Trách nhiệm cộng đồng

11/04/2015 08:55

(Baonghean) - Trong xã hội, tính gắn kết cộng đồng là một thuộc tính quan trọng vào bậc nhất. Nhờ điều này, cộng đồng mới có sức mạnh để tồn tại và phát triển, duy trì qua những biến thiên thời gian cũng như ảnh hưởng của các biến động lịch sử. Bài viết "Thu phí bảo trì đường bộ: Nghĩa vụ cá nhân, lợi ích cộng đồng" của nhóm tác giả Thục Anh - Thanh Nga đã đề cập đến vấn đề này qua một nội dung đang mang tính thời sự.

TIN LIÊN QUAN

Theo Nghị định số 18/2012/NÐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ quy định từ ngày 1/6/2012 tất cả các phương tiện tham gia giao thông cơ giới đường bộ đều phải nộp phí bảo trì đường bộ, Quyết định số 42/2013/QĐ-UBND ngày 15/8/2013 của UBND tỉnh Nghệ An quy định đối tượng, mức thu, phương thức thu, tỷ lệ trích nộp phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn. Mặc dù về cơ bản, các địa phương trên địa bàn tỉnh ta đang và đã dần đi vào quỹ đạo chung nhưng đây vẫn là một vấn đề còn cần ý thức cộng đồng và động thái mạnh mẽ hơn của chính quyền.

Trong bài viết này, nhóm tác giả mở đầu "Được ban hành và có hiệu lực từ năm 2013, việc thu phí sử dụng đường bộ đến nay vẫn chưa thực sự tạo được thói quen, nhận thức về trách nhiệm nộp phí trong người dân". Chúng ta thử xem xét lại mục đích và bản chất của việc thu phí đường bộ. Đường bộ có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong quá trình khai thác, sử dụng, đường bộ cần phải được bảo trì theo yêu cầu kỹ thuật.

Trong những năm qua, Chính phủ cũng đã quan tâm bố trí vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, tuy nhiên nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 40% nhu cầu quản lý bảo trì đối với hệ thống quốc lộ, và khoảng 20 - 30% nhu cầu với hệ thống đường bộ địa phương. Trong điều kiện vốn ngân sách không thể đáp ứng đủ nhu cầu bảo dưỡng, duy trì chất lượng hệ thống đường sá, người sử dụng đường bộ cần chung tay đóng góp, từng bước đáp ứng nhu cầu vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ. Như vậy, phí bảo trì đường bộ chính là một cách kêu gọi ý thức cộng đồng cùng có trách nhiệm với hạ tầng cơ sở đã được các cấp thượng tầng đầu tư.

Xét một cách toàn diện, việc đóng phí đường bộ cũng chính là người dân tự đầu tư cho chất lượng cuộc sống của chính mình. Thế nhưng, sự "e ngại" hoặc trắng ra là "chây ỳ" đối với việc nộp phí bảo trì đường bộ lại có một phần nguyên nhân mà bài viết đề cập: "Một trong những câu hỏi mà người cán bộ làm công tác tuyên truyền người dân nộp phí sử dụng đường bộ thường gặp nhất là: Phí này dùng để làm gì? Để duy tu, bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Điều mà nhiều người dân thắc mắc sau đó là, nguồn quỹ này được phân bổ ở đâu, như thế nào?"

Trở lại với phần đầu bài viết, trong tiểu mục "Những cách làm hay", nhóm tác giả đã điểm ra một vài địa phương đã phần nào tạm gọi là "làm được". Thí dụ như huyện Yên Thành "là địa phương có kết quả thu phí sử dụng đường bộ năm 2013 xếp vào hàng thấp trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, sang năm 2014, Yên Thành đã có cú “lội ngược dòng” ngoạn mục khi vươn lên đứng vào tốp đầu các huyện, thành, thị đạt kết quả cao nhất trong công tác thu phí sử dụng đường bộ".

Lý giải cho điều này, có thể hiểu rằng đây là chuyển biến cơ bản trong nhận thức của người dân. Nhưng cũng không thể không nhắc đến, đó là nhờ cách làm khoa học, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền. Dẫn chứng cụ thể nhất là Chỉ thị số 07/2014 của UBND huyện Yên Thành ngày 4/3/2014 Về việc đẩy nhanh tiến độ thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn huyện Yên Thành. Theo đó, đã giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp, ngành trên toàn huyện thực sự vào cuộc, thành lập Ban chỉ đạo tuyên truyền đến tận cấp xóm... Nhờ vậy mới có kết quả "lội ngược dòng ngoạn mục" như đã trích dẫn ở trên.

Thế nhưng, đó mới chỉ là số ít trong bức tranh chung của việc thu phí bảo trì đường bộ. Bởi về cơ bản, trên địa bàn Nghệ An hiện nay có 467.061 xe gắn máy, dự toán năm 2014 nộp quỹ hơn 37 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2014, toàn tỉnh chỉ nộp quỹ 23,162 tỷ đồng, đạt 62,84%.

Rõ ràng, còn khá nhiều bất cập trong công tác thu phí bảo trì đường bộ hiện nay. Bởi vậy, sự minh bạch mục đích, cách thức phân bổ nguồn quỹ này là một yếu tố quan trọng để lòng dân đồng thuận trong việc nộp phí. Mặt khác, làm thế nào để người dân nhận thức rõ ràng rằng họ đang đóng góp, cống hiến cho chính mình và cộng đồng gần thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn nhiều. Điều này phụ thuộc vào việc nâng cao nhận thức người dân và những hành động có lý, có tình của chính quyền. Mà trong đó, như bài viết đã nhắc đến một vài giải pháp, là trích một phần nguồn quỹ bảo trì đường bộ về địa phương quản lý, tự chủ sử dụng vào mục đích bảo trì hệ thống giao thông ở cấp xóm, cấp xã. Đó cũng là ý kết mà bài viết muốn nhắc tới "Trên hết, điều này đồng nghĩa với việc nâng cao tính tự chủ, dân chủ ở các cấp cơ sở, để quyền lợi và nghĩa vụ của người dân thực sự do dân bàn - dân làm - dân kiểm tra và tất nhiên là người dân được thụ hưởng".

Người xây dựng