Châu Quang: Bùn đỏ... tấn công!

26/04/2015 08:26

(Baonghean) - Nhận được ý kiến phản ánh của nhiều hộ dân ở Quỳ Hợp về tình trạng bùn đỏ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đã có mặt tại cánh đồng xóm Cà, xã Châu Quang. Thực tế đúng như người dân phản ánh, nguồn nước phục vụ sản xuất của cánh đồng nơi đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Trước đây, hệ thống kênh mương thủy lợi này nước trong vắt, quanh năm tưới mát cho vùng trồng lúa khoảng 12ha của xóm Cà thì nay bị biến thành dòng bùn đỏ.
Trước đây, hệ thống kênh mương thủy lợi này nước trong vắt, quanh năm tưới mát cho vùng trồng lúa khoảng 12ha của xóm Cà thì nay bị biến thành dòng bùn đỏ.

Tiết trời cuối tháng 4 chang chang nắng, trên cánh đồng, rất nhiều người phụ nữ đang cố gắng dùng cuốc, gàu để gạt bớt lớp bùn màu đỏ từ hệ thống mương thủy lợi dẫn nước vào ruộng. Nhìn từ xa, cả cánh đồng lúa vụ xuân của xóm Cà không tươi tốt như những cánh đồng khác của xã Châu Quang, thậm chí nhiều thửa ruộng người dân phải bỏ hoang; một số thửa gieo cấy được nhưng lúa quắt queo dù thời điểm hiện tại là thời kỳ lúa làm đòng. Dưới ruộng, quánh một màu đỏ của bùn.

Chị Vi Thị Phương đưa tay chao lớp bùn sền sệt quanh những gốc lúa thở dài ngao ngán: Trước đây, cánh đồng xóm Cà được tưới mát bởi nguồn nước khe Đòi nhưng từ mấy năm nay, nguồn nước bị bao phủ bởi bùn đỏ. Lúa không thể phát triển được dù cuộc sống của bà con phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp. Thấy có sự xuất hiện của phóng viên, nhiều người khác cũng đến để “than vãn”. Chị Hoàng Thị Hồng cho biết, đã nhiều năm, gia đình chị không có cơ hội thu hoạch lúa trên cánh đồng này. Lúa trồng vụ nào chết vụ đó. Cực chẳng đã, vụ xuân này chị quyết định chuyển sang trồng lạc. Tuy nhiên, nhìn vào 2 sào lạc của chị, nhiều khả năng, sẽ mất mùa. “Đất này vốn chỉ phù hợp với cây lúa. Mấy năm trước, vì phải dùng nước ô nhiễm bùn đỏ để tưới cho lúa nên chất đất biến đổi, cỏ cũng khó mọc chứ nói gì đến lạc”, chị Hồng thở dài nói.

Bà Nguyễn Thị Tuyên bên mảnh ruộng bỏ hoang vì nguồn nước ô nhiễm.
Bà Nguyễn Thị Tuyên bên mảnh ruộng bỏ hoang vì nguồn nước ô nhiễm.

Men theo dòng bùn đỏ chảy từ kênh thủy lợi nội đồng, chúng tôi ngược về phía thượng nguồn. Dòng khe Đòi bắt nguồn từ vùng núi thuộc các xã Thọ Hợp, Liên Hợp. Dòng nước xanh trong ngày nào giờ chỉ là một con lạch sền sệt bùn đỏ. Từ trên thượng nguồn, dòng bùn đỏ chảy xuống núi, qua khu dân cư và một số cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản rồi đổ về các cánh đồng. Bà Nguyễn Thị Tuyên, quê ở vùng lũ Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên lên Châu Quang lập nghiệp đã gần nửa đời người phản ánh: “Ở các vùng đất khác, bùn chứa phù sa, làm cho cây tươi tốt nhưng dòng bùn đỏ ở đây lại là “bùn chết”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tình trạng khai thác, rửa quặng trái phép phía thượng nguồn. Hiện tượng này đã diễn ra từ nhiều năm trước nhưng không thấy cơ quan chức năng vào cuộc dù người dân liên tục phản ánh. Cử tri cũng đã nêu vấn đề này với đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp tại các hội nghị tiếp xúc. Thế nhưng, đến nay, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục, thậm chí ngày càng tồi tệ hơn.

Lớp bùn dày nửa gang tay, như một thứ keo đỏ bám lên các ruộng lúa.
Lớp bùn dày nửa gang tay, như một thứ keo đỏ bám lên các ruộng lúa.
Trên cánh đồng của bản Cà, người dân phải tạo các hố để lắng bớt bùn đỏ
Trên cánh đồng của bản Cà, người dân phải tạo các hố để lắng bớt bùn đỏ

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Luyện, Chủ tịch UBND xã Châu Quang thừa nhận tình trạng nêu trên. Đồng thời khẳng định chất bùn đỏ này gây hại cho lúa và hoa màu. Sau 2 ngày dẫn vào ruộng, bùn sẽ khô và bám chặt vào gốc khiến cây trồng không thể trao đổi chất dẫn đến còi cọc và chết. Về mức độ tác hại của nguồn nước nhiễm bùn đỏ với cuộc sống sinh hoạt của người dân, đến nay chúng tôi chưa khẳng định được bởi chưa có cơ quan chức năng nào xác định được trong bùn đỏ có những loại hóa chất gì.

Trước thực trạng trên, xã đành phải vận động bà con chuyển đổi 3 cánh đồng trồng lúa sang trồng màu vì thiếu nước sản xuất. Hiện nay, ngoài việc bị bùn đỏ “tấn công”, người dân xã Châu Quang cũng đang gặp khó vì nguồn nước sinh hoạt bị cạn kiệt do các doanh nghiệp, nhóm khai thác sử dụng quá nhiều giếng ngầm để khai thác khoáng sản. “Vấn đề này một mình xã Châu Quang không thể giải quyết được mà cần có sự vào cuộc của các cấp và các cơ quan, ban ngành chức năng”, ông Nguyễn Ngọc Luyện, Chủ tịch UBND kiến nghị.

Linh - Nhi

TIN LIÊN QUAN