Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Liệt sĩ Phạm Hồng Thái

13/05/2015 21:09

(Baonghean.vn)- Phạm Hồng Thái là chí sỹ yêu nước, người làm nên Tiếng bom Sa Diện, ám sát Toàn quyền Đông Dương Merlin vào năm 1924.

Ngày 13/5, huyện Hưng Nguyên tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Tham dự lễ có đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch, các đồng chí lãnh đạo huyện Hưng Nguyên, thân nhân con cháu họ Phạm cùng đông đảo cán bộ, nhân dân xã Hưng Nhân.

Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh và các đại biểu tham dự buổi lễ.
Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh và các đại biểu tham dự buổi lễ.

Phạm Hồng Thái, sinh ngày 14 tháng 5 năm 1895 tại làng Xuân Nha, nay thuộc xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên trong gia đình có truyền thống yêu nước. Từ nhỏ, Phạm Hồng Thái được nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và lòng thương dân. Sớm biết đến tư tưởng của Phan Bội Châu và những nhà yêu nước khác, từ nhỏ, Phạm Hồng Thái đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tìm kiếm một con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, lãnh đạo huyện Hưng Nguyên tham dự buỗi lễ.
Các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, lãnh đạo huyện Hưng Nguyên tham dự buổi lễ.

Phạm Hồng Thái từng lăn lộn khắp các nhà máy Điện, Nhà máy Diêm, công nhân hỏa xa, mỏ kẽm Bắc Cạn, Nhà máy xi măng Hải Phòng để hiểu rõ hơn về ý thức giai cấp, hiểu rõ sự bần cùng của người dân nô lệ và bản chất tàn bạo của thực dân Pháp. Thời gian làm việc tại các nhà máy, Phạm Hồng Thái là nhân tố tích cực trong việc vận động, tổ chức công nhân biểu tình, bãi công.

Không chỉ hoạt động trong các nhà máy, Phạm Hồng Thái còn về quê, chọn nhà thờ họ Phạm làm nơi đàm đạo với bạn bè, đồng chí. Thời gian này, các đồng chí Lê Thiết Hùng, Vương Thúc Oánh, Lê Hồng Phong,… thường xuyên cùng Phạm Hồng Thái nghiền ngẫm những áng văn thơ bất hủ của Phan Bội Châu về Cách mạng Tháng Mười Nga.

Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên ôn lại truyền thống của vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nhắc nhở với thế hệ sau sự hi sinh anh dũng của người chí sỹ yêu nước Phạm Hồng Thái.
Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên ôn lại truyền thống của vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nhắc nhở với thế hệ sau sự hi sinh anh dũng của người chí sỹ yêu nước Phạm Hồng Thái.

Đầu năm Giáp Tý (1924), Phạm Hồng Thái cùng một số thanh niên yêu nước xứ Nghệ bí mật xuất dương, đi qua Lào, sang Thái Lan và cuối cùng Phạm Hồng Thái đã đến Trung Quốc, gia nhập tổ chức Việt Nam Quang Phục hội, một tổ chức yêu nước của Phan Bội Châu, rồi gia nhập tổ chức Tâm Tâm Xã.

Thân nhân liệt sỹ Phạm Hồng Thái và đông đảo nhân dân xã Hưng Nhân tham dự buổi lễ.
Thân nhân liệt sỹ Phạm Hồng Thái và đông đảo nhân dân xã Hưng Nhân tham dự buổi lễ.

Ngày 19/6/1924, Phạm Hồng Thái làm nên tiếng bom Sa Diện, ám sát hụt viên Toàn quyền Đông Dương Merlin. Mặc dù kế hoạch không thành, Phạm Hồng Thái anh dũng hy sinh nhưng Tiếng bom Sa Diện đã góp phần thức tỉnh lòng yêu nước của hàng vạn đồng bào trong nước. Là cánh én nhỏ, báo hiệu mùa xuân.

Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 120 ngày sinh liệt sỹ Phạm Hồng Thái, huyện Hưng Nguyên tổ chức triển lãm về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí. Trong ảnh, người dân xã Hưng Nhân tham quan triển lãm.
Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 120 ngày sinh liệt sỹ Phạm Hồng Thái, huyện Hưng Nguyên tổ chức triển lãm về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí. Trong ảnh, người dân xã Hưng Nhân tham quan triển lãm.

6 năm sau sự kiện tiếng bom Sa Diện, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, trong đó nhiều đồng chí của Phạm Hồng Thái trước đó tham gia tổ chức Tâm Tâm Xã và Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đã trở thành cốt cán của Đảng. Cũng 6 năm, sau, tại Hưng Nguyên - quê hương của Phạm Hồng Thái đã bùng lên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, mà đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 12/9/1930. Đây là tiền đề quan trọng tiến tới thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh liệt sĩ Phạm Hồng Thái là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An, huyện Hưng Nguyên cũng như xã Hưng Nhân một lần nữa ghi nhớ công ơn của người chí sỹ cách mạng yêu nước.

Nguyên Khoa

TIN LIÊN QUAN