Sửa Điều 60 Luật BHXH: "Cực chẳng đã mới nhận tiền một lần"

21/05/2015 17:52

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng việc sửa Điều 60 là hoàn toàn phù hợp để cho người lao động có quyền lựa chọn.

Rút sớm thì người lao động thiệt thòi

Sáng 21/5, Chính phủ và Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thống nhất đề nghị Quốc hội xem xét sửa Điều 60 Luật BHXH. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng tin tưởng các vị đại biểu Quốc hội cũng sẽ đồng tình. Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tuyên truyền để người lao động hiểu nếu tiếp tục đóng BHXH để hưởng hưu trí thì có lợi hơn.

Ông Đặng Ngọc Tùng đặt vấn đề: “Tại sao nhiều người lao động lại nhận BHXH một lần trong khi số tiền người lao động và người sử dụng lao động đóng phải 2,6 tháng lương, nhưng khi nhận một lần họ chỉ nhận được 2 tháng lương? Như vậy là họ thiệt thòi mất 0,6 tháng, 10 năm mất 6 tháng lương. Người lao động nhận một lần rất là thiệt thòi”. Đó là chưa kể nếu đóng lâu dài sẽ bảo đảm lương hưu sau này.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng

“Cực chẳng đã nên họ mới nhận một lần nên ta phải để cho người lao động có quyền lựa chọn, còn đa số người ta muốn nghỉ hưu cho ổn định chứ! Ví dụ trong ngành dệt may, da giầy, có trường hợp chủ sử dụng muốn sử dụng lao động trẻ khỏe hơn nên chấm dứt hợp đồng lao động, công nhân ra ngoài không xin được việc nên buộc lòng phải lấy khoản tiền bảo hiểm để mưu sinh, tìm việc khác”, ông Tùng nói.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, quan trọng nhất là giải thích cho người lao động hiểu, cho họ thấy được sự hấp dẫn của việc tiếp tục tham gia bảo hiểm có lợi như thế nào để từ đó có lựa chọn có lợi nhất cho mình.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng: “Người lao động nên cân nhắc kỹ, quả thực khó khăn trước mắt không có biện pháp nào xử lý được mới nhận một lần, còn nếu không hãy cố gắng tiếp tục đóng góp, tích lũy thời gian tham gia BHXH để có lương hưu bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, tránh rủi ro khi về già”.

Tiền đóng bảo hiểm dù sống hay chết vẫn được hưởng

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng khẳng định việc sửa luật để đảm bảo lựa chọn cho người lao động chỉ là bài toán tình thế trước mắt, vì nếu quá nhiều người nhận một lần thì Nhà nước phải bỏ ra một phần ngân sách để lo an sinh xã hội cho người lao động khi về già. Phải làm sao cân đối lợi ích người lao động và Nhà nước, nhưng vấn đề quan trọng nhất là vẫn phải tôn trọng ý kiến người lao động.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, tỷ lệ nhận bảo hiểm một lần hiện rất cao. Trong 5 năm (2010-2015) có số người vào hệ thống BHXH là 2,5 triệu người, số ra là 2,3 triệu. Điều đáng chú ý là 72% chỉ làm từ 1 đến 3 tháng đã rút tiền BHXH một lần.

“Với số vào và số ra cân bằng như vậy thì mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH rõ ràng là không đạt, Nhà nước phải dành một khoản ngân sách để lo cho người dân khi về già. Hiện nay có 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên và ngân sách phải bỏ ra 3.5000 tỷ đồng, nay nâng lên thì ngân sách phải bỏ ra lớn hơn thì rõ ràng rất khó khăn”, ông Lợi phân tích.

Đề cập có ý kiến cho rằng người lao động thiếu niềm tin vào cơ quan nhà nước, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng điều này do các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng chưa giải thích rõ chính sách cho người lao động.

“Tiền lương BHXH như là của để dành của người lao động, không ai có quyền được vi phạm, kể cả cơ quan quản lý quỹ. Quỹ này được quản lý tập trung thống nhất ở Trung ương, không phải do cơ quan BHXH “ôm” và phải được bảo toàn, đầu tư tăng trưởng khi quỹ nhàn rỗi”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng khẳng định rằng: “Có người nói rằng đóng BHXH không may bị chết thì không được hưởng là hoàn toàn không đúng. Bằng giá nào người lao động cũng được trả hết. Nếu không may chết vẫn được 10 tháng lương mai táng phí, thân nhân của người chết vẫn được hưởng tiền tuất một lần, hoặc tiền tuất hàng tháng nếu bố mẹ hết tuổi lao động và con dưới 18 tháng tuổi. Tiền này dù sống hay chết, người lao động đã đóng thì được hưởng”./.

Theo VOV