Chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa lũ
(Baonghean) - Mùa mưa lũ đang đến, nhiều địa phương từ miền núi đến đồng bằng đang đứng trước nguy cơ bị sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống, tài sản của hàng ngàn hộ dân. Để chủ động ứng phó với tình trạng trên, các địa phương đã chủ động triển khai những giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài.
![]() |
Bà con xã Tri Lễ, huyện Quế Phong kè đá khắc phục sạt lở trên dòng Nậm Chọt. Ảnh: V.T |
Nỗ lực di dân xen dắm
Xã Châu Thành (Quỳ Hợp) có 987 hộ dân, trong đó có trên 50% số hộ dân sống ở ven khe suối, nguy cơ sạt lở và ngập úng đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân luôn thường trực khi mùa lũ đến. Tại bản Huống, xã Châu Thành, chị Vi Thị Mùi đang đóng những cọc chống ở ven khe suối nhằm bảo vệ đất khỏi bị lở, cho biết: Trận mưa lớn đầu năm 2014, đất xói lở thành vực sâu chỉ cách ngôi nhà có 3m. Để bảo đảm tính mạng và tài sản cho bà con, UBND xã đã cho đổ kè đá chống sạt lở cho khoảng hơn chục hộ dân ở đoạn này.
Trước thực trạng đó, Dự án Di dân khẩn cấp vùng sạt lở Piêng Luống, xã Châu Thành được khởi công xây dựng từ năm 2009, với tổng trị giá gần 19 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2010, dự án đưa vào sử dụng tái định cư cho trên 50 hộ dân vùng nguy cơ sạt lở núi và sạt lở bờ suối. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên đến thời điểm này, các hạng mục như san gạt, điện nước, giao thông đều dang dở. Để chủ động ứng phó, ông Hà Đăng Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thành cho biết: UBND xã ngoài việc vận động bà con dùng cọc tre đóng ở các điểm sạt lở xung quanh nhà dân, xã còn trích ngân sách để kè một số đoạn sạt lở trọng yếu ở bản Huống. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Được biết, Quỳ Hợp có 3 dự án di dời dân khẩn cấp vùng thiên tai theo Quyết định 1776 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là: Dự án di dân khẩn cấp vùng thiên tai Piêng Luống, xã Châu Thành di dời 50 hộ dân; Dự án Di dân khẩn cấp xã Châu Tiến và Liên Hợp di dời 73 hộ dân. Tổng mức đầu tư kinh phí 3 dự án trên 54 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn kinh phí, nên qua 3 - 4 năm thực hiện, hầu hết vẫn chưa có hạng mục nào hoàn thành. Cả 123 hộ dân được hưởng chính sách di dời đến nơi tái định cư ở Quỳ Hợp đang sinh sống trong những ngôi nhà tạm gần mép sông, khe suối, vùng nguy cơ sạt lở núi. Trước thực tế đó, huyện Quỳ Hợp đã chủ động đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Ông Hoàng Văn Thái - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: Địa bàn huyện có trên 200 hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở bờ sông, khe suối. Để đối phó mùa mưa lũ, huyện chỉ đạo các xã vận động bà con di dời đến nơi an toàn, đối với các hộ trong vùng đặc biệt nguy hiểm, thì di chuyển xen dắm theo nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh 10 triệu đồng/hộ di dời. Từ năm 2013 đến nay, toàn huyện di dời xen dắm vào các bản đang sinh sống được trên 20 hộ dân.
Tại Quỳ Châu, huyện cũng đã chủ động tổ chức di dời theo hình thức xen dắm cho những hộ dân sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao khi “Dự án di dân khẩn cấp vùng thiên tai xã Châu Hội, Quỳ Châu” được UBND tỉnh phê duyệt ngày 20/3/2013 với tổng số vốn 49 tỷ đồng, dự kiến di dời khoảng trên 70 hộ dân chưa thực hiện. Trao đổi về giải pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng nguy cơ sạt lở, ông Vi Thế Long - Trưởng ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quỳ Châu cho biết: Qua rà soát, huyện Quỳ Châu có khoảng 535 hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở bờ sông, sạt lở núi nằm ở các xã Châu Hội, Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Hạnh… Để đảm bảo an toàn cho bà con, từ năm 2009 đến nay, huyện đã di dời xen dắm được 62 hộ dân theo nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh 10 triệu đồng/hộ di dời. Số hộ dân còn lại chưa thể di dời do địa thế đất bằng khan hiếm, trong khi nguồn ngân sách của xã, huyện lại hạn hẹp.
Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án tái định cư cũng như đảm bảo an toàn cho người dân, ông Trần Văn Quỳ - Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 22 dự án di dân khẩn cấp vùng thiên tai, nhưng chỉ mới có 4 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, việc chậm tiến độ là do thiếu vốn. Đến thời điểm này, mới giải ngân được trên 170 tỷ đồng/755 tỷ đồng. UBND tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn đã đề xuất với Trung ương để xin cấp thêm vốn. Tỉnh cũng đã cố gắng huy động nhiều nguồn khác nhau để lồng ghép, hỗ trợ thực hiện dự án. Vì vậy, giải pháp đặt ra là chỉ di dân xen dắm. Từ năm 2010 đến nay, việc di dân xen dắm được trên 300 hộ dân.
Ứng phó sạt lở bờ sông
Hàng năm, cứ mỗi mùa mưa bão đến, người dân sống gần khu vực dọc ven bãi ven Sông Lam đang phải đối diện với nguy cơ sạt lở mất đất sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh. Đứng trên vùng bãi xóm 6, xã Ngọc Sơn (Đô Lương) nhìn ra dòng sông Lam, nước dâng cao, chảy đục, chị Hoàng Thị Hạnh cho biết: “Trước đây, vùng bãi rộng, cách xa dòng sông gần 100m, canh tác rất thuận lợi. Vậy mà mấy năm nay, năm nào cũng xảy ra lở đất bãi, nhiều diện tích xoan đâu, tre bà con trồng để bảo vệ hoa màu và cây dâu cũng bị cuốn trôi. Từ năm 2010 đến nay, nhà tôi nhận thầu 2 sào đất bãi của xã, thời hạn giao khoán 5 năm/lần. Hơn 2 năm nay, diện tích dâu, ngô nhà tôi trồng bị lở trôi hơn 1 sào. Hiện nhiều hộ nông dân khác trong xã Ngọc Sơn đang phải đối mặt với tình trạng trên.
Xã Bồi Sơn (Đô Lương) có vùng bãi nổi trên sông, với tổng diện tích trên 19 ha. Gần 10 năm nay, vùng này đã được UBND xã Bồi Sơn giao khoán với định mức 16 - 19 triệu đồng/năm cho hàng chục hộ ở xóm 8 để triển khai trồng cây lâu năm như xoan đâu, tràm, cây hàng năm và chăn nuôi gần 300 con trâu, bò. Tuy nhiên đến nay, các cây trồng bắt đầu đi vào mùa thu hoạch chính cũng là thời điểm các hộ dân nhận thầu đối diện với nguy cơ mất đất do sạt lở liên tiếp xảy ra. Anh Lê Khắc Tám, xóm 8, xã Bồi Sơn chia sẻ: “Vùng bãi nổi giờ bị sạt lở mất gần 2 ha đất. Xói lở đã cuốn trôi nhiều cây xoan đâu, ngô. Nhiều diện tích xoan đâu còn non chúng tôi đã chủ động thu hoạch bán hết”. Ông Lê Văn Biểu - Chủ tịch UBND xã Bồi Sơn cho biết: Ngoài bãi nổi, kết quả điều tra thực tế mới nhất để phục vụ cho việc giao đất lần 2 cho thấy toàn xã chỉ còn lại 8/15 ha đất bãi tập trung tại 6/8 xóm ven sông.
Sạt lở đất bãi tại Anh Sơn còn báo động đối với đất thổ cư. Từ những năm 1992, xóm Tân Lâm (xã Cẩm Sơn) được xã quy hoạch làm đất thổ cư. Làng có diện tích trên 3 ha, gồm 37 hộ dân sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nằm cách bờ sông Lam khoảng chừng 30m. Hàng năm, trước mùa mưa bão, xã đều chỉ đạo bà con trồng tre mét, xoan đâu chống xói mòn đất, bảo vệ hoa màu và dân sinh, di dời dân đến nhà văn hóa xóm. Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn, cho biết: “Nước sông Con, sông Lam dâng cao đổ về làm sạt lở đất bãi liên tiếp, vùng đất thổ cư của làng đã bị xâm thực. Xã đã có tờ trình gửi huyện, tỉnh về việc bố trí vốn xây dựng kè chống sạt lở ven sông để bảo vệ dân cư và sản xuất”. Bên cạnh 2 điểm “nóng” là Đô Lương và Anh Sơn, tình trạng sạt lở đất bãi đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương trong tỉnh như Hưng Nguyên, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nam Đàn. Hàng loạt vị trí sạt lở nghiêm trọng liên tiếp xảy ra khiến cho người dân không chỉ mất đất, mà cuộc sống cũng gặp rất nhiều xáo trộn.
Trao đổi về nguyên nhân sạt lở, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều - PCLB tỉnh, cho biết: “Vùng bãi ven sông Lam thường không ổn định, do tác động của dòng chảy, nên sạt lở đất là quy luật tự nhiên. Song, việc khai thác cát sỏi trái phép trên sông lại là nhân tố có tác động trực tiếp, gây ra hàng loạt vụ sạt, xói lở bờ sông, bãi, ảnh hưởng an toàn đến các tuyến kè, mất đất sản xuất của nhiều địa phương. Tại tỉnh ta, hiện đã xây dựng được gần 30 tuyến kè chống sạt lở ven sông, tập trung chủ yếu là những vùng trọng điểm về sạt lở như gần khu dân cư, đường giao thông, đê điều có dân cư sinh sống. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư xây dựng kè quá lớn, nên nhiều vùng sạt lở hiện nay bà con đang phải chấp nhận “sống chung” với thiên tai”.
Trước thực trạng trên, để hạn chế nguy cơ sạt lở, nhất là về mùa mưa lũ nước sông lên cao, dòng chảy mạnh và xiết, các địa phương đã chủ động có những giải pháp nhằm giảm thiểu sạt lở và thiệt hại cho nhân dân. Tại huyện Đô Lương, bên cạnh thực hiện tính toán giá trị sản xuất trên đất bị sạt lở để trừ vào mức khoán trong năm cho người dân, huyện còn chú trọng chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông. Bên cạnh đó, trên cơ sở nguồn kinh phí hỗ trợ của Sở NN & PTNT, huyện Đô Lương đã hoàn thành việc tái định cư làng chài tại xóm 5, xã Đặng Sơn cho 68 hộ dân sinh sống trên vùng bãi sông Lam, với diện tích đất ban giao 160m2 /hộ.
Tại huyện Anh Sơn, từ đầu năm 2014, UBND huyện Anh Sơn đã ban hành Chỉ thị 11/2014/CT-UBND về việc “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Anh Sơn”, cụ thể hóa trách nhiệm đối với chủ tịch UBND các xã, Công an huyện, trưởng các phòng, ban có liên quan giám sát công khai hoạt động khai thác cát sỏi trên sông, tăng cường phối hợp xử lý với các cấp, ngành. Dự án xây dựng kè chống sạt lở ven sông Lam đoạn qua xã Đỉnh Sơn, thị trấn đang được tỉnh quan tâm cho xây dựng.
Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, về lâu dài, giải pháp đối với nguy cơ sạt lở và mất đất sản xuất là cần thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng hiện có, trồng rừng mới vùng thượng lưu để hạn chế dòng chảy cục bộ. Công tác vận hành xả lũ đúng quy trình. Đặc biệt, việc khai thác cát sỏi cần có quy hoạch để góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn thu cho Nhà nước, vừa giảm được nguy cơ sạt lở. Tỉnh cần sớm quy hoạch vùng cấp phép khai thác cát sỏi, đề ra các chế tài xử lý nghiêm minh trong quản lý, xử lý vi phạm, nâng cao tinh thần trách nhiệm từ cấp địa phương, huyện lên đến cấp tỉnh.
Văn Trường - Lương Mai