Chàng sinh viên không chân đoạt nhiều giải thưởng công nghệ quốc tế
Suýt chút nữa không được tồn tại vì định kiến, Lê Văn Chiến là một đứa trẻ đặc biệt khi từng bị họ hàng, làng xóm xúi đem bỏ vì bị coi là “quái thai”, là người đem lại điều không may. Khuyết đôi chân, nhưng với nghị lực phi thường, chàng trai này đã viết lên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Không chỉ thi đỗ đại học, Chiến còn xuất sắc giành nhiều giải thưởng quốc tế về công nghệ thông tin.
Lê Văn Chiến hồi nhỏ và mẹ. |
Vượt lên định kiến
Ngôi nhà nhỏ tại thôn Nội Xuân (xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) vẫn bình yên trong một ngày nắng giáp tết. Thế nhưng, phía sau sự bình yên của ngôi làng nằm nép mình bên sông Cầu thơ mộng, vẫn còn những định kiến khiến bao người phải lận đận, thậm chí phải ly tán gia đình, quê hương. Có lẽ, cái tên Lê Văn Chiến sẽ không xuất hiện, nếu như khi đó, gia đình không vượt qua được những định kiến chết người, tai ác ấy. Trong giây phút, ông Lê Văn Trình (SN 1957, bố Lê Văn Chiến) như lặng đi, còn chàng trai khuyết tật tài năng Lê Văn Chiến không giấu nổi sự xúc động khi nghe bố kể lại câu chuyện về cuộc đời định mệnh.
Vốn là một người lính tăng thiết giáp, chiến tranh kết thúc, ông Trình rời chiến trường trở về quê hương lập gia đình và xây dựng đời sống kinh tế. Sau khi sinh cháu đầu là con gái, vì là con trưởng trong gia đình, đồng thời là trưởng họ, ông Trình có trách nhiệm nặng nề là phải sinh được cậu con trai để nối dõi tông đường. Bóng đen hủ tục được giải tỏa khi ông Trình hay tin vợ mang bầu con trai. Cả làng, cả họ mừng rỡ, bản thân ông Trình cũng như trút được gánh nặng.
Nhưng rồi niềm vui chẳng được “tày gang”, cái ngày tưởng như hạnh phúc nhất cuộc đời ông đã hóa buồn khi bác sĩ báo tin, đứa trẻ hoàn toàn không có chân. Tin dữ đồn xa, người dân trong làng đồn đoán, họ hàng dị nghị, coi đứa trẻ là quái thai, trong khi không hề suy nghĩ, thông cảm rằng, đó là di chứng của chiến tranh mà ông Trình phải gánh chịu khi chiến đấu bảo vệ đất nước. Nhiều người còn xúi gia đình nên bỏ thai hoặc bỏ con sau khi sinh.
Với bản lĩnh của một người lính và tình yêu thương dành cho đứa con trai đầu lòng, ông đã quyết giữ lại cái thai cũng như nuôi con khôn lớn. Thậm chí sau này, ông còn dứt khoát bỏ ngoài tai áp lực “phải đẻ thêm thằng cu để nối dõi tông đường”. “Thằng Chiến là đích tôn và nó sẽ là trưởng họ Lê này”, ông Trình tuyên bố với họ hàng.
“Bố ơi! Chân con đâu?”
Dù được sự che chở, yêu thương của bố mẹ, nhưng cuộc sống với cậu bé không chân Lê Văn Chiến chẳng dễ dàng gì. Không còn bị chỉ trích gay gắt, nhưng những ánh mắt xăm xoi, những lời dị nghị về cậu bé không chân vẫn như những mũi kim đâm nhói vào trái tim vợ chồng ông Trình vốn đang âm ỉ rỉ máu. Cho tới giờ, ông Trình vẫn nhớ như in câu hỏi xót xa của đứa con trai tội nghiệp: “Bố ơi! Chân con đâu? Bao giờ thì nó mọc ra? Lúc đó tôi chỉ muốn đổ sụp xuống mà không biết nói sao với con” - ông Trình nhớ lại.
Ngày Chiến được đi học, ngôi trường làng cách nhà có vài trăm mét, nhưng với Chiến và vợ chồng ông Trình, con đường đó tưởng như dài vô tận. Không để bố mẹ phải bận tâm, hàng ngày Chiến tự bò đi học, hai tay lết trên đường, mồm ngậm cặp sách. Biết tính khí của Chiến, chiều lòng con, vợ chồng ông Trình chỉ biết âm thầm bám theo, phòng khi bất trắc. Nhiều hôm mưa gió, đường xá lầy lội, bảo để bố mẹ cõng đi học nhưng Chiến vẫn khăng khăng “Con lớn rồi, con tự đến trường được!”. Nhìn con lết qua đám bùn trơn, tim ông lạnh buốt, tay con rớm máu vì vấp phải gạch sắc cạnh mà lòng ông như có trăm ngàn vết cắt.
Nhưng rồi, cơ duyên đã đến, vào năm lên 8 tuổi, Chiến được nhận vào làng trẻ Hòa Bình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - nơi nuôi dạy trẻ khuyết tật. Dù rất buồn phải xa con, nhưng ông bà hiểu rằng, cho con đi thì nó mới vượt qua các định kiến để nên người.
Biết chuyện, cậu bé Chiến vốn trầm tư, ít nói liền bật khóc lo lắng vì nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. “Nhìn nó mà lòng tôi như muốn thắt lại. Hai bố con ôm nhau, tôi chỉ còn biết động viên cháu: “Con không có chân, nhưng con có đôi tay, có khối óc như người bình thường. Con phải đi học và học thật giỏi”, ông Trình nhớ lại. Ngày đưa Chiến lên đường nhập học, bà Quế - mẹ Chiến - nghẹn ngào, lặng lẽ lau nước mắt nhìn bóng hai bố con xa khuất triền đê. Chiến không rời ánh mắt khỏi mẹ và ngôi nhà nhỏ cho đến khi những bóng dáng ấy cứ nhỏ dần rồi khuất hẳn.
Từ “quái thai” trở thành “hiệp sĩ” công nghệ thông tin
Thời gian đầu lên làng Hòa Bình, Chiến lầm lũi, ít giao tiếp với mọi người. Hàng tuần, ông bà lại thay phiên nhau lên động viên con. An tâm về chỗ ăn ở, học hành của con nhưng ông Trình vẫn đau đáu một điều là làm cho con một đôi chân giả. Kinh tế nhà nông thu nhập chỉ gần 2 triệu đồng/tháng, mà một đôi chân giả rẻ nhất cũng hơn 7 triệu đồng. Tài sản giá trị nhất của gia đình lúc đó chỉ có mỗi con bò - phương tiện sản xuất duy nhất. Thương con, vợ chồng ông quyết định bán bò để tậu chân giả cho con.
Nhưng trời còn thương cảnh nghèo của gia đình ông, nên khi ông hỏi ý kiến lãnh đạo làng Hòa Bình về việc mua, lắp chân giả cho con, vị lãnh đạo của làng trẻ đã phân vân rồi cho biết sẽ tìm cách giúp, gia đình đừng vội bán bò. Kết quả, sau đó ít lâu, Chiến được tài trợ lắp chân giả miễn phí. Nhận được món quà vô giá, Chiến bắt đầu tập đi, bắt đầu thích nghi với những đau đớn khi mới mang chân giả. Ông Trình kể: “Thằng Chiến nó ít nói nhưng thương bố mẹ lắm. Lúc mới lắp chân giả, đau đớn lắm, nhưng nó vẫn đeo vào chân và cố làm vẻ đi băng băng cho bố mẹ vui”.
Thấm thoát hơn 10 năm sống ở làng Hòa Bình, Lê Văn Chiến luôn xuất sắc đứng đầu các môn học. Tại thời điểm đó, cậu là đứa trẻ đầu tiên ở làng Hòa Bình đỗ đại học (năm 2011). Hiện nay, Chiến đang theo học năm thứ 3 Đại học Đại Nam. Với niềm đam mê và tình yêu với tin học, năm 2011, Chiến đoạt giải Nhất cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin” tại Việt Nam với phần thiết kế và trình chiếu Powerpoint. Với phần mềm thiết kế này, đầu năm 2013, Chiến lại tiếp tục đoạt giải Khuyến khích tại cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin quốc tế” tại Hàn Quốc. Và đầu năm 2014, Chiến đã đoạt giải Nhì cuộc thi này tại Thái Lan.
Giờ về làng, Chiến vẫn được mọi người gọi với biệt danh “hiệp sĩ công nghệ thông tin” và coi cậu là tấm gương mẫu mực về ý chí để giáo dục trẻ nhỏ. Với vợ chồng ông Trình, niềm vui và sự tự hào về cậu con trai được thể hiện bằng nụ cười thường trực khi nói về Chiến. Trong câu chuyện, ông hóm hỉnh: “Đấy, quái thai của làng giờ đã trở thành hiệp sĩ, định kiến không giết được nó, giờ nó còn làm thay đổi cả định kiến rồi”.
Theo Lao động