Căng thẳng mới trong quan hệ giữa Nga và các nước Bắc Âu

14/04/2015 09:51

(Baonghean) - Bộ Ngoại giao Nga hôm 12/4 tuyên bố những động thái mà Phần Lan và Thụy Điển đang thực hiện nhằm hướng tới các mối quan hệ gần gũi hơn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là mối quan ngại đặc biệt. Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và NATO vẫn đang ở mức thấp liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, thì diễn biến này một lần nữa khiến bầu không khí chính trị tại châu Âu tăng nhiệt.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AP

Động thái này là phản ứng mới nhất của Nga sau khi truyền thông Na-Uy đăng tải một tuyên bố chung trong đó, bộ trưởng quốc phòng các nước Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch và Iceland cho rằng Bắc Âu cần chuẩn bị đối phó với các cuộc khủng hoảng tiềm tàng hoặc những vụ việc bắt nguồn từ Nga. Các nhà lãnh đạo Bắc Âu đã cho rằng, các nước này phải sẵn sàng đối phó với nguy cơ khủng hoảng có thể xảy ra, bằng cách hợp tác quân sự giữa các nước Bắc Âu sẽ bao gồm các cuộc tập trận chung, trao đổi thông tin tình báo và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Trong số 5 nước Bắc Âu đưa ra quan điểm vừa qua thì chỉ có 3 nước Na Uy, Đan Mạch và Iceland là thành viên NATO. Hai nước Thụy Điển và Phần Lan vốn được biết đến là những quốc gia phương Tây có quan điểm trung lập từ nhiều năm nay. Hai nước này cũng không ít lần từ chối gia nhập NATO vì mối quan hệ đặc biệt với Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay. Do đó, động thái vừa qua khiến nước Nga lo ngại rằng, hai nước Thụy Điển và Phần Lan đang xích lại gần với NATO hơn, thậm chí không loại trừ khả năng hai nước này có thể sớm bị lôi kéo gia nhập vào khối liên minh quân sự này.

Nhìn từ lịch sử, mối quan hệ giữa Nga với các nước Bắc Âu đã từng chứng kiến nhiều thăng trầm. Song trong suốt nhiều thập kỷ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay nhiều lần khẳng định rất rõ quan điểm không muốn các quốc gia láng giềng có chung đường biên giới gia nhập NATO. Trong khi đó, Thụy Điển và Phần Lan tuy không có mối quan hệ thân thiết với Nga nhưng cũng chưa khi nào có đối đầu với Nga trong nhiều năm từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Đó là chưa kể, mối quan hệ về kinh tế giữa Nga với Thụy Điển và Phần Lan rất khăng khít. Riêng Phần Lan năm 2013 đã xuất sang Nga lượng hàng hóa trị giá gần 8 tỷ USD.

Trên thực tế, Phần Lan có tới hơn 1300km đường biên giới chung với Nga, nếu tham gia vào việc phòng vệ hay tập trận chung cùng với NATO, chắc chắn quân đội NATO sẽ có mặt “sát vách” nước Nga hơn. Còn Thụy Điển, quốc gia đang sở hữu đường bờ biển dài nhất trong số các nước quanh biển Ban Tích, cả lãnh hải của Thụy Điển và Phần Lan gộp lại thì gần như đã bao trọn vùng biển này. Do đó nếu hai nước này có sự liên kết với NATO, tàu thuyền NATO sẽ qua lại thoải mái ở biển Ban Tích, tạo thành sức ép lên hạm đội Ban Tích của Hải quân Nga và tiếp cận Thành phố Sankt-Peterburg quan trọng. Vì thế, người Nga có lý do để tỏ ra “quan ngại đặc biệt” khi Thụy Điển và Phần Lan đã cùng với 3 thành viên khác của NATO ở khu vực Bắc Âu là Na Uy, Iceland, Đan Mạch thảo luận về các biện pháp ứng phó với nước Nga.

Hiện nay, người dân Phần Lan vẫn phản đối việc gia nhập NATO vì lo ngại làm Nga tức giận, các cuộc thăm dò sau việc Nga sáp nhập Crimea cho thấy chưa đến ¼ người dân Phần Lan ủng hội gia nhập NATO. Do đó, chưa một đảng phái chính trị nào ở Phần Lan công khai ủng hộ việc này. Tương tự, ngày càng có nhiều người dân ở Thụy Điển chống lại việc gia nhập NATO hơn là những người ủng hộ việc này. Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây thì chỉ có khoảng 31% người dân Thụy Điển ủng hộ nước này gia nhập NATO và có tới 50% phản đối.

Tuy rằng trong tương lai gần, sẽ khó xảy ra khả năng Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Song, cả 2 nước đều là thành viên Liên minh châu Âu và tham gia chương trình “Hợp tác vì hòa bình” của NATO và động thái mới nhất lần này có thể dẫn đến các cuộc tập trận chung với NATO. Do đó, ít nhiều đã có “làn gió mới” trong quan điểm trung lập của hai quốc gia Ban Tích này. Trong bối cảnh quan hệ Nga – NATO đang ở mức thấp, việc các nước Bắc Âu coi Nga là mối đe dọa có thể khiến cục diện khu vực Bắc Âu thay đổi. Chắc chắn nếu các nước Bắc Âu mở rộng việc triển khai lực lượng đối phó với Nga, đặc biệt là Thụy Điển và Phần Lan liên kết mạnh mẽ hơn với NATO thì sẽ không loại trừ khả năng Nga cũng sẽ tăng cường triển khai lực lượng vũ trang tại vùng giáp biên với Bắc Âu để đối phó. Và như vậy, lòng tin giữa Nga và các nước Bắc Âu này có thể sẽ bị đẩy ra xa, từ đó xuất hiện những căng thẳng mới, ảnh hưởng đến môi trường hòa bình ổn định ở một trong những khu vực được coi là phát triển nhất thế giới này.

Nguyễn Cao Biền

TIN LIÊN QUAN