Thanh âm lịch sử
(Baonghean) - Hồi mình còn đi du học, mỗi lần giới thiệu là người Việt Nam, đều nhận được sự phản hồi khá thú vị của các bạn bè người Pháp. Không một ai là không biết đến quốc gia bé nhỏ hình chữ S, và khi được hỏi “Bạn biết gì về đất nước tôi?”, những câu trả lời thường gặp nhất vẫn là “Hồ Chí Minh” và “Điện Biên Phủ”. Sau này, cùng với sự hội nhập quốc tế, hình ảnh về Việt Nam được quảng bá rộng rãi hơn, đa dạng hơn đến bạn bè nước ngoài. Văn hoá Việt Nam dần tạo được dấu ấn đậm nét trên bản đồ thế giới, nhưng có lẽ những mốc son lịch sử chói lọi năm nào vẫn là những ấn tượng sâu sắc nhất về Việt Nam - đất nước và con người..
Mình nhớ nhất tiết học Lịch sử về chiến tranh thuộc địa, bài giảng có đề cập đến cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung của thực dân Pháp. Lớp học có mỗi mình là người nước ngoài, lại chính là người Việt Nam nên tự nhiên thành tâm điểm chú ý. Có một cậu bạn nói vẻ thương cảm: “Có phải tại người Pháp chúng tôi xâm lược nước bạn, khiến nước các bạn bị trì trệ và tụt hậu trên con đường phát triển không?”. Mình chưa kịp trả lời thì thầy giáo đã lên tiếng: “Chiến tranh, cướp bóc trong lịch sử nhân loại cũng giống như những căn bệnh virus đối với con người.
Đó là những thứ không ai mong muốn, nhưng khi nó xảy đến thì chỉ có những cá thể mạnh mẽ, có bản năng và ham muốn sinh tồn cao mới có thể vượt qua. Một khi đã vượt qua được cơn bạo bệnh, sẽ vươn lên vững chãi hơn bao giờ hết. Nhìn lại cuộc chiến tranh xâm lược của chế độ thực dân đối với Việt Nam nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới nói chung, không phải để có cái nhìn thương cảm yếu đuối. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận đó là sai lầm của một thời kỳ lịch sử, đồng thời cũng phải khâm phục ý chí, sức mạnh dân tộc tuyệt vời của họ”. Nghe những lời này, mình đã hết sức cảm động, đồng thời cũng vô cùng tự hào vì những trang lịch sử bi thương nhưng hùng tráng của dân tộc.
Chiến tranh đã đi qua rất lâu, có lẽ những vết thương, nỗi đau cũ đã nguôi ngoai và dần chìm vào giấc ngủ yên bình, nhường lại ánh sáng cho những bình minh mới mở ra trên quê hương ngày một đổi thay. Có lẽ người bạn Pháp năm nào, bây giờ nếu có dịp gặp lại sẽ không còn cảm giác áy náy, xót thương, thay vào đó là những lời khích lệ, chia vui với một Việt Nam đang vươn mình ra biển lớn. Nếu có điều gì còn đọng lại trong tâm thức họ và cả chúng ta, có lẽ vẫn sẽ là “Điện Biên Phủ”, “Hồ Chí Minh”, nhưng không phải như những lời gợi nhắc về bức màn tang thương từng bao trùm lên dân tộc, mà như một tượng đài sừng sững của lòng tự hào, tự tôn - một pháo đài vững chãi làm tiền đề cho những tiếng vang trong thời đại mới. Không còn chỗ cho những xót xa, bi luỵ, trách móc, thù hằn, những thanh âm ấy đang và sẽ vọng về, giục giã chúng ta nối dài con đường mở ra từ những thời đại anh hùng.
Thục Anh