Niềm tự hào của xứ Nghệ

25/11/2014 18:00

(Baonghean.vn)-Nhân dịp dân ca ví, dặm xứ Nghệ được UNESCO xem xét để vinh danh trở thành di sản phi vật thể của nhân loại, Báo Nghệ An ghi lại một số ý kiến của những người trẻ đam mê dân ca.

TIN LIÊN QUAN

Thạc sỹ Hoàng Thị Phú, Giảng viên Trường CĐVHNT Nghệ An: Dân ca, ví, dặm bắt nguồn từ cuộc sống lao động và được nhân dân lao động hun đúc, nuôi dưỡng và phát triển từ bao đời nay. Trong quá trình giảng dạy ở trường CĐ VHNT Nghệ An, chúng tôi nhận thấy tất cả các em học sinh, sinh viên đều rất thích các làn điệu dân ca. Nó đã ăn sâu vào máu thịt của người dân và tất nhiên, thế hệ trẻ không đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là dân ca đang bị nhạc thị trường lấn át.

Thạc sỹ Hoàng Thị Phú
Thạc sỹ Hoàng Thị Phú

Do đó, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh giảng dạy dân ca trong trường học ở tất cả các cấp. Đối với các trường cao đẳng, đại học có bộ môn văn hóa nghệ thuật, cần phải trang bị cho sinh viên kỹ năng hát, dàn dựng, cải biên các làn điệu dân ca. Bên cạnh người dân ở các địa phương thì đây chính là nguồn nhân lực chuyên nghiệp, sẽ tạo nên sự lan tỏa của dân ca ví, dặm xứ Nghệ sau khi các em ra trường, đi làm. Làm được như vậy, chắc chắn, dân ca ví, dặm xứ Nghệ sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.

Hồ Thị Thùy, Sinh viên ngành Sư phạm âm nhạc, Trường CĐVHNT Nghệ An: Em sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nam Đàn, bên dòng sông Lam thơ mộng, là cái nôi của dân ca ví, dặm . Nhiều bạn sinh viên khác yêu thích dòng nhạc hiện đại nhưng em lại chọn dân ca làm hướng đi cho mình. Chính vì yêu thích dân ca ví, dặm nên em mới quyết tâm thi vào ngành âm nhạc, sau này, khi trở thành giáo viên dạy nhạc, em sẽ truyền thụ những làn điệu dân ca ví, dặm cho các em học sinh.

Sinh viên Hồ Thị Thùy
Sinh viên Hồ Thị Thùy

Việc UNESCO chính thức đưa dân ca, ví, dặm ra xem xét để vinh danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là niềm tự hào không của riêng bản thân em mà còn của cả người dân xứ Nghệ. Chúng em sẽ cố gắng học tập thật tốt để góp sức nhỏ bé của mình, đưa dân ca ví, dặm của xứ Nghệ tiếp tục phát triển.

Hoàng Thị Huyền Trang, sinh viên chuyên ngành nhạc cụ dân tộc: Trong dân ca ví, dặm xứ Nghệ, nhạc cụ dân tộc có một vai trò quan trọng. Từ đam mê với những khúc hát dân ca, em đã lựa chọn chuyên ngành nhạc cụ dân tộc để học. Em biết rằng, các làn điệu dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh đã hình thành, phát triển từ xa xưa, trở thành một di sản tinh thần vô giá, ăn sâu, bén rễ trong tâm hồn, trí tuệ, đời sống của người dân.

Sinh viên Hoàng Thị Huyền Trang
Sinh viên Hoàng Thị Huyền Trang

Nếu chúng ta có bước đi đúng hướng, tạo được không gian diễn xướng, dàn dựng được lời mới trên nền làn điệu Dân ca thì chắc chắn giới trẻ sẽ hưởng ứng và dễ dàng tiếp thu được các làn điệu Dân ca. Hi vọng rằng, khi được vinh danh, ghi nhận thì dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa. Sẽ có nhiều bạn trẻ yêu thích các làn điệu Dân ca.

Đặng Huy Hoàng, (19 tuổi, xã Hưng Mỹ, huyện Nguyên): Từ nhỏ em đã rất yêu thích dân ca và tự mày mò để sang tác những lời hát mới trên nền nhạc dân ca xứ Nghệ. Em thấy rằng, những làn điệu dân ca sâu lắng tình người, tình quê hương, tình yêu đôi lứa luôn được người dân trong làng, trong xã em yêu thích và đam mê. Sau này, em sẽ tiếp tục đi theo niềm yêu thích của mình và cố gắng viết thêm nhiều lời mới hơn nữa để góp phần rất nhỏ của mình đưa dân ca ví, dặm xứ Nghệ tiếp tục phát triển.

Đặng Huy Hoàng, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên.
Đặng Huy Hoàng, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên.

Em hi vọng và tin tưởng, những làn điệu dân ca ví, dặm quê mình sẽ được UNESCO vinh danh, được thế giới thừa nhận và trở thành niềm tự hào của Việt Nam.

Nguyên Khoa (ghi)