Quỹ hỗ trợ nông dân: Giúp hội viên thoát nghèo hiệu quả

18/10/2014 21:47

(Baonghean) - Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp hàng nghìn lượt hộ trên địa bàn tỉnh vay vốn với lãi suất ưu đãi, đầu tư vào làm ăn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, từng bước nâng cao đời sống hội viên nông dân nhằm tạo thêm nội lực trong huy động xây dựng nông thôn mới...

(Baonghean) - Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp hàng nghìn lượt hộ trên địa bàn tỉnh vay vốn với lãi suất ưu đãi, đầu tư vào làm ăn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, từng bước nâng cao đời sống hội viên nông dân nhằm tạo thêm nội lực trong huy động xây dựng nông thôn mới...

Tháng 5/2012, từ 1,3 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội, 60 hộ dân thuộc 4 xã Diễn Ngọc, Diễn Xuân, Diễn Phong, Diễn Bình (Diễn Châu) đã được vay vốn để đầu tư nghề chế biến hải sản và chăn nuôi lợn nái sinh sản. Dẫn chúng tôi thăm mô hình nuôi lợn sinh sản của gia đình, ông Nguyễn Xuân Hòa (xã Diễn Bình) chia sẻ: “Dù nguồn vốn vay của Quỹ chỉ hơn vài chục triệu đồng mỗi hộ, nhưng với gia đình tôi đó là điều kiện quý báu để tiếp tục đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Vào thời điểm giữa năm 2012, khi chăn nuôi gặp khó khăn về vốn, gia đình đã phải bán giảm đàn lợn nái.

Sau khi được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình đã tập trung đầu tư mua thức ăn, thuốc phòng bệnh cho đàn lợn; đồng thời từ tham gia dự án nuôi lợn sinh sản, chúng tôi được tập huấn kiến thức về phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, giao lưu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ nhiều hộ khác trên địa bàn. Nhờ vậy, việc chăn nuôi lợn của gia đình ngày càng phát triển. 6 tháng đầu năm 2014, gia đình tôi thu lãi trên 25 triệu đồng từ bán lợn giống”... Theo tính toán của của ông Bùi Văn Khuyến - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diễn Châu, thì sau 1 chu kỳ vốn vay (2 năm), 60 hộ dân của huyện tham gia các dự án quỹ hỗ trợ nông dân đều thu số tiền lãi gấp 2 - 2,5 lần số vốn được vay ban đầu.

Chế biến hải sản ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu).
Chế biến hải sản ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu).

Cũng trong năm 2012, tiếp nhận nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, 65 hộ nông dân thuộc 3 xã Nghi Long, Nghi Trung và Nghi Vạn (Nghi Lộc) đã vay vốn tổng số tiền 1,1 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi bò lai sind sinh sản và nuôi nhím; trung bình mỗi hộ được vay từ 12 - 30 triệu đồng. Sau hơn 2 năm tiếp nhận đồng vốn, bò của các hộ dân tham gia dự án đều sinh được từ 1- 2 con bê, tính ra nuôi 1 con bò nái lai sind bình quân 1 năm lãi hơn 20 triệu đồng. Tổng kết một chu kỳ vốn vay của 65 hộ ở Nghi Lộc, đã có lãi ròng khoảng 1,6 tỷ đồng. Các hộ dân tham gia dự án đều có nhận xét chung: So sánh với chăn nuôi bò vàng truyền thống thì nuôi bò lai sind có nhiều ưu điểm vượt trội như không kén ăn, ít dịch bệnh, trọng lượng phát triển nhanh, ngoại hình to, đẹp nên được thị trường ưa chuộng hơn…

Ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Long cho biết: Nhiều gia đình đã nhân giống bò thêm từ 1-2 con để nuôi và có một số hộ đã bán 2 lứa, thu lãi gần 50 triệu đồng. Các hộ tham gia dự án đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy tốt hiệu quả đồng vốn, biết hạch toán trong sản xuất, kinh doanh, và cái được lớn nhất là giúp họ phương pháp, cách làm nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, góp phần quan trọng vào phong trào xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, sau khi dự án kết thúc, địa phương đang phát động cán bộ hội viên xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân tại cơ sở nhằm tạo nguồn vốn để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững”.

Với mục tiêu ngày càng có nhiều hội viên nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã tập trung huy động vốn bằng nhiều hình thức để xây dựng và phát triển quỹ. Tính đến ngày 31/7/2014, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp hội trong tỉnh đang quản lý là 24.924.174.000 đồng; trong đó nguồn vốn Trung ương ủy thác 10.500.000.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh cấp hàng năm 12 tỷ đồng (nguồn bổ sung năm 2012 là 10 tỷ đồng, năm 2013 là 1 tỷ đồng, năm 2014 là 1 tỷ đồng), nguồn vốn cấp huyện trực tiếp xây dựng quản lý là 1.070.000.000 đồng. Với nguồn Trung ương Hội ủy thác đã tập trung triển khai ở 26 cơ sở hội cho 430 hộ vay, trong đó có 19 dự án với tổng số vốn vay 7, 1 tỷ đồng đã quay vòng vốn lần 2; nguồn ngân sách tỉnh cho vay ở 38 cơ sở hội với 598 hộ vay, hiện có 17 dự án với tổng vốn vay 4,4 tỷ đồng đã quay vòng vốn lần 2; nguồn quỹ cấp huyện quản lý đã xây dựng được 27 mô hình ở 27 cơ sở hội thuộc 14 huyện cho 100 hộ dân vay.

Từ các dự án vay vốn chu kỳ vòng 1, số lượng đàn bò tăng 500 con (450 con bò sinh sản, 50 con bò thịt), giá trị ước đạt 6.948 triệu đồng, tổng đàn lợn nái tăng thêm 10.325 con, trị giá đạt 6.600 triệu đồng. mô hình nuôi tôm tăng 15.828 kg, chế biến nước mắm tăng 10.000 lít; nghề mộc dân dụng giá trị thu nhập đạt 2,4 tỷ đồng… Nhằm phát huy hiệu quả, sau khi giải ngân vốn thực hiện các mô hình dự án, các cấp hội nông dân đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách thức nuôi, trồng, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi để nguồn vốn khi đến tay người dân đạt hiệu quả cao nhất. Cùng đó, tiến hành kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng vốn để tránh tình trạng sử dụng sai mục đích.

Từ những kết quả ban đầu của các mô hình sử dụng vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân cho thấy, tuy nguồn vốn chưa nhiều (từ 15 - 30 triệu đồng/hộ) nhưng đã tạo điều kiện cho hội viên hội nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, góp phần chuyển dịch kinh tế nông thôn. Nhiều địa phương đã hình thành được các câu lạc bộ, tổ hợp tác, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ thành viên trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: cùng sử dụng một loại giống, thức ăn chăn nuôi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm… để góp phần giảm bớt chi phí sản xuất. Hầu hết các hộ được vay vốn đều tự nguyện tham gia đóng góp Quỹ Hỗ trợ nông dân do cấp xã vận động từ 50.000 - 100.000 đồng/năm, góp phần tăng trưởng nguồn vốn, tạo điều kiện cho các hộ nông dân khác được vay vốn phát triển sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Từ năm 1996, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã được thành lập và đi vào hoạt động, khẳng định dấu mốc đổi mới phương thức hoạt động hội, đặt nền tảng và tạo nguồn lực trực tiếp thúc đẩy các phong trào nông dân. Đặc biệt, từ khi thực hiện đề án đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động (giai đoạn 2011-2020), quỹ đổi mới căn bản phương thức hỗ trợ nông dân, đó là vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh theo mô hình dự án (thay cho vay theo hộ hay nhóm hộ nhỏ lẻ) để xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác, nhóm hộ, trang trại, doanh nghiệp nhỏ; tập trung chủ yếu vào thực hiện tiêu chí cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới, đó là tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, bà con nông dân… Thông qua hoạt động của các dự án vay vốn từ quỹ hỗ trợ đã tác động tích cực đến nhận thức của các cấp ủy, chính quyền cơ sở đối với tổ chức hội nông dân. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các cấp hội đẩy mạnh hoạt động, tuyên truyền, tập hợp nông dân, thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế.

Ngọc Anh