Từ "Mãi mãi tuổi 20" đến "Những lá thư thời chiến Việt Nam"
(Baonghean.vn) - Cách đây tròn 10 năm, sự ra đời của hàng trăm cuốn sách tư liệu vô giá của một thời rực màu hoa lửa từ các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, trong đó có cuốn "Mãi mãi tuổi 20’’ do nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu đã tạo nên một trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của Việt Nam năm 2005 do Bộ Văn hóa -Thông tin bình chọn để từ đó T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động tuổi trẻ cả nước các phong trào "Tiếp lửa truyền thống" và "Hành trình viết tiếp tuổi 20".
Mười năm sau, vẫn âm thầm với dự định dài hơi của "kẻ hành khất", Đại tá - Nhà văn Đặng Vương Hưng với cái tâm của một người lính đã từng trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc đã công bố tuyển tập "Những lá thư thời chiến Việt Nam" như một sự tri ân đối với sự mất mát, hy sinh của dân tộc để tròn 40 năm trước cả dân tộc ta đã vang ca khúc khải hoàn "Như có Bác trong ngày vui đại thắng…’’
Đại tá, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc - Tổng biên tập NXB CAND phát biểu khai mạc tại buổi giới thiệu sách với các phóng viên báo chí. |
Tác giả cuốn sách, nhà văn Đặng Vương Hưng tâm sự: “Nghề làm báo đã giúp tôi đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, để tìm hiểu nhiều sự kiện và nhân chứng... Công việc viết văn đã giúp tôi “ngộ” ra một điều: Đôi khi, chính những trang thư, nhật ký, ghi chép... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu; chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hoá của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn..."
“Thực ra, viết thư không phải là làm văn, mà trước hết đó chính là cuộc đời. Không có một người nào khi đặt bút viết những dòng chữ ấy lại nghĩ rằng, sau mấy chục năm nữa chúng sẽ được in thành sách... Bởi thế, tất cả đều chân thực và sinh động đến lạ kỳ..."
“Cùng với sự phát triển của Internet, máy tính nối mạng và điện thoại thông minh, những lá thư được viết bằng bút mực trên giấy, ngày một hiếm dần đi. Thay vào đó là những e-mail và đơn giản hơn là tin nhắn qua điện thoại. Ngày nay, công nghệ số hóa cho phép người ta chỉ cần vài thao tác đơn giản trên máy tính, hoặc điện thoại thông minh là có thể gửi thư cho nhau cách xa hàng vạn cây số. Và trong thư không chỉ có nội dung những con chữ, mà còn cả hình ảnh, âm thanh sống động của người thân…Vì thế, mà những lá thư viết tay, đặc biệt là “Những lá thư thời chiến Việt Nam”, lại càng có giá trị hơn.
Giữa sự im lặng của những con chữ, và từ những trang giấy mỏng manh đã cũ kỹ và ố vàng vì thời gian ấy, ta bỗng nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hy sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống!
Nhà văn Đặng Vương Hưng (đứng giữa) - người trực tiếp tổ chức sưu tầm, biên soạn cuốn sách. |
Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” giới thiệu hơn 300 lá thư của hơn một trăm tác giả. Người viết thư từ Chủ tịch nước, Thị trưởng thành phố đến công nhân, nông dân; từ tướng lĩnh đến binh nhì. Có cả những thư của những người lính ở “phía bên kia” một thời để góp phần hàn gắn chiến tranh, hòa hợp dân tộc.
Điều khác biệt là cuốn sách này không bán ngoài thị trường, mà tác giả sẽ tặng sách miễn phí cho tất cả những CCB, thân nhân gia đình liệt sĩ đã đóng góp tư liệu cho cuốn sách, hoặc đã nhiệt tình tham gia cuộc vận động sưu tầm thư và nhật ký thời chiến nói trên.
"Những lá thư thời chiến Việt Nam" là xúc cảm vút lên từ khoảng khắc im lặng giữa hai trận chiến, là sự tri ân bằng cái tâm của một nhà văn một thời khoác áo lính mà chưa một lần nghĩ đến sự trả ơn luôn nặng lòng với cuộc kháng chiến của dân tộc ra đời đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trần Trung Hiếu
(Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu)