Bài cuối: Trách nhiệm chung và luật pháp đòi hỏi sớm thực hiện các việc cần làm

19/05/2015 08:36

(Baonghean) - Theo kế hoạch Chính phủ phê duyệt, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng thực hiện trong vòng 5 năm (2010 - 2015), trong đó hạng mục kênh dẫn dòng (gói thầu số 31) tại xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) thuộc cụm công trình đầu mối của dự án. Bởi vậy, việc 8 hộ dân Yên Hợp khiếu kiện đòi bồi thường về đất phải nhanh chóng được giải quyết dứt điểm để đảm bảo tiến độ của toàn bộ công trình...

Trong lễ khởi công dự án ngày 31/5/2010 tại xã Yên Hợp (Quỳ Hợp), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đó là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã về dự và phát biểu nhấn mạnh: “Việc xây dựng công trình Hồ chứa nước Bản Mồng có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi Nghệ An. Đây là công trình đa mục tiêu “ích nước, lợi nhà”, vừa cấp nước chống hạn, phục vụ sản xuất, điều tiết nước, giảm lũ, kết hợp thuỷ lợi, thuỷ điện vừa là dự án kinh tế - xã hội có nhiều ý nghĩa đối với khu vực miền Tây xứ Nghệ...".

Lán của một hộ dân mới được dựng lên trên đất nhà nước đã thu hồi.
Lán của một hộ dân mới được dựng lên trên đất nhà nước đã thu hồi.

Tầm quan trọng, ý nghĩa lớn đối với quốc kế dân sinh của dự án như thế, nên đồng chí Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp - PTNT và UBND tỉnh Nghệ An phối hợp giải quyết các vướng mắc khó khăn; chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền trong vùng dự án, các sở, ngành liên quan và nhà thầu làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư và thi công đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng, hoàn thành trong vòng 5 năm kể từ ngày khởi công (2010 - 2015).

Và, riêng tiến độ được giao của hạng mục kênh dẫn dòng tại xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) nằm trong cụm công trình đầu mối của dự án là 2 tháng; nghĩa là phải hoàn thành sớm trong năm 2011, nhưng đã bị đình trệ tính đến nay là đã 4 năm, chỉ vì lý do 8 hộ dân xã Yên Hợp ngăn cản thi công, khiếu kiện kéo dài như đã chỉ ra ở các bài trước. Sự việc đó, dẫu chỉ như những “hạt sạn nhỏ”, nhưng đã ảnh hưởng tới tiến độ của toàn bộ đại công trình thủy lợi Hồ chứa nước Bản Mồng; và xét xa hơn, còn ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của tỉnh đối với Trung ương, với Chính phủ; đồng thời là cản trở quá trình kêu gọi, thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền Tây giai đoạn 2010-2020 của tỉnh.

Thời điểm này đã là giữa năm 2015, việc chậm tiến độ thi công của đại công trình thủy nông Hồ chứa nước Bản Mồng đã rõ, đòi hỏi các bên liên quan, cụ thể là huyện Quỳ Hợp, Ban quản lý dự án Bản Mồng, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 (đơn vị chịu trách nhiệm quản lý thi công) cần có sự thống nhất cao, hướng về mục tiêu chung tích cực phối hợp vào cuộc một cách quyết liệt, giải quyết dứt điểm vướng mắc liên quan đến 8 hộ dân tại hạng mục kênh dẫn dòng thuộc cụm đầu mối công trình Hồ chứa nước Bản Mồng ở xã Yên Hợp.

Đối với với 3/8 hộ dân đã trồng keo trên đất Nhà nước đã thu hồi, xét theo luật pháp là đã vi phạm, cần nhận thức rõ để tự tháo dỡ, thu hoạch cây trả lại mặt bằng cho đơn vị thi công. Theo Khoản 2, Điều 92 Luật Đất đai 2013 quy định về trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất: “Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, 3 hộ gia đình trên sẽ không được bồi thường về phần diện tích keo được trồng trên đất mà Nhà nước đã thu hồi. Có chăng, cần xem xét thêm khía cạnh: người dân tự ý trồng keo (khoảng 3 ha, đến nay cây keo đã trên 2 năm tuổi, cao 3,5 - 4m, đường kính 5 - 7cm), nhưng mãi đến năm 2015 mới bị lập biên bản xử phạt hành chính, thì có một phần lỗi của chính quyền địa phương và các Ban quản lý dự án. Vì vậy, các bên liên quan cần bàn bạc, xem xét đưa ra một mức hỗ trợ hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi vật chất cho người dân.

Những chiếc quan tài được phủ bạt đặt tại khu vực trồng cây trái phép.
Những chiếc quan tài được phủ bạt đặt tại khu vực trồng cây trái phép.

Ngoài các chính sách bồi thường, hỗ trợ mà UBND tỉnh đã nghiên cứu các quy định của pháp luật để áp dụng cho 8 hộ dân được hưởng như: hỗ trợ, bồi thường hoa màu, cây cối, vật kiến trúc trên đất; hỗ trợ về đất với mức bằng 40% giá đất bồi thường tính theo diện tích thực tế thu hồi, nhưng không quá hạn mức giao đất nông nghiệp và hỗ trợ kinh phí đầu tư còn lại (khoảng 78 triệu đồng/ha); bố trí các vùng đất khác trên địa bàn để người dân lựa chọn sản xuất…, thì huyện Quỳ Hợp quan tâm hơn và có những giải pháp cụ thể giúp người dân khắc phục khó khăn khi bị thu hồi đất... Phía chính quyền xã Yên Hợp, cùng với nghiêm túc kiểm điểm các cá nhân có liên quan trong việc làm trái quy định dẫn đến ảnh hưởng chung trong sự việc nói trên là đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm, vai trò trong tích cực phối hợp với các phòng ban cấp huyện, ban quản lý dự án sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Sự việc khiếu kiện kéo dài của 8/218 hộ dân tại xã Yên Hợp có thể coi là bài học đắt giá đối với Lâm trường Đồng Hợp nói riêng, và các nông lâm trường trên địa bàn tỉnh nói chung. Vì sao? Là các tổ chức được nhà nước giao phó trách nhiệm quản lý sử dụng đất, vậy nhưng việc quản lý còn lỏng lẻo của Lâm trường Đồng Hợp làm nảy sinh những hệ lụy khó giải quyết. Vì vậy, Lâm trường Đồng Hợp có trách nhiệm không nhỏ trong vấn đề liên quan đến đất đai với người dân trên địa bàn...

Về phía 8 hộ dân đang khiếu kiện đòi bồi thường về đất, đành rằng có sự thiệt thòi so với các hộ dân trong vùng khi cùng khai hoang, cùng sản xuất, sử dụng ổn định, liên tục, không tranh chấp, nhưng trên phần diện tích đất do xã quản lý thì được đền bù về tài sản, vật kiến trúc và được bồi thường về đất theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, cần phải hiểu, đã là quy định của pháp luật thì phải chấp hành và không ai, không tổ chức, cá nhân nào có quyền đứng trên pháp luật để làm trái quy định. Mặt khác, dù chính quyền địa phương, các tổ chức nông lâm trường qua các thời kỳ cũng có những sơ hở, sai lầm trong quản lý đất đai, quản lý hành chính (như việc xác nhận trái pháp luật quyền sử dụng đất trên phần đất nhà nước đã giao cho lâm trường quản lý, lỏng lẻo trong quản lý sử dụng đất), nhưng không thể vin vào những cái sai đó để ra điều kiện, có những việc làm trái như ngăn cản thi công, trồng keo lên diện tích đất nhà nước thu hồi, mang quan tài ra đặt ở ngã ba đường... để gây áp lực, đòi hỏi bồi thường về đất, gây ảnh hưởng đến dự án quốc gia, công trình chiến lược của tỉnh.

Việc Chính phủ cho phép Bộ NN&PTNT và tỉnh được sử dụng nguồn vốn trái phiếu để thực hiện công trình đại thủy nông chiến lược Hồ chứa nước Bản Mồng đã chứng tỏ sự quan tâm của Trung ương đối với Nghệ An nói chung, và chiến lược phát triển kinh tế miền Tây tỉnh nói riêng. Sống trên vùng đất “khát”, gặp nhiều vất vả trong sản xuất nông lâm nghiệp, đời sống kinh tế vì vậy còn vô vàn những khó khăn, thì 8 hộ dân xã Yên Hợp cần hiểu rõ những giá trị đích thực của công trình Hồ chứa nước Bản Mồng đem lại; thấu hiểu về ý thức và trách nhiệm của công dân để chia sẻ khó khăn với Chính phủ, với tỉnh, với địa phương.

Thực tế, chính quyền các cấp, các sở ngành liên quan đã rất cố gắng áp dụng tối đa các khoản hỗ trợ trong chính sách hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Việc 8 hộ dân dù không phải là công nhân lâm trường nhưng tỉnh đã cho phép huyện Quỳ Hợp hỗ trợ về đất với hạn mức 40% giá đất bồi thường và hỗ trợ kinh phí đầu tư còn lại; bên cạnh đó, đã áp dụng việc giao đất với diện tích tương đương và trong cùng khu vực đã thể hiện điều đó.

Không có công trình, dự án lớn, nhỏ nào mà không đòi hỏi có sự hy sinh, chung vai gánh vác của người dân. Nên nhìn rộng ra: nhân dân các huyện Quế Phong, Tương Dương hay các địa phương dọc Quốc lộ 1A, người dân các vùng bị ảnh hưởng bởi Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng nói chung, người dân Yên Hợp (Quỳ Hợp) nói riêng đa phần đồng thuận, chấp nhận hy sinh tài sản, hoa màu, cây cối trên đất ủng hộ công tác GPMB nhằm đảm bảo tiến độ của dự án. Rồi nữa, ngay trên địa bàn tỉnh, để có dòng điện thắp sáng tương lai, hàng nghìn hộ dân thuộc công trình Thủy điện Hủa Na (Quế Phong), Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) đã chấp nhận rời bỏ quê hương, nơi chôn rau cắt rốn tới các điểm tái định cư. Hay để có con đường Quốc lộ 1A khang trang, hiện đại như ngày hôm nay, hàng nghìn hộ dân sống hai bên mặt đường trên tuyến chiều dài 73,8 km từ Thị xã Hoàng Mai đến TP. Vinh (kể cả các hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi 13,5m hành lang an toàn giao thông) cũng đã chấp nhận thiệt thòi, hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung, vì sự phát triển của quê hương, đất nước.

Rồi sắp tới, nếu diễn tiến sự việc vẫn không thay đổi thì chính người dân lại sẽ “làm khó” cho chính quyền sở tại, khi UBND huyện Quỳ Hợp buộc phải xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính; đồng thời tổ chức cưỡng chế, bảo vệ thi công.

Đây là một điều mà bất kỳ ai, dù đó là các cấp chính quyền, các ban quản lý dự án, nhà thầu hay nhân dân trong vùng cũng đều không mong muốn xảy ra. Nhưng, đó là việc phải làm bởi đó là việc làm đúng, cần thiết để giải quyết dứt điểm vướng mắc trong GPMB Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.

Nhóm PV

Luật sư Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự: “Việc thi công công trình Hồ chứa nước Bản Mồng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đi vào hoạt động đúng pháp luật. Do vậy, hành vi mang quan tài ra đặt tại ngã ba đường đi vào công trình của người dân là hành vi gây rối trật tự công cộng cũng như vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nếu người dân không dừng hành vi này lại mà vẫn có ý định tái diễn, Ban quản lý dự án có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự”.

TIN LIÊN QUAN