Nước Mỹ, đến và cảm nhận
(Baonghean) - Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có chuyến du lịch đến nước Mỹ. Cách đây 40 năm liên tiếp 5 đời Tổng thống Mỹ (D.D.Elsenhowe, John Kennedy đến Lydon Jokn Sory Richand Nixon rồi Gelald Ford) nối chân nhau điều hành 4 chiến lược chiến tranh mới ở chiến trường Việt Nam. Kết cục Mỹ phải chịu thất bại lớn và nặng nề nhất trong lịch sử hơn 200 năm thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Một cuộc chiến tranh để lại vết thương lòng lớn nhất nước Mỹ “hội chứng Việt Nam”.
(Baonghean) - Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có chuyến du lịch đến nước Mỹ. Cách đây 40 năm liên tiếp 5 đời Tổng thống Mỹ (D.D.Elsenhowe, John Kennedy đến Lydon Jokn Sory Richand Nixon rồi Gelald Ford) nối chân nhau điều hành 4 chiến lược chiến tranh mới ở chiến trường Việt Nam. Kết cục Mỹ phải chịu thất bại lớn và nặng nề nhất trong lịch sử hơn 200 năm thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Một cuộc chiến tranh để lại vết thương lòng lớn nhất nước Mỹ “hội chứng Việt Nam”.
Do chuyến đi có chủ định từ đầu là tìm hiểu về nước Mỹ, người Mỹ sau chiến tranh Việt Nam và đặc biệt là nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và nhờ có người bạn qua Mỹ du học, nay là Việt kiều cùng đi nên các địa chỉ mà chúng tôi cần đến đều được thực hiện khá thuận lợi. Điểm đến đầu tiên là Thủ đô Washington, dịp này hoa anh đào đang nở rộ, khoe sắc quanh bờ hồ Tidal Basin. Lượng người đổ về thủ đô để thưởng ngoạn ngắm hoa anh đào và thăm viếng các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh ở Wasington DC càng thêm tấp nập.
![]() |
Người dân Mỹ trước "Bức tường chiến tranh Việt Nam". |
Len qua dòng người vô tận đi lễ hội hoa anh đào, chúng tôi tìm đến “Bức tường chiến tranh Việt Nam” hay còn gọi là “Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam” được khánh thành ngày 13/9/1982. Công trình này nằm trong Quảng trường quốc gia Washington.
Nơi đây, hàng triệu người Mỹ từng tụ họp biểu tình chống chiến tranh Việt Nam trong những năm 60 - 70 của thế kỷ XX. Với kiến trúc hình chữ V, chiều dài 75m, cao 3m, nền tường ốp 72 tấm đá hoa cương màu đen quý hiếm mang về từ xứ Bangalore - Ấn Độ, trên nền tường khắc tên của 58.285 chiến binh Mỹ đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam.
Phía trước bức tường có 2 nhóm tượng đúc bằng đồng cao 2,5m, một nhóm thể hiện 3 người lính Mỹ và một nhóm thể hiện 2 người phụ nữ mặc đồng phục, tay đang nâng một binh sỹ Mỹ bị thương. Từ ngày hoàn thành bức tường, mỗi năm đã có khoảng 3,7 triệu lượt người trong và ngoài nước đến đây để thăm viếng, tìm người thân.
Đến xem bức tường này, chúng tôi bắt gặp rất nhiều hình ảnh người dân Mỹ đang nhón chân, rướn người để chụp ảnh những dòng chữ khắc tên người thân ở phía trên cao, hay một cặp ông bà già với nét mặt đượm buồn, giơ tay chỉ tên em ruột của mình tử trận lúc mới tròn 20 tuổi để cháu nội cùng đi được biết.
Những cựu chiến binh Mỹ cúi đầu, rón rén bước nhẹ nhàng, có người gục đầu vào tường, vài người khác thầm lau nước mắt, để lại bông hoa nhỏ dưới tên một người bạn. Cảm động hơn khi tiến về phía cuối bức tường, nơi chỉ có độ cao 30cm (do cấu trúc bức tường hình chữ V) một nhóm người cao tuổi, tay bám chặt xe lăn, đang nhoài người quỳ xuống để tìm đọc tên người thân, đồng đội ở đây…
Tất cả những hình ảnh ấy đã được kịp thời ghi lại trong ống kính máy ảnh mà chúng tôi mang theo. Khi được tận mắt chứng kiến những cử chỉ, những cảm xúc thể hiện trên khuôn mặt của họ mới hình dung được sự mất mát, đau thương kéo dài của người dân Mỹ sau chiến tranh Việt Nam. Và thầm nghĩ những người đến đây, có dịp tới Việt Nam vào các Nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9 ở Quảng Trị, Việt - Lào ở Anh Sơn (Nghệ An) và các đài tưởng niệm liệt sỹ khắp nơi trên đất nước Việt Nam sẽ hiểu thêm sự hy sinh, mất mát của dân tộc mình, mà giới cầm quyền Mỹ thời bấy giờ gây ra còn lớn gấp nhiều lần con số ở nước Mỹ.
Rời Thủ đô Washington sau một ngày nắng dịu, chúng tôi đến Thành phố New York, 1 trong 3 trung tâm thương mại tài chính lớn nhất thế giới (London và Tokyo). Dân số New York chỉ có 8,3 triệu người, nhưng thành phố này hàng năm đón khoảng 47 triệu du khách trong và ngoài nước viếng thăm.
![]() |
Tham quan hàng không mẫu hạm |
Sau khi tham quan tượng Nữ thần Tự do, một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ, chúng tôi tìm đến Bảo tàng ngoài trời, nơi trưng bày chiếc hàng không mẫu hạm Intrepid, tàu ngầm USS Growler mang số hiệu 577 có trang bị tên lửa hạt nhân và tàu con thoi Enterprise cao 17m, dài 41m, nặng 68 tấn, sau 30 năm làm sứ mệnh lịch sử trên không gian vũ trụ nay NASA quyết định đưa về đây phục vụ khách tham quan.
Tại đây, chúng tôi được vào bên trong tàu ngầm và chiếc hàng không mẫu hạm tham quan phòng radar, phòng điều khiển phóng ngư lôi, đài chỉ huy... Đi lên trên boong tàu chiếc hàng không mẫu hạm xem trưng bày 30 máy bay các loại, trong đó có nhiều chiếc đã trực tiếp tham gia ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam trong những năm 1965 đến 1972 của thế kỷ trước. Qua tài liệu cho biết các phương tiện trưng bày ở đây đều trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ chiến tranh ở Việt Nam.
Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, quá khứ đã khép lại, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hóa được 20 năm, nhưng người dân Mỹ, đặc biệt là thế hệ trẻ Mỹ luôn nhắc nhở nhau rằng đừng bao giờ tham gia một cuộc chiến phi nghĩa. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 28/5/2012 khi đến thăm “Bức tường chiến tranh Việt Nam" đã phát biểu: Mỹ không quên bài học từ cuộc chiến Việt Nam, cuộc chiến này là một trong những chương đau thương nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Xuân Nhường