Nhận diện đối thủ

01/12/2014 10:03

(Baonghean) - Để tránh nguy cơ chạm trán Thái Lan - đội bóng được coi là mạnh nhất ở AFF Cup 2014, đội tuyển Việt Nam đã có một trận đấu rất hay trước Phillipines và giành ngôi nhất bảng. Nhưng với đối thủ là Malaysia thì 2 trận bán kết sắp tới cũng không hề dễ dàng cho các học trò của HLV Miura.

(Baonghean) - Để tránh nguy cơ chạm trán Thái Lan - đội bóng được coi là mạnh nhất ở AFF Cup 2014, đội tuyển Việt Nam đã có một trận đấu rất hay trước Phillipines và giành ngôi nhất bảng. Nhưng với đối thủ là Malaysia thì 2 trận bán kết sắp tới cũng không hề dễ dàng cho các học trò của HLV Miura.

Sau khi đánh mất chức vô địch vào tay Singapore năm 2012, LĐBĐ Malaysia (FAM) đã đặt chỉ tiêu rất cao cho đội tuyển quốc gia nước này tại AFF Cup 2014. So với cách đây 2 năm, thay đổi rõ rệt nhất của ĐTQG Malaysia là ở băng ghế huấn luyện, khi mà HLV Rajagobal – người đã đưa các đội bóng của người Mã vô địch SEA Games 2009, 2011 và AFF Cup 2010, đã nhường chỗ cho một HLV nội khác là ông Dollah Salleh. Tuy nhiên, lực lượng của Malaysia lại không có nhiều biến động. Vẫn là những cái tên quen thuộc đã làm nên 3 chức vô địch, như: Indra, Sali, Talaha, Safiq, Kunalan, Badroll Bakhtiar… Tuy nhiên, có vẻ như tuổi tác cũng như việc thiếu động lực phấn đấu sau khi “no nê” danh hiệu đã khiến các cầu thủ trở nên nặng nề và thiếu sức bật. Vì vậy, so với lúc vô địch các kỳ SEA Games 2009, 2011 và AFF Cup 2010, bóng đá Malaysia đang có dấu hiệu chững lại. Điều đó được thể hiện rõ qua việc trong số các ứng cử viên cho chức vô địch AFF Cup 2014, Malaysia là đội có bước chuẩn bị cho giải đấu này tồi nhất khi để thua 4 trong 5 trận giao hữu trước giải. Đội bóng này thất thủ 1-4 trước Tajikistan, 0-2 trước Indonesia, 0-3 trước Syria, 1-3 trước chính đội tuyển Việt Nam và chỉ thắng được đối thủ yếu là Campuchia 4-1.

Văn Quyết (Việt Nam) và Safee Sali (Malaysia) trong trận giao hữu  trước giải.Ảnh Internet
Văn Quyết (Việt Nam) và Safee Sali (Malaysia) trong trận giao hữu trước giải. Ảnh Internet

Tuy nhiên, không nên nhìn vào thành tích thi đấu giao hữu của Malaysia để coi thường đối thủ này. Và nhận định này càng được củng cố khi bước vào giải, các cầu thủ Malaysia đã chơi tốt hơn rất nhiều. Ở trận đấu đầu tiên của vòng bảng, Malaysia đã cầm hòa với Myanmar trong thế thiếu người hơn nửa thời gian trận đấu. Ở trận đấu thứ hai, dù bị Thái Lan đánh bại với tỷ số 3-2 nhưng các cầu thủ Malaysia cũng đã chơi khá hay và 2 lần vượt lên dẫn trước đối thủ. Ở trận đấu cuối cùng, trong thế buộc phải thắng mới vào được bán kết, các học trò của HLV Dollah đã lội ngược dòng giành chiến thắng ngoạn mục 3-1 trước chủ nhà Singapore. Theo dõi các trận đấu cua Malaysia, dễ nhận thấy về cơ bản, lối chơi của Malaysia vẫn dựa trên thể lực và tốc độ của các cầu thủ. Cũng như người tiền nhiệm Rajagobal, HLV Dollah cũng chỉ đạo các học trò chơi chắc chắn trong phòng ngự và tận dụng những đường phản công nhanh bằng những đường chuyền dài, bổng nhằm tận dụng 2 ưu thế trên. Lối chơi này trên thực tế không có gì phức tạp và không quá khó để nắm bắt, nhưng tìm ra biện pháp hữu hiệu để hóa giải lại là chuyện không hề đơn giản. Trong quá khứ, tại chung kết SEA Games 25 (2009) và bán kết AFF Cup 2010, dù được đánh giá cao hơn rất nhiều trước trận những các đội bóng của Việt Nam đều thua người Mã bởi không thể hóa giải được lối chơi này của họ.

Nhưng cũng xét trên yếu tố lịch sử, người hâm mộ Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để tin rằng ĐTVN hoàn toàn có thể đánh bại Malaysia. Từ năm 2010 đến nay, ĐTVN không chạm trán với Malaysia ở các giải đấu chính thức, nhưng ở các trận giao hữu, các cầu thủ của chúng ta đều đánh bại đội tuyển nước này. Năm 2012, ở trận giao hữu trước thềm AFF Cup 2012, các học trò của HLV Phan Thanh Hùng đã đánh bại các học trò của “bố già” Rajagobal với tỷ số 2-1. Còn giữa tháng 11 vừa qua, các học trò của HLV Miura cũng đá đánh bại Malaysia với tỷ số 3-1. Điểm chung ở cả hai trận đấu đó là các cầu thủ Việt Nam tăng cường kiểm soát bóng giữa sân, hạn chế những pha bóng bổng và tăng cường tấn công trung lộ bằng những đường bóng ngắn.

Theo nhận định của các chuyên gia, HLV Miura sẽ không lựa chọn lối chơi đua thể lực với các cầu thủ Malaysia. Ở vòng bảng, với những đội bóng mạnh về thể lực như Indonesia, Phillippines, ĐTVN dù chơi quyết liệt nhưng vẫn chủ yếu dựa trên khả năng kiểm soát bóng kỹ thuật của mình. Thêm vào đó, cách sắp xếp nhân sự và chiến thuật của HLV Miura khiến đội tuyển của chúng ta trở thành đội tuyển khó bị bắt bài nhất ở giải đấu này. Do vậy, dù không còn lợi thế sân nhà (các trận bán kết thi đấu theo thế thức lượt đi, lượt về) nhưng với những điểm mạnh đó, nếu có thêm sự đột biến và sáng tạo của các cầu thủ, việc vượt qua đối thủ này để giành quyền vào chung kết hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Mai Anh