VFF nên tham khảo quy định của FIFA

24/05/2015 20:25

(Baonghean) - Lễ xuất quân đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 28 đã được tổ chức trọng thể vào ngày 19/5. Đội trưởng U23 Việt Nam - Quế Ngọc Hải (hậu vệ SLNA) vinh dự được thay mặt toàn thể VĐV Việt Nam đọc lời tuyên thệ: Xin hứa thi đấu tự tin, hết mình và sáng tạo trong từng trận đấu, giành huy chương về cho đoàn thể thao Việt Nam, vì sự phát triển của thể thao Việt Nam, vì vinh quang của Tổ Quốc! Khi hình ảnh Quế Ngọc Hải tự tin, đĩnh đạc đọc lời tuyên thệ được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia, các cầu thủ SLNA chắc hẳn rất tự hào về đồng đội của mình, nhưng cũng có người tiếc nuối vì mình đã lỡ cơ hội tham dự SEA Games.

Việc được tuyển chọn là thành viên của đội tuyển quốc gia, được thi đấu tại các đấu trường châu lục trong màu cờ sắc áo của Tổ quốc là niềm vinh dự, mơ ước của các VĐV. Nhưng không phải ai có tài năng, nỗ lực đều có được niềm vinh dự đó. Như môn bóng đá tham dự SEA Games 28 và Vòng loại World Cup 2016, SLNA có tới 7 cầu thủ được gọi lên tuyển là: Nguyên Mạnh, Mạnh Hùng, Quế Ngọc Hải, Phi Sơn, Hoàng Thịnh, Tuấn Tài và Phúc Tịnh. 7 gương mặt này đều được giới chuyên môn đánh giá là những trụ cột của U23 và đội tuyển quốc gia.

Ngày họ khăn gói lên đội tuyển, đồng đội và BHL SLNA mừng cho các cầu thủ trẻ của mình đã trưởng thành và được HLV trưởng Miura tin dùng. Thế nhưng, trong cuộc đua để được gọi tên vào đội hình chính thức, lần lượt Hoàng Thịnh, Phúc Tịnh, Tuấn Tài, Nguyên Mạnh đành phải tập tễnh lên tàu về quê vì chấn thương. Với Hoàng Thịnh, đây là lần thứ 2 anh bỏ lỡ cơ hội được tham dự SEA Games vì chấn thương và cũng là mất luôn cơ hội cuối cùng tham dự đấu trường này.

Trước đây, các cầu thủ SLNA như Hồng Sơn, Công Minh, Huy Hoàng... cũng từng bị chấn thương rất nặng trong quá tham dự đội tuyển quốc gia. Như trường hợp Công Minh bị chấn thương trong trận mở màn SEA Games 25, lần đó SLNA và VFF đã rất căng thẳng với nhau về trách nhiệm chữa trị chấn thương của cầu thủ này. Rốt cuộc Công Minh cũng được VFF, SLNA và một số mạnh thường quân cưu mang chữa trị chấn thương nhưng sự nghiệp của anh thì bị hủy hoại hẳn sau ca chấn thương này.

HLV Mai Đức Chung từng lên tiếng rằng: “Các cầu thủ thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia là một niềm vinh dự, tự hào lớn với bản thân họ và cả CLB. Họ đã xả thân vì niềm tự hào và màu cờ sắc áo vì vậy lẽ đương nhiên VFF có trách nhiệm đứng bên họ khi gặp tai nạn nghề nghiệp”. Nhưng “được vạ thì má đã sưng”, khi bị chấn thương, thiệt thòi đầu tiên là các cầu thủ, kế đến là CLB chủ quản. Bởi, ngoài việc phải nghỉ thi đấu, giảm thu nhập, thì khi bình phục các cầu thủ chưa chắc họ đã lấy lại được phong độ, thậm chí có khi phải chia tay sân cỏ vĩnh viễn. Còn với các CLB chủ quản, những cầu thủ được gọi lên tuyển đều là những trụ cột không thể thay thế ở CLB, nếu thiếu vắng họ, chắc chắn thành tích của các CLB sẽ bị suy giảm.

Có lẽ, đã đến lúc VFF cần tham khảo “Chương trình bảo vệ CLB của FIFA”, theo đó FIFA có trách nhiệm chi trả cho các CLB có cầu thủ bị chấn thương nặng khi tham gia các giải đấu lớn. Khoản tiền bồi thường mà FIFA phải trả cho chấn thương của một cầu thủ dựa trên mức lương cơ bản của cầu thủ đó. Như trường hợp của Neymar, tiền đạo người Brazil nhận 5,1 triệu euro một năm. Điều này cũng đồng nghĩa FIFA sẽ phải trả cho Barcelona số tiền là 14.000 euro một ngày trong thời gian cầu thủ người Brazil điều trị chấn thương!

Đức Dũng