Chống thất thu thuế xăng dầu: Cần sớm vào cuộc!
(Baonghean) - Buôn lậu xăng dầu đang là vấn đề nóng trên cả nước. Tại địa bàn Nghệ An, số tiền thuế thu được từ hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa tương xứng với thực tế. Chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đang là vấn đề đặt ra đối với ngành thuế hiện nay.
(Baonghean) - Buôn lậu xăng dầu đang là vấn đề nóng trên cả nước. Tại địa bàn Nghệ An, số tiền thuế thu được từ hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa tương xứng với thực tế. Chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đang là vấn đề đặt ra đối với ngành thuế hiện nay.
Thu thuế chưa đúng thực tế
Hiện trên địa bàn tỉnh có 631 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, số lượng bán ra khoảng 400.000 m3/năm. Nếu tính riêng về thuế giá trị gia tăng thì lượng xăng dầu tiêu thụ đó tương đương khoảng 300 tỷ đồng. Thế nhưng trên thực tế, hiện Công ty xăng dầu Nghệ Tĩnh nộp trên 150 tỷ đồng, trong khi đó, thị phần của đơn vị này chiếm trên 52% xăng dầu tiêu thụ trên địa bàn Nghệ An. Mặc dù các ngành đã thực hiện nhiều biện pháp về quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, như niêm phong kẹp chì công tơ tính tiền, kiểm kê lượng xăng dầu khi có quyết định tăng giá của chính phủ, xây dựng tỷ lệ bán lẻ trên tổng doanh thu… nhưng số thu thuế từ hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa tương xứng với thực tế bán ra.
Cửa hàng xăng dầu Hưng Dũng (TP. Vinh) (Ảnh có tính minh họa) |
Ông Phan Bá Toàn - Phó trưởng phòng tổng hợp dự toán - Cục Thuế cho biết, thất thu về thuế trong lĩnh vực xăng dầu được thể hiện qua các hình thức: Không kê khai đúng thực tế doanh số bán ra, số lượng bán lẻ rất lớn nhưng không xuất hóa đơn, bởi thực tế hàng ngày người dân khi vào mua xăng rất hiếm khi lấy hóa đơn;… Trong khi đó, việc mua bán, cho hóa đơn đối với ngành kinh doanh xăng dầu hiện nay xảy ra khá phổ biến.
Hành vi trốn thuế cũng xảy ra khi tăng giá xăng dầu nhưng cơ quan thuế chưa kiểm tra thực tế kho của các doanh nghiệp, chưa chốt hóa đơn, so sánh tồn kho thực tế và tồn kho theo sổ sách. Đây cũng là kẽ hở cho những thủ đoạn gian lận xăng dầu bằng cách gắn chíp điện tử làm giảm số lượng bán cho người tiêu dùng gây xôn xao dư luận thời gian qua. Theo cán bộ Cục Thuế thì việc bán nhiều, kê khai ít còn khó quản lý, nói gì đến hành vi ăn cắp bằng công nghệ cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và thất thu thuế. Đây là vấn đề ngành Thuế cần tiếp tục tính toán để truy thu, góp phần minh bạch trong thu thuế cho ngân sách.
Ngành nào chịu trách nhiệm?
Hiện nay, đơn vị kinh doanh xăng dầu có tỷ lệ nộp thuế lớn nhất là Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh. Năm 2013, doanh nghiệp này đã nộp 157 tỷ đồng thuế GTGT với tổng sản lượng 179,3 triệu lít xăng dầu; 10 tháng đầu năm 2014, nộp thuế 148 tỷ đồng, với 181,7 triệu lít xăng dầu. Ngoài ra, nộp thuế nhập khẩu năm 2013 gần 300 tỷ đồng, năm 2014 dự kiến khoảng 450 tỷ đồng. Hiện nay, Công ty xăng dầu Nghệ Tĩnh có 71 cửa hàng trực thuộc, chiếm 52% thị phần của thị trường tỉnh, theo đánh giá ngành Thuế, công ty xăng dầu Nghệ Tĩnh là doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các khoản nghĩa vụ nộp ngân sách nhờ hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn.
Anh Cao Viết Đông – Trưởng phòng kinh doanh Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh cho biết: “Công ty chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kinh doanh xăng dầu. Hiện nay đơn vị đang áp dụng 2 chương trình quản lý là Sap và Egas. Chương trình phần mềm Sap quản lý tại công ty được trang bị hệ thống máy tính kết nối từ văn phòng đến các cửa hàng, và kết nối với công ty, tập đoàn để quản lý hàng xuất kho minh bạch trên mạng truyền thông xã hội. Đối với chương trình Egas quản lý cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong việc xuất hoá đơn và lượng hàng bán ra trong ngày. Đối với khách hàng không lấy hoá đơn tại các cửa hàng, cuối ngày được doanh nghiệp tổng hợp xuất hoá đơn bán lẻ trong ngày”.
Vấn đề đặt ra hiện nay là quản lý như thế nào đối với lượng doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu? Để khắc phục hạn chế thất thu thuế, Cục Thuế tỉnh đã họp bàn cùng với các cơ quan liên quan đưa ra nhiều giải pháp. Đó là quản lý kẹp chì công tơ tổng để kiểm soát lượng xăng dầu tiêu thụ hàng tháng; kiểm soát lượng xăng dầu mua vào, bán ra từng kỳ hay ngăn chặn hóa đơn bất hợp pháp và chống thất thu về doanh thu. Tuy nhiên, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Nghệ An cho rằng, chi cục chỉ quản lý về tính đúng đắn của công tơ, công tơ tổng hiện chỉ một số ít doanh nghiệp lắp nhưng không có quy định bắt buộc, việc này do nội bộ doanh nghiệp quản lý khi giao ca bán hàng… Còn ý kiến Sở Công Thương cho rằng không quản lý công tơ, nếu doanh nghiệp sai thì cơ quan có thẩm quyền xử lý. Thực tế không có bộ phận nào quản lý công tơ đo lượng xăng dầu bán ra ở cấp huyện.
Theo ngành Thuế, đối với công tơ tính tiền, khi bàn giao ca trực bán hàng và cán bộ thống kê, kế toán xong thì công tơ có thể tua lại được nên ghi số công tơ cũng không có cơ sở đảm bảo chính xác số lượng xăng dầu tiêu thụ. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế đưa ra giải pháp lắp công tơ tổng nhưng đang gặp khó khăn do không có chế tài quy định doanh nghiệp phải lắp. Về vấn đề này, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay các cột bơm mới chỉ gắn kẹp chì bộ đong, chưa gắn kẹp chì công tơ (ngoại trừ Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh). Vì thế, nếu cơ quan chức năng tiến hành kẹp chì công tơ và tiến hành ghi chỉ số thì có thể quản lý tốt số lượng xăng dầu tiêu thụ theo tháng.
Nếu thực hiện tốt giải pháp trên, ngành Thuế sẽ giám sát tốt lượng xăng dầu bán ra tại các cây xăng, không cần áp dụng hình thức ấn định thuế mà nhiều ý kiến cho rằng cách khoán thuế như vậy vừa không minh bạch, vừa không chính xác. Đây là giải pháp hạn chế lớn việc bán lẻ không xuất hóa đơn để lợi dụng bán hóa đơn bất hợp pháp, làm thất thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả của lĩnh vực này đòi hỏi sự vào cuộc, làm việc nghiêm túc của các cơ quan chức năng. Thiết nghĩ, không vì lý do chưa có chế tài mà buông lỏng việc quản lý chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Mặt khác, đối với người tiêu dùng nên tập cho mình thói quen lấy hoá đơn khi mua hàng vừa bảo đảm quyền lợi cho mình mỗi khi có sự cố, vừa là cách giúp hạn chế các đơn vị kinh doanh trốn thuế.
Kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn trích ý kiến của anh Cao Viết Đông – Trưởng phòng kinh doanh, Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh cho rằng: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 631 cửa hàng xăng dầu với khoảng 2.000 cột bơm; Trong khi đó ngành Điện có tới hơn 1 triệu công tơ điện nhưng vẫn quản lý tốt. Nếu cơ quan chức năng quản lý xăng dầu thông qua luỹ kế tại cột bơm như ngành Điện đang thực hiện thì sẽ chống được thất thu thuế. Không quá khó nhưng vấn đề là cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm trong việc ghi chỉ số công tơ hàng tháng?”
Bài, ảnh: Thu Huyền