Toàn cảnh thế giới 2014: Bức tranh kinh tế với gam màu xám chủ đạo!

29/12/2014 07:18

(Baonghean) - LTS: Năm 2014 khép lại với tình hình thế giới có nhiều điểm nhấn đáng chú ý, trong đó nổi bật nhất là cuộc đối đầu Đông - Tây, chiến dịch quốc tế chống IS và căng thẳng biển đảo từ chính sách đối ngoại cứng rắn của Trung Quốc hay Mỹ dỡ bỏ cấm vận Cuba… Để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn tình hình thế giới năm 2014, Báo Nghệ An xin giới thiệu loạt bài viết của của PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược – Khoa học Bộ Công an; mà như tác giả đã chia sẻ: “Để góp một nét vẽ vào bức tranh muôn màu” toàn cảnh thế giới một năm qua. 

(Baonghean) - LTS: Năm 2014 khép lại với tình hình thế giới có nhiều điểm nhấn đáng chú ý, trong đó nổi bật nhất là cuộc đối đầu Đông - Tây, chiến dịch quốc tế chống IS và căng thẳng biển đảo từ chính sách đối ngoại cứng rắn của Trung Quốc hay Mỹ dỡ bỏ cấm vận Cuba… Để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn tình hình thế giới năm 2014, Báo Nghệ An xin giới thiệu loạt bài viết của của PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược – Khoa học Bộ Công an; mà như tác giả đã chia sẻ: “Để góp một nét vẽ vào bức tranh muôn màu” toàn cảnh thế giới một năm qua.

Để phác họa nên bức tranh thế giới năm 2014, chúng ta phải bắt đầu từ nền kinh tế, bởi các mối quan hệ kinh tế quốc tế luôn có vai trò lớn, thậm chí chi phối các mối quan hệ chính trị - an ninh giữa các nước. Nói cách khác, “sức khỏe” của nền kinh tế thế giới nói chung, của các “đại gia” như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… nói riêng luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành “thời tiết” chính trị - an ninh thế giới.

TIN LIÊN QUAN

Sản xuất ô tô ở Trung Quốc.
Sản xuất ô tô ở Trung Quốc.

Về cơ bản, nền kinh tế thế giới gồm hai mảng ghép lại: 1. Mảng Mỹ, Nhật và EU; 2. Mảng BRICS và G-13 (tức là G-20 trừ G-7); trong đó, Mỹ, Nhật, EU giữ vị trí trung tâm và có vai rò mang tính dẫn dắt, chi phối. So sánh nào cũng không tránh khỏi sự khập khiễng, dù vậy cũng có thể coi ba nền kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản có vai trò như kiềng ba chân làm bệ đỡ cho nền kinh tế thế giới, trên đó có BRICS và G-20 trừ G-7.

Ba chân kiềng Mỹ, EU, Nhật Bản?

- Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, thông qua một loạt cải cách, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, năm 2013 và 2 quý đầu 2014, nền kinh tế Nhật Bản phát triển khởi sắc và bước những bước đầu tiên ra khỏi vũng lầy suy thoái kéo dài hơn 20 năm (kề từ 1991). Việc nền kinh tế Nhật Bản chấm dứt tình trạng trì trệ không chỉ làm cho người dân đất nước “Mặt trời mọc” lạc quan và hy vọng, mà còn là một tín hiệu tốt lành đối với nền kinh tế thế giới, nhất là kinh tế các nước ASEAN. Người ta bắt đầu bàn luận về sự thành công của chiến lược kinh tế do Thủ tướng Shinzo Abe thiết kế và chỉ đạo thực hiện – “Abenomics”.

“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”

Cuộc sống vẫn thường có những lối rẽ ngược dòng bất ngờ không thuận theo lòng người. Chỉ mấy giờ sau khi nguyên thủ quốc gia của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được thỏa thuận hợp tác nâng GDP toàn cầu thêm 2 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới, chính quyền Shizo Abe đã tuyên bố nền kinh tế Nhật Bản lại rơi vào suy thoái. Đây là một tin xấu đối với nền kinh tế thế giới, nhất là nền kinh tế các nước ASEAN cuối năm 2014.

- Năm 2014, nền kinh tế EU đã thoát ra khỏi đáy sâu khủng hoảng suốt 6 năm liền (2008 - 2013), nhưng vẫn chưa có cơ sở vững chắc để phát triển. Theo Viện Nghiên cứu Chính trị Brookings (Mỹ), khả năng khu vực đồng euro (eurozone) lại rơi vào khủng hoảng có xác suất chỉ 10%, khả năng phục hồi chậm chạp, không vững chắc có xác suất 70%.

4 nền kinh tế lớn nhất EU là Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha phát triển chậm với xu hướng thụt lùi. Vào cuối năm 2014, kinh tế Đức – trụ cột của eurozone cũng gặp khó khăn, với tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ 2010. Nền kinh tế của 18 quốc gia thành viên eurozone vẫn đang phải vận lộn để tăng trưởng, trong khi nợ công tại các nền kinh tế lớn như Pháp, Italy, Anh và Tây Ban Nha đang ở mức cao, còn cải cách kinh tế của Pháp thì đang rơi vào ngõ cụt.

Nền kinh tế EU nói chung, khu vực đồng euro nói riêng đang ở tình trạng sát ngưỡng của suy thoái và thiểu phát. Việc theo Mỹ, đúng hơn là phải làm theo Mỹ tiến hành bao vây cấm vận, trừng phạt Nga, EU chẳng được lợi gì về kinh tế, ngược lại nền kinh tế nhiều nước EU chuốc lấy khó khăn, thiệt hại không nhỏ. Khu vực đồng euro – xương sống của EU có tổng GDP là 13.000 tỷ USD, thứ hai thế giới (sau Mỹ) gặp rắc rối, trì trệ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

- Năm 2014, khác với Nhật Bản và EU, nền kinh tế Mỹ - đầu tàu của nền kinh tế thế giới đã ra khỏi suy thoái và có bước phát triển khá. Ngày 29/10/2014, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định chấm dứt toàn bộ chương trình cứu trợ (QE), đã thực hiện liên tục 6 năm từ tháng 11/2008 (khi xảy ra khủng hoảng kinh tế). Quyết định chấm dứt toàn bộ chương trình cứu trợ của FED dựa trên cơ sở nền kinh tế Mỹ đã ra khỏi khủng hoảng và bước đầu phát triển ổn định. Quyết định của FED tạo ra một hiệu ứng dây chuyền tích cực trên phạm vi toàn cầu: đồng USD lên giá và giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua. Vào đầu tháng 11/2014, trên sàn giao dịch điện tử Singapore, có thời điểm giá vàng đã giảm hơn 2% xuống còn 1.168,66 USD/OUNCE – mức thấp nhất kể từ tháng 7/2010. Đây là dấu hiệu tin cậy khẳng định vai trò có tính chi phối, dẫn dắt của nền kinh tế Mỹ đối với nền kinh tế thế giới.

- Năm 2014, 5 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) cũng khoác tấm áo xám – cả 5 quốc gia đều rơi vào trì trệ, thậm chí suy thoái.

Nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc năm 2014 chỉ tăng trưởng 7,5% (2010 là 10,4%). 4 điểm yếu chí tử của nền kinh tế Trung Quốc: 1. Đầu tư tràn lan, chạy theo chỉ tiêu số lượng, nhất là ở cấp tỉnh, thành phố, hậu quả tất yếu là hiệu quả thấp và môi trường bị tàn phá; 2. Nợ công và nợ xấu của ngân hàng vượt ngưỡng cho phép; 3. Phân hóa giàu - nghèo thuộc tốp các nước lớn nhất thế giới; 4. Môi trường bị tàn phá nghiêm trọng (20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới thì 15 thành phố ở Trung Quốc). Bốn căn bệnh mãn tính nghiêm trọng của nền kinh tế Trung Quốc đang cản trở, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Năm 2014, nền kinh tế Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và các nền kinh tế G-20, ở mức độ khác nhau, đều chững lại, thiếu sức sống. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã đẩy nền kinh tế Nga đến bờ vực suy thoái.

Tóm lại, năm 2014, nền kinh tế Mỹ - đầu tàu của nền kinh tế thế giới có bước phát triển khá và hy vọng bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới. Đó là điểm sáng nhất. Phần còn lại của thế giới (trừ Mỹ) ở mức độ khác nhau, đều gặp khó khăn, trì trệ, một số ít bên bờ vực suy thoái. Như vậy, bức tranh kinh tế thế giới năm 2014 là với gam màu xám lấn át, trong đó có Việt Nam.

(còn nữa)

PGS.TS, Thiếu tướng

Lê Văn Cương

(Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược – Khoa học, Bộ Công an)