Đối thoại - Giải pháp tích cực tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở
(Baonghean) - Một trong những yêu cầu xuyên suốt của Đảng là tăng cường chất vấn, đối thoại trong Đảng, đối thoại với nhân dân nhằm thực hiện và phát huy dân chủ từ trong Đảng đến quần chúng nhân dân. Ở Nghệ An, hoạt động này được cụ thể hóa bằng Quyết định số 2924/QĐ-TU, ngày 30/8/2012 của Tỉnh ủy “về ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân”.
Hiệu quả đối thoại
Ở huyện Anh Sơn, mở đầu là cuộc đối thoại giữa Ban Thường vụ Huyện ủy với 320 bí thư chi bộ trực thuộc xã, thị trấn được tổ chức vào tháng 1/2013. Tại cuộc đối thoại, nhiều vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng được các bí thư chi bộ đề cập và được Ban Thường vụ Huyện ủy trả lời, đưa ra các giải pháp cụ thể. Từ kinh nghiệm và thành công của cuộc đối thoại đầu tiên đó, để tăng cường, mở rộng hoạt động đối thoại, năm 2014, Huyện ủy Anh Sơn chuyển đổi hình thức gắn nội dung đối thoại vào các cuộc giao ban giữa Thường trực Huyện ủy với bí thư các đảng ủy trực thuộc định kỳ thì mỗi tháng một lần. Với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng, mỗi quý một lần. Cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở trong năm 2014 cũng đã tổ chức được 65 cuộc đối thoại liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đối thoại về quy hoạch mạng lưới trường lớp đối với các điểm trường sáp nhập; đối thoại bồi thường giải phóng mặt bằng ở một số dự án trên địa bàn; về thực hiện các chính sách xã hội...
Đối thoại giữa các tổ dân vận khối xóm với Huyện ủy Nam Đàn. |
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn – Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Anh Sơn chia sẻ: “Khó nói hết sự phấn khởi của các đồng chí bí thư chi bộ khi được trực tiếp gặp gỡ, phản ánh những vấn đề thực tiễn đang đặt ra từ cơ sở. Về phía Ban Thường vụ Huyện ủy cũng lắng nghe tất cả các ý kiến phản ánh, những thông tin sát thực, nhằm rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời tháo gỡ các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn. Qua đối thoại gợi mở những cách làm hay giúp các bí thư chi bộ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình, cho nên tư tưởng của tất cả các đồng chí tham gia đều rất cầu thị”.
Tại huyện Nghi Lộc, để giải quyết những tồn tại vướng mắc, Huyện ủy triển khai nhiều hoạt động tiếp xúc, đối thoại ngay ở cơ sở. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã tổ chức một số cuộc đối thoại đột xuất theo chuyên đề nhằm giải quyết những vấn đề nảy sinh mà thực tiễn đặt ra. Đơn cử, trước vấn đề nhân dân bức xúc kiến nghị về tình trạng cấp, đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân chậm, Thường trực Huyện ủy chủ trì đối thoại với UBND, các phòng chuyên môn của huyện và đơn vị tư vấn cấp, đổi GCNQSDĐ để làm rõ vướng mắc, khó khăn.
Thông qua đối thoại đã làm rõ 22 kiến nghị, đề xuất, chất vấn liên quan đến lĩnh vực cấp đổi GCNQSDĐ, trong đó xác định được những vướng mắc, chấn chỉnh những khâu yếu kém, những cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với nhân dân. Sau mỗi cuộc đối thoại, Ban Thường vụ Huyện ủy ra thông báo giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND và các phòng, ban liên quan cấp huyện; cấp ủy, chính quyền cấp xã triển khai thực hiện. Định kỳ 3 tháng, Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét tiến độ, tiếp tục đôn đốc, tháo gỡ. Nhờ đó, sau 1 năm triển khai đối thoại, các vấn đề tồn đọng được tập trung tháo gỡ, nâng tỷ lệ cấp GCNQSDĐ từ 41,2% lên 73,5% và đảm bảo tỷ lệ cấp lần đầu đạt gần 90%, trong đó đất lâm nghiệp đạt gần 100%.
Bí thư Đảng ủy xã Nghi Long - Nguyễn Đình Dũng, cho biết: “Sau đối thoại, được sự hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc của Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện, địa phương tiến hành rà soát, tìm kiếm các chứng từ gốc, xác định các hộ có cơ sở pháp lý sử dụng đất lưu giữ trong các chứng từ, sổ sách của xã để tiến hành hợp thức hóa hồ sơ. Đến nay có 90 hộ được cấp quyền sử dụng đất, còn lại 39 hộ đang tiếp tục tháo gỡ, hoàn thiện…”.
Báo cáo của Huyện ủy Nghi Lộc, trong gần 3 năm (2012 - 2014), chính quyền huyện và cấp ủy, chính quyền cấp xã, chủ doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã tổ chức được 131 cuộc đối thoại với nhân dân. Trong đó nội dung đối thoại tập trung vào giải phóng mặt bằng; hỗ trợ tái định cư; thực hiện chính sách xã hội; cấp và đổi GCNQSDĐ; cơ chế, chính sách đầu tư sản xuất nông nghiệp... Đồng chí Phan Sỹ Dương – Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc khẳng định: “Hiệu quả của các cuộc tiếp xúc, đối thoại không chỉ giải quyết được các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, mà điều quan trọng là tăng cường sự hiểu biết giữa chủ thể đối thoại với đối tượng đối thoại, từ đó thấy rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc giải quyết từng vấn đề; góp phần xây dựng mối đoàn kết, gắn bó giữa Đảng với nhân dân”.
Quá trình đối thoại trong Đảng, đối thoại với nhân dân ở một số huyện, thành, thị xã và cơ sở, nhiều địa phương đã chỉnh đốn được tác phong, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, đoàn thể. Một số huyện ủy như Nam Đàn, Anh Sơn, Yên Thành đã tổ chức được nhiều cuộc đối thoại theo chuyên đề. Ở Nam Đàn đối thoại khối dân vận cấp xã, xóm; Anh Sơn đối thoại với bí thư các chi bộ; ở Yên Thành đối thoại đột xuất theo từng nội dung ở từng cơ sở liên quan đến tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng, chế độ cho giáo viên... Có thể thấy rằng, dù là hình thức đối thoại theo chuyên đề, vụ việc hay đối thoại theo định kỳ thông qua hội nghị giao ban của cấp ủy đều đáp ứng được mục đích, yêu cầu. Qua đó, kịp thời nắm chắc tình hình ở cơ sở, tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần giải quyết những băn khoăn, vướng mắc, bức xúc, những vấn đề phức tạp đang phát sinh tại cơ sở...
Tăng số lượng khắc phục hạn chế
Bản chất của đối thoại chính là cách thức người nói (chủ thể đối thoại) và người nghe (đối tượng đối thoại) có "trao đi, đổi lại" một cách trực tiếp để giải quyết một vấn đề chung nào đó. Khi đó, người nghe không còn đóng vai trò thụ động mà phát huy được tính chủ động, chính kiến riêng của mình một cách dân chủ. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, công tác này còn lúng túng, chưa tổ chức được nhiều cuộc đối thoại hoặc chưa phát huy hiệu quả sau các cuộc đối thoại.
Bên cạnh số lượng các cuộc đối thoại được tổ chức hạn chế, thì ở một số cuộc đối thoại, nhiều vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo, thậm chí là “đánh trống bỏ dùi”. Đồng chí Phạm Xuân Quang – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn thừa nhận: “Đến nay, Nam Đàn mới chỉ tổ chức được một cuộc đối thoại khối dân vận trong toàn huyện vào năm 2013; mặc dù kế hoạch mỗi năm sẽ tổ chức ít nhất một cuộc đối thoại nhưng trong năm 2014 này vẫn chưa triển khai được. Mặt khác, các vấn đề được nêu ra tại cuộc đối thoại lần trước cho đến nay vẫn chưa có sự rà soát, kiểm tra lại”. Đồng chí Phan Sỹ Dương – Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc, cho rằng: “Có những vấn đề được nêu tại cuộc đối thoại vượt thẩm quyền giải quyết của cấp ủy, vì vậy, những vấn đề đó phải báo cáo lên cấp trên, nên chậm trong khâu giải quyết. Điều đó, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của đối thoại”.
Ngoài các hạn chế, khó khăn nêu trên, hiện nay, cấp ủy các cấp đang còn lúng túng trong lựa chọn, xác định hình thức đối thoại. Một số địa phương còn e ngại về trình độ, sự hiểu biết hoặc “sợ liên quan trách nhiệm” của mình về vấn đề dự định đưa ra đối thoại, kết quả giải quyết sau đối thoại, nên chưa mạnh dạn tổ chức đối thoại. Mặt khác, các cấp ủy cho rằng cuộc giao ban chính là đối thoại, nhưng đó chỉ là các cuộc đối thoại theo hình thức “đại diện”, chưa có những cuộc đối thoại mang tính trực tiếp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng chí Trương Hồng Phúc - Bí thư Huyện ủy Đô Lương cho rằng: “Vấn đề quan trọng yêu cầu đối thoại trong Đảng, trong dân là phải nắm bắt đúng bản chất về tư tưởng, dư luận đang quan tâm để tập trung nghiên cứu và xử lý, thì lâu nay nhiều lúc chúng ta vẫn chưa làm được…”.
Theo đồng chí Đậu Văn Thanh – Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hoạt động đối thoại là nhằm công khai, minh bạch các thông tin mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm liên quan về công tác xây dựng Đảng và các mặt của địa phương. Cũng nhờ đối thoại, cấp ủy, chính quyền phát huy dân chủ một cách thấu đáo. Thông qua đó tăng cường sự đoàn kết trong Đảng, trong dân. Việc tổ chức đối thoại cần phải nắm vững quy trình: Thứ nhất, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực tiễn đang đặt ra những bất cập, khó khăn, vướng mắc thì cấp ủy cần chủ động đưa vào chương trình, kế hoạch để tổ chức đối thoại, trên cơ sở đó, tranh thủ ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm giải quyết tốt vấn đề đặt ra; Thứ hai, xuất phát từ đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của nhân dân, cấp ủy, chính quyên thấy yêu cầu cần phải giải quyết dứt điểm thì phải tiến hành đối thoại để tìm tiếng nói chung, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong giải quyết vấn đề, góp phần ổn định tình hình.
Một vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa công tác đối thoại trở thành nề nếp? Điều này, đòi hỏi các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải phát hiện được những vấn đề nhạy cảm, vướng mắc và chủ động tổ chức đối thoại. Các cấp ủy cũng không nên kỳ vọng tất cả các vấn đề được đưa ra tại cuộc đối thoại đều có thể giải quyết nhanh gọn, mà quan trọng là thông qua đó để nhìn nhận các vấn đề cho phù hợp và từng bước giải quyết “hợp tình, hợp lý”. Còn nếu vấn đề nào giải quyết được theo thẩm quyền thì cần phải đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt, vấn đề nào vượt thẩm quyền thì tăng cường kiến nghị với cấp trên… Như vậy, mục đích của chất vấn, đối thoại là nhằm phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Qua đó, thắt chặt mối đoàn kết trong Đảng, trong quần chúng nhân dân, góp phần giải quyết rốt ráo những yếu kém, tồn tại, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Mai Hoa