Nhận biết hoa quả sử dụng thuốc "thúc chín"

17/05/2015 20:02

Bộ NN-PTNT cho biết, các loại thuốc thúc chín hoa quả vẫn chưa có trong danh mục thuốc được phép sử dụng nên sử dụng là bất hợp pháp.

Thuốc thúc chín còn gọi là thúc tố có thành phần chủ yếu là chất ethephon, tinh thể màu trắng, rắn, tỷ lệ hòa tan rất tốt. Theo một số nghiên cứu, hợp chất ethephone có thể dùng để dấm hoa quả chín đều trong 2 - 3 ngày với lượng thấp. Tuy nhiên, có thể vì hám lợi và muốn quả nhanh chín, nhiều cơ sở đã sử dụng hợp chất này với hàm lượng cao, dẫn đến chất ethylen làm chín nhanh nhưng chưa thể bay hơi hết, sẽ tồn dư chất clorit gây độc cho người ăn hoa quả.

 Bộ NN-PTNT cho biết, các loại thuốc thúc chín hoa quả vẫn chưa có trong danh mục thuốc được phép sử dụng nên sử dụng là bất hợp pháp.
Bộ NN-PTNT cho biết, các loại thuốc thúc chín hoa quả vẫn chưa có trong danh mục thuốc được phép sử dụng nên sử dụng là bất hợp pháp.

Ở giai đoạn đầu ngộ độc, con người sẽ bị kích thích thần kinh gây ra các triệu chứng như nhức đầu, cay mắt... Về lâu dài, chất clorit sẽ tích tụ gây nên các nguy cơ cho gan, thận.

Theo nhiều nhà vườn thì thường trái cây khi đến vụ thu hoạch được các thương lái đến tận vườn cắt, và những quả chín già tự nhiên thường được tiêu thụ ở các thị trường gần, vì dễ hỏng. Còn những trái cây xanh sẽ được cho “ngậm” thuốc, trong thời gian đó thì thương lái vận chuyển đến các tỉnh xa thì vừa độ chín mà không bị hỏng.

Một số kinh nghiệm mua trái cây không bị “ngậm” thuốc thúc chín như sau:

Đối với sầu riêng được dấm thuốc cuống thường héo cũ, gai bầm dập, màu sạm cũ. Sầu riêng chín tự nhiên cuống và gai tươi mới, ngửi thấy mùi hương thơm lừng.

Chôm chôm dùng thuốc thúc chín có cành lá tươi roi rói nhưng râu lại héo queo, nhàu nhĩ. Chôm chôm chín cây cho trái có râu khỏe và tươi, để 2-3 ngày sau vẫn chưa héo.

Măng cụt chín do “ngậm” thuốc có cuống thâm đen mà ruột ăn chua, còn quả chín cây có cuống rất tươi và chín từng mảng từ đầu cuống lan xuống đít trái.

Thanh long chín tự nhiên có vỏ mỏng, thân màu đỏ thẫm trong khi các gai trên trái có màu tươi đẹp. Còn thanh long chín do thuốc kích thích có màu đỏ nhạt, gai trên trái héo, vỏ dày, ăn vị rất nhạt.

Cam, quýt chín tự nhiên có cuống rất tươi, trái no tròn, các nốt tinh dầu trên vỏ nở to, chín từng mảng từ trên cuống xuống. Cam chín do dùng thuốc sẽ cho màu chín vàng nhạt đều cả trái, cuống héo, các nốt tạo tinh dầu rất bé.

Xoài chín do dùng thuốc kích thích thường chín không đều, có xen kẽ sọc xanh, dễ bị sượng. Xoài chín cây sẽ có cuống tươi, da căng, chín từng mảng kéo dài từ cuống đến đuôi và từ phần bụng đến phần lưng trái. Trái chín nhiều sẽ có màu vàng đậm và bóp thấy mềm thịt.

Đu đủ chín cây thì chín ngược lại so với nhiều trái khác, chín từng mảng đi từ dưới đít trái lên cuống, cuống lại rất tươi, dùng tay bấm vào trái thấy mủ chảy ra liền. Đu đủ chín do thuốc có màu vàng nhợt nhạt và cuống héo, thậm chí mất cuống luôn.

Chuối chín cây có da căng tròn, nhìn bên ngoài thấy màu vàng đậm, bóp nhẹ cảm nhận mềm. Trong khi chuối chín do thuốc có màu bên ngoài vàng rất đẹp, bắt mắt nhưng bóp vào trái chuối cho cảm giác cứng.

Với quả mít thì cần cảnh giác với những quả mít chưa già (gai bên ngoài nhọn, dày đặc và có màu xanh tươi) mà đã chín múi. Khu vực gần cuống trái mít (chỗ tiêm thuốc kích thích chín) bị nhũn thối trong khi phần đít trái vừa chín tới. Mít chín tự nhiên có gai nở to, màu xanh vàng xam xám, chín đều từ cuống đến đít trái./.

Theo An ninh Thủ đô