Xã Đôn Phục(Con Cuông): Đánh thức lợi thế, dốc lực thoát nghèo
(Baonghean) - Những ngày cuối tháng 5, khi cái nắng mùa hè đã rải đều khắp các thung lũng, thúc giục những thửa ruộng chín vàng, nông dân xã Đôn Phục đang bước vào mùa gặt hái. Niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên từng gương mặt, bởi lúa vụ này được mùa, cả năm nay sẽ no ấm, nhiều hộ sẽ không còn lâm vào cảnh bữa đói, bữa no và cái nghèo sẽ được đẩy lùi.
Trồng lúa nước không phải là thế mạnh của Đôn Phục, bởi diện tích ruộng ở đây ít (toàn xã chỉ có hơn 320 ha), chủ yếu nằm ven các con suối lớn, không đủ đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân. Thế mạnh của Đôn Phục chính là phát triển diện tích vốn rừng, trong đó phải kể đến việc trồng rừng nguyên liệu. Những đồi hoang trước đây giờ nhường chỗ cho cây keo và cây xoan đâu. Dọc theo trục đường liên xã, bạt ngàn sắc xanh của những cánh rừng keo, loài cây đang được bà con hy vọng sẽ đem lại sự “đổi đời” cho người nông dân Đôn Phục. Ở đây, hiện không ít gia đình có trên dưới 10 ha keo, trong vài, ba năm tới sẽ thu về hàng trăm triệu đồng.
Anh Lang Văn Trung, bản Phục (Đôn Phục) đầu tư phát triển 11ha keo lai. |
Làm ăn siêng có thể kể đến anh Lang Văn Trung ở bản Phục, một thanh niên dám nghĩ, dám làm, có ý chí vượt lên đói nghèo và làm giàu chính đáng. Năm nay 34 tuổi, Trung đã có một gia tài là 11 ha keo, đàn trâu, bò 11 con và hàng trăm con gà thương phẩm. Anh đã mạnh dạn vay vốn, phát triển trang trại, mang về một nguồn thu lớn, đời sống kinh tế ngày một khấm khá. Theo gương Lang Văn Trung, nhiều hộ ở Đôn Phục đã mở rộng diện tích trồng keo, làm trang trại chăn nuôi trâu, bò, bắt “rừng đẻ ra cái ăn, rừng đẻ ra tiền”. Hiện tại, diện tích trồng rừng nguyên liệu đang tiếp tục tăng với khoảng hàng nghìn ha. Cán bộ và nhân dân Đôn Phục xác định cây keo sẽ là cây chủ lực trong phát triển kinh tế.
Người dân Đôn Phục nay đã bắt đầu khai thác lợi thế về chăn nuôi gia súc, gia cầm để đẩy nhanh phát triển kinh tế hộ. Với diện tích rừng lớn, thuận lợi cho việc phát triển trang trại và phát triển đàn trâu, bò. Cùng với đó, ở Đôn Phục còn có diện tích đất trồng ngô, sắn và khoai lang, đây chính là nguồn cung cấp thức ăn đáng kể cho việc phát triển đàn lợn, gà. Nhiều gia đình đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi lợn. Điển hình là chị Nguyễn Thị Sáu ở bản Hợp Thành, gia đình chị luôn có khoảng 20 con lợn thịt trong chuồng, đem về nguồn nhu nhập lớn, trừ chi phí lãi hàng chục triệu đồng/năm để tái đầu tư sản xuất và xây dựng, mua sắm tiện nghi gia đình. Hiện tại, xã Đôn Phục có tổng đàn trâu, bò khoảng 2 nghìn con, đàn lợn khoảng 2.500 con. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đang được xem là một hướng đi thích hợp để phát huy lợi thế về nguồn nhân lực, phong tục, tập quán và nguồn thức ăn, mang lại một nguồn thu nhập ổn định.
Cùng với phát huy nội lực, Đôn Phục nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thông qua các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo và xây dựng kết cấu hạ tầng. Tính riêng trong 5 năm qua, xã được đầu tư xây dựng mới 21 công trình, duy tu bảo dưỡng 6 công trình với tổng giá trị lên tới hơn 24 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các công trình xây dựng cơ bản, công trình thủy lợi và giao thông nông thôn.
Đường về xã Đôn Phục (Con Cuông). |
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy và chính quyền đã tập trung chỉ đạo tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đến nay đạt được các tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, điện thắp sáng, phổ cập giáo dục và bưu điện văn hóa xã. Đặc biệt, phải kể đến việc xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội bản. Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, xã đã vận động nhân dân đóng góp được 350 triệu đồng, 3.600 ngày công, hiến gần 1000 m2 đất, 500 cây cối để xây dựng mới gần 2,7 km đường giao thông nội thôn. Hiện tuyến đường liên thôn từ bản Phục đi bản Xiềng có chiều dài hơn 1 km đang được thi công với kinh phí được phê duyệt hơn 1,85 tỷ đồng. Nhờ đó, bộ mặt giao thông nông thôn ở Đôn Phục đang có nhiều khởi sắc...
Điều mà cán bộ và nhân dân Đôn Phục đang hết sức trăn trở, đó là tỷ lệ hộ nghèo hiện tại vẫn ở mức 50%, khá cao so với một số xã trong huyện. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc xuất phát điểm về kinh tế - xã hội khá thấp, giao thông trước đây rất khó khăn, địa hình không thuận lợi, thời tiết diễn biến phức tạp. Cùng với đó, nhận thức, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đồng đều. Đó chính là lực cản không nhỏ trong quá trình đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Từ thực tế này, trong những năm tới, Đôn Phục quyết tâm huy động tối đa các nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trước tiên là khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, vốn rừng phát triển nguồn nguyên liệu giấy; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi. Đồng thời, sử dụng hớp lý các nguồn vốn được hỗ trợ để xây dựng kết cấu hạ tầng theo chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và từng bước thoát đói nghèo.
Vi Thanh Hải
(Bí thư Đảng ủy xã Đôn Phục)