"Bảo tàng" của cụ Bỉnh

14/05/2015 19:17

(Baonghean) - Xấp xỉ tuổi 80, cụ Phạm Ngọc Bỉnh có một “kho” tư liệu quý giá về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với khoảng 1000 bức ảnh, gần 300 cuốn sách và không kể hết số lượng tờ báo, tạp chí. Đó là thành quả của hơn 50 năm kiên trì sưu tầm, gom nhặt, thể hiện niềm kính trọng và biết ơn vô bờ đối với vị Cha già của dân tộc.

Ngôi nhà của cụ Bỉnh nằm trên sườn đồi bên tả ngạn dòng sông Lam thuộc xóm 6, xã Lạng Sơn (Anh Sơn). Nhà được dựng theo kiểu kiến trúc những năm 70-80 của thế kỷ trước, vừa nhỏ, vừa thấp, các loại đồ đạc kích thước cũng khá gọn gàng. Phía trong, gia chủ dành hẳn 1 gian để kê chiếc giường và đặt chiếc tủ kính lớn để cất giữ tranh ảnh và tư liệu về Bác Hồ. Cụ Bỉnh chia sẻ: “Cuộc đời tôi có 2 niềm tự hào lớn là được làm người lính bảo vệ Bác Hồ lúc Người về thăm quê lần thứ hai và sưu tầm, lưu giữ được khá nhiều tư liệu và tranh ảnh về Người”.

Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê lần thứ 2, chiến sỹ Phạm Ngọc Bỉnh (SN 1936) và các đồng đội thuộc đơn vị công binh D25 đóng quân tại vùng rú Đụn (Nam Đàn) được giao nhiệm vụ rà mìn đảm bảo an toàn. Chiến sỹ trẻ ấy vô cùng vui sướng và tự hào, vì từ bé đã khao khát được tận mắt nhìn thấy Bác, được nghe giọng nói của Bác. Nay dịp may đã đến, được giao nhiệm vụ đặc biệt, Phạm Ngọc Bỉnh quyết tâm cùng đồng đội hoàn thành tốt, xứng đáng với sự tin tưởng của chỉ huy đơn vị. Mấy ngày Bác về thăm quê, được chứng kiến những lời nói, cử chỉ và hành động của Người, người chiến sỹ công binh trẻ ấy nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh như một người Cha hết mực thân thương, ân cần và gần gũi. Con người Bác toát lên sự giản dị, giàu tình yêu thương và vô cùng vị tha. Cũng như tất cả mọi người, lòng ngưỡng mộ và sự kính trọng của Phạm Ngọc Bỉnh với Bác càng được nhân lên.

Cụ Phạm Ngọc Bỉnh bên chiếc tủ cất giữ tranh ảnh, tư liệu về Bác Hồ.
Cụ Phạm Ngọc Bỉnh bên chiếc tủ cất giữ tranh ảnh, tư liệu về Bác Hồ.

Hôm sau, khi Bác đã trở lại Thủ đô, Báo Quân đội nhân dân đăng bài và ảnh về sự kiện Người về thăm quê hết sức trang trọng. Khi anh em trong đơn vị đã xem hết, Phạm Ngọc Bỉnh quyết định cắt tấm ảnh từ trang báo để lưu giữ kỷ niệm không bao giờ quên này. Cũng từ đó, việc sưu tầm, lưu giữ ảnh và tư liệu về Bác Hồ trở thành thói quen, thành niềm say mê của Phạm Ngọc Bỉnh, kể cả lúc đã rời quân ngũ về làm cán bộ ở địa phương. Hễ thấy trên các tờ báo và tạp chí có đăng ảnh Bác, cụ đều tìm cách cắt ra và cất giữ cẩn thận. Đến nay, sau 54 năm sưu tầm, cụ Bỉnh đã có một “gia tài” khá đồ sộ, trong đó có nhiều tấm ảnh quý và có giá trị.

Cụ Phạm Ngọc Bỉnh tâm sự: “Khi biết tôi sưu tầm ảnh Bác Hồ, có người nói, bây giờ mọi thứ đều có trên internet, cần gì phải lưu giữ bằng giấy tờ nữa. Mặc kệ ai nói gì, tôi vẫn làm việc ấy một cách âm thầm và say mê. Cũng có không ít người ủng hộ bằng cách khi tình cờ có bức ảnh, bài báo nào liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh liền đem đến tặng tôi, coi như một sự đóng góp vào kho tư liệu chung...”. Tranh ảnh, tư liệu trong chiếc tủ của cụ Bỉnh được sắp xếp khoa học theo từng nội dung, vấn đề hoặc mốc thời gian. Khi cần đến một bức ảnh và tư liệu nào làm dẫn chứng, chỉ mất vài ba phút mở tủ và lựa chọn đúng từng ô là thấy ngay chứ không quá nhiều thời gian. Điều này thể hiện sự công phu, tỷ mỷ trong sắp xếp và cũng thể hiện sự cẩn thận và khoa học trong tư duy của cụ Bỉnh.

Ở giữa gian nhà dùng tiếp khách, cụ Bỉnh để một khung ảnh cỡ lớn, trong đó tập hợp và lắp ghép nhiều tấm ảnh với kích cỡ khác nhau. Có bức ảnh ghi lại cảnh Bác dắt tay đàn em nhỏ, trò chuyện với bà con nhân dân, có ảnh lại thấy Bác đứng trên chiếc xe ô tô con đưa tay vẫy chào, rồi ảnh Bác dặn dò các đồng chí cán bộ, Bác về thăm lại ngôi nhà của gia đình...

Thấy khách có vẻ phân vân, cụ liền giải thích rằng, đó là những bức ảnh của Bác Hồ trong hai lần về thăm quê (năm 1957 và 1961). Cụ Bỉnh tập hợp lại và phóng to ra để mọi người xung quanh nhận thấy rõ hơn tấm lòng và tình cảm của Bác với quê hương, giúp người xem có được cái nhìn tổng quan và hệ thống. Sắp tới, vào dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác, cụ Bỉnh sẽ trao tặng UBND xã Lạng Sơn chiếc khung cỡ lớn và những bức ảnh có giá trị này. Cụ Bỉnh cho biết thêm, một số cơ quan, đơn vị nhận thấy được ý nghĩa sâu sắc của những bức ảnh kể trên đã nhờ cụ in thêm để treo ở phòng khách...

"Có Bác Hồ ta mới có ngày hôm nay"

Có thể xem ngôi nhà của cụ Phạm Ngọc Bỉnh là một “bảo tàng” nhỏ về Chủ tịch Hồ Chí Minh; là một địa chỉ đáng tin cậy đối với những ai có nhu cầu tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Ngôi nhà nhỏ trên sườn đồi đón gió mát rượi từ dòng sông Lam và đón hương lúa ngạt ngào từ cánh đồng phía trước cũng là nơi gặp gỡ, chuyện trò của các bậc cao niên ở xã Lạng Sơn. Họ đến đây để cùng nhau chia sẻ bao nỗi vui buồn của cuộc sống thường nhật, để nắm bắt những thông tin thời sự hàng ngày và để được nghe cụ Bỉnh nói chuyện về Bác Hồ, xem những tấm ảnh và tư liệu chủ nhà vừa mới sưu tầm được.

Thỉnh thoảng, ngôi nhà nhỏ của cụ Bỉnh lại đón tiếp những đoàn học sinh đến từ các trường học trên địa bàn. Biết cụ Bỉnh đang lưu giữ một “kho” tư liệu quý về Bác Hồ, vào giờ ngoại khóa, các thầy cô thường dẫn học sinh đến đây để tận mắt chứng kiến và nghe cụ giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những lúc như thế, bằng tất cả say mê cụ trở thành người thuyết minh đầy sức cuốn hút, đem lại niềm hứng thú cho các cháu học sinh. Vì thế, một số em đã lập thành từng nhóm, tranh thủ những buổi được nghỉ học rủ nhau đến nhà cụ Bỉnh để xem ảnh, đọc báo và nhờ cụ giảng giải rõ hơn về những chặng đường lịch sử và cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, cụ Phạm Ngọc Bỉnh có cách giới thiệu về Bác Hồ khá thú vị và sáng tạo, đó là dùng thơ để ghi nhớ những dấu mốc quan trọng của Người. Nói về sự chào đời của Bác, cụ Bỉnh trích 2 câu thơ: “Ánh hồng rọi chiếu bao la/ Chân mây đã rạng sáng ra, sáng dần”. Khi Bác xuất dương tìm đường cứu nước: “Từ đó Người đi... những bước đầu/ Lênh đênh bốn biển một con tàu/Cuộc đời sóng gió trong than bụi/ Tay đốt lò, lau chảo, thái rau”. Khi Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng: “Đảng ta sinh ở trên đời/ Một hòn máu đỏ nên người hôm nay”. Khi Bác trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng: “Bác về. Im lặng. Con chim hót/ Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”. Ngày Bác đọc Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: “Cao cao vầng trán ngời đôi mắt/ Độc lập bây giờ mới thấy đây”. Bác về thăm quê lần thứ nhất: “Quê hương nghĩa trọng, tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Và ngày Bác đi vào cõi vĩnh hằng: “Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng/ Vào cuộc trường chinh nhẹ cánh bay”.

Không chỉ sưu tầm, lưu giữ ảnh và tư liệu về Bác Hồ, cụ Bỉnh còn sưu tầm và trưng bày ảnh của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội qua các thời kỳ. Những tấm ảnh ấy được ép cẩn thận, đặt vào khung theo thứ tự và theo từng mục: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội qua các thời kỳ. Bên cạnh đó, cụ Phạm Ngọc Bỉnh còn sưu tầm những tấm ảnh đẹp và hoành tráng về phong cảnh và công trình phản ánh những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước và ghép thành một bức lớn. Điều đáng quý hơn, cụ lấy tên của tác phẩm này là “Có Bác Hồ ta mới có ngày hôm nay”. Cụ bộc bạch: “Ghép những tấm ảnh này và đặt tên như vậy, tôi muốn nhắc nhở với con cháu và mọi người phải luôn ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã hy sinh cả cuộc đời mình để đem lại những điều tốt đẹp cho toàn thể dân tộc Việt Nam”.

Bên cạnh chiếc tủ lưu giữ tranh ảnh, tư liệu về Bác Hồ, cụ Bỉnh lập một bàn thờ, trên cùng có dòng chữ “Tổ quốc là trên hết” với kích cỡ lớn. Phía dưới là ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), hai bên là ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo lời cụ Bỉnh, khi Cách mạng tháng Tám thành công, hầu như nhà nào cũng lập bàn thờ như thế này để bày tỏ lòng biết ơn đối với Bác Hồ và các bậc tiền bối cách mạng đã thay đổi vận mệnh đất nước, thay đổi cuộc đời và số phận của mỗi con người. Bàn thờ này, cụ Bỉnh muốn khắc ghi mãi mãi một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, nhắc nhủ đời sau luôn có ý thức phụng sự Tổ quốc, quê hương.

Và niềm hạnh phúc lớn nhất của cụ Bỉnh là con cháu đều ngoan hiền, chăm lo công tác và học tập, được bà con yêu mến và tin tưởng. Gia đình cụ nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Cháu nội cụ Bỉnh là em Phạm Thị Ngọc Huyền (lớp 5) vừa đạt giải cao trong cuộc thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” cấp huyện. Những khi ông nội đi vắng, Huyền đã có thể thay ông giới thiệu với mọi người những bức ảnh và tư liệu về Bác Hồ một cách rõ ràng, rành mạch và dào dạt cảm xúc.

Tiễn khách ra về, cụ Phạm Ngọc Bỉnh chia sẻ: “Niềm mong ước lớn nhất của tôi hiện nay là xây được một căn phòng riêng đủ rộng để trưng bày ảnh, tư liệu về Bác Hồ, để lưu giữ lại cho con cháu và để khách đến xem được thuận tiện hơn. Vì gian nhà hiện nay chỉ đủ để cất giữ chứ không đủ để trưng bày nên mỗi khi tìm kiếm mất khá nhiều thời gian. Và tới đây, tôi còn phải ép toàn bộ ảnh để bảo quản được tốt và lâu hơn”.

Công Kiên