhà, hòa bình rồi sẽ sản xuất giấy. Chúng ta hái thế này thì rất phí phạm”.

Đó còn là cái Tết nơi chiến khu, bữa ấy, Bác gọi 3 chú cận vệ lại cùng chuyện trò và bảo buổi này là họp đồng hương, hàn huyên tâm tình chuyện quê, ai muốn hỏi gì Bác cứ hỏi. Ông Chuyên đánh liều hỏi Bác đôi điều chuyện riêng tư - Bác cười và trả lời: “Là con người thì ai cũng có đầy đủ cảm xúc. Vì một tình yêu tột cùng là tình yêu đất nước, dân tộc, Bác đành gác lại chuyện riêng tư”…

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Hồ Viết Chuyên còn có thêm 6 năm được làm cận vệ cho Bác khi là thành viên Đội bảo vệ thuộc Bộ Công an. Đến năm 1960, vì gia cảnh nhà khó khăn, ông Chuyên xin về quê. Chào từ biệt, Bác Hồ đã dặn rằng: “Là người đảng viên, người lính, về địa phương phải là nòng cốt của phong trào”… Những lời căn dặn, việc làm của Bác mãi theo suốt chặng đường sinh sống và làm việc của ông, về quê, ông Chuyên đã xung phong làm đội trưởng TNXP làm đường sắt Hàm Rồng - Bến Thủy, rồi chuyển ngành sang làm vật tư nông nghiệp Nghệ An, nghỉ chế độ vào năm 1972.

Trong buổi chiều tà, ông Chuyên trịnh trọng, nâng niu tấm Huân Chương Chiến thắng hạng Nhất được Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trao tặng ngày 7/4/1958 do Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký vì đã có thành tích trong thời kỳ kháng chiến cho các cháu mình xem… Câu chuyện kể cho các cháu mình nghe về Bác không còn mạch lạc nhưng chắc rằng các cháu của ông đã cảm nhận được niềm tự hào của ông về những tháng ngày xưa ấy...

Thanh Sơn - Cảnh Nam