Chấn chỉnh việc lập barie thu tiền đường ở Nam Thanh (Nam Đàn)

25/12/2014 15:40

Sớm làm đường vào nhà văn hóa cộng đồng điểm TĐC Huồi Đừa 2

Muốn sang Nhà văn hóa bản Huồi Đừa 2, người dân phải chui hàng rào.
Muốn sang Nhà văn hóa bản Huồi Đừa 2, người dân phải chui hàng rào.

Theo thiết kế và dự toán được phê duyệt, Nhà văn hóa cộng đồng và Trường Tiểu học tại bản Ăng, điểm TĐC Huồi Đừa 2, xã Thông Thụ (huyện Quế Phong) chung nhau đường vào. Mỗi khi thôn bản tổ chức các cuộc họp hay sinh hoạt cộng đồng đều phải đi qua khuôn viên của trường học, gây ồn ào, mất trật tự, làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Ông Lương Văn Hải - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ăng, điểm TĐC Huồi Đừa 2 cho biết: Bản Ăng có 64 hộ, 288 nhân khẩu về khu tái định cư từ tháng 6/2012. Mỗi khi dân bản muốn đi họp phải chui qua hàng rào, hoặc bắc thang leo qua, rất bất tiện. Dân bản đã nhiều lần kiến nghị điều chỉnh làm thêm đường bê tông ngoài khuôn viên trường học để vào nhà văn hóa cộng đồng nhưng vẫn chưa được đáp ứng…”.

Qua kiểm tra, xét thấy nguyện vọng của người dân về việc mở thêm đường ngoài khuôn viên trường học để vào nhà văn hóa cộng đồng là cần thiết và hợp lý, mới đây Ban Quản lý Dự án TĐC công trình Thủy điện Hủa Na (UBND huyện Quế Phong) đã có văn bản đề nghị Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na bổ sung xi măng làm đường vào Nhà Văn hóa cộng đồng điểm TĐC Huồi Đừa 2, xã Thông Thụ. Rất mong Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na sớm xem xét, giải quyết, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân.

G.H

Chấn chỉnh việc lập barie thu tiền đường ở Nam Thanh (Nam Đàn)

Công an viên xã Nam Thanh thu tiền tại Barie chiều 18/12.
Công an viên xã Nam Thanh thu tiền tại Barie chiều 18/12.

Thời gian gần đây, UBND xã Nam Thanh (Nam Đàn) lập chốt barie thu tiền đối với hàng loạt ô tô khi tham gia giao thông trên tuyến đường liên xã (thuộc xóm 1, xã Nam Thanh đoạn tiếp giáp với xã Vân Diên). Tài xế xe tải cho biết, công an viên xã Nam Thanh thu lệ phí đường đối với những xe ngoài địa phương với mức giá 10.000 đồng/lượt nhưng không có phiếu thu. Trước thực trạng đó, không ít tài xế thắc mắc: Chúng tôi chạy trên rất nhiều tuyến đường ở các xã, nhưng chỉ thấy xã Nam Thanh thu tiền. Không lẽ UBND xã Nam Thanh có quyền thu phí đường bộ?

Lãnh đạo xã Nam Thanh thừa nhận: Chuyện thu phí là có, nhưng xã chỉ thu đối với những xe ngoài xã vào vận chuyển khai thác đá với giá 10.000 đồng/ xe. Việc thu không có văn bản mà theo đề nghị của dân, vì dân góp tiền làm đường.

Lãnh đạo huyện Nam Đàn cho rằng: Đường của xã do xã quản lý, thu tiền hay không là do xã, là quy định của địa phương. Cụ thể do HĐND xã biểu quyết, đường đó dân bỏ tiền ra làm chứ Nhà nước không bỏ tiền ra đầu tư…”.

Còn ông Hoàng Xuân Cương - Đội trưởng Đội thanh tra giao thông khu vực 2 (quản lý địa phận Nam Đàn) khẳng định: “Việc xã tự ý lập barie thu phí là sai. Bởi việc thu phí phải có Nghị quyết của HĐND tỉnh, sau đó UBND tỉnh ra quyết định thì mới được phép thu”.

Việc UBND xã Nam Thanh tự ý lập barie thu tiền là trái với các quy định hiện hành. Đề nghị cấp có thẩm quyền sớm chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Nguyễn Nam

(SN 11, ngõ 46, đường Hồ Hán Thương)

Cần nâng cấp hệ thống thủy lợi Diễn Châu

Các tuyến kênh mương ở xã Diễn Đồng bị xuống cấp.
Các tuyến kênh mương ở xã Diễn Đồng bị xuống cấp.

Qua thời gian dài vận hành nhưng thiếu sự quản lý và đầu tư nâng cấp phù hợp, nên hệ thống kênh mương trên địa bàn Diễn Châu đang xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu trên đồng ruộng.

Tại HTX Phú Hậu, việc khắc phục sự xuống cấp của các tuyến mương và trạm bơm được thực hiện dựa vào nguồn đóng góp của bà con xã viên. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí ít nên việc sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, chuẩn bị sản xuất vụ xuân, nhưng trạm bơm bị hỏng và nhiều đoạn kênh mương bị lún, sập vẫn chưa được khắc phục. Ông Nguyễn Đình Nhân – Chủ nhiệm HTX Phú Hậu – Diễn Tân cho biết: HTX có 9,5 km kênh mương, nhưng đã hư hỏng xuống cấp mất 4 km, 1 trạm bơm ngừng hoạt động do chưa có kinh phí thay thế.

Trong tổng số 140 km kênh mương do Xí nghiệp Thủy lợi Diễn Châu quản lý, có tới 80 km là kênh đất, còn lại khoảng 60 km được cứng hóa, thì có đến một nửa bị hư hỏng nặng. Với nguồn hỗ trợ tu sửa hàng năm hạn hẹp, nên việc duy trì tưới tiêu cho 19.000 ha/năm của xí nghiệp khá vất vả. Giải pháp được Xí nghiệp Thủy lợi Diễn Châu đưa ra đó là tăng cường huy động công nhân bám cơ sở, nạo vét, tu sửa thường xuyên những tuyến bị ách tắc do xuống cấp.

Theo thống kê, Diễn Châu có tổng số chiều dài kênh mương là 1.896 km, trong đó, kênh tưới là 1.165 km, kênh tiêu úng là 730 km, phục vụ tưới tiêu cho gần 14.000 ha/vụ. Ngoài ra còn có 69 trạm bơm, 11 hồ đập lớn nhỏ, với trữ lượng 22 triệu m3. Tổng chiều dài kênh mương thì khá lớn, nhưng chỉ có khoảng 600 km được cứng hóa, chiếm 30% đảm bảo theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó kênh cấp 3 còn đạt thấp hơn, chỉ khoảng 20%. Theo tiêu chí số 3 trong xây dựng nông thôn mới về thủy lợi, các địa phương phải đạt đến 65% kênh mương được kiên cố hóa, tuy nhiên với thực trạng thiếu và yếu như hiện nay, thì việc hoàn thành tiêu chí này đang là thử thách lớn đối với nhiều xã ở Diễn Châu. Ông Phan Xuân Vinh – Trưởng phòng NN&PTNT Diễn Châu cho biết: Hệ thống thủy lợi Diễn Châu hầu hết được xây dựng cách đây từ 15-20 năm, nên việc xuống cấp là không thể tránh khỏi. Sau khi xem xét một số đơn vị trong xây dựng nông thôn mới, thì nhiều xã đang rất khó khăn trong thực hiện tiêu chí về kênh mương. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng kênh mương đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Vì vậy, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, thì chính quyền các địa phương và bà con nhân dân cũng phải phát huy nội lực, làm tốt công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng để các công trình thủy lợi phát huy hết hiệu quả trong việc tưới tiêu trên đồng ruộng.

Mai Giang

(Đài Diễn Châu)