Sách "Lính thợ Đông Dương ở Pháp": Phẩm giá Việt trên đất Pháp
Thân phận của hai vạn lính thợ Đông Dương ở Pháp vốn được coi là “vấn đề tế nhị” của lịch sử nước Pháp trong suốt 70 năm qua. Song khi cuốn sách của nhà báo Pierre Daum được công bố, những khoảng trống lịch sử được lấp đầy. Những đóng góp của hai vạn người thợ Đông Dương đã được chính phủ Pháp ghi nhận..
Hội thảo giới thiệu sách “Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939- 1952)- Một trang sử thuộc địa bị lãng quên” diễn ra chiều qua (26/11) tại Hà Nội. Hội thảo không chỉ kể những câu chuyện về phẩm giá người Việt phải lao động khổ sai trên đất Pháp trong thế chiến thứ 2 mà còn chất chứa lòng bao dung của người Việt trong xã hội đương thời.
Những thân phận bị lãng quên
GS Chu Hảo mở đầu hội thảo: Ở những giai đoạn lịch sử nhất định trong những bối cảnh nhất định, sự thật lịch sử chỉ bị khuất lấp chứ không ai có thể chôn vùi. Nhưng thân phận của hàng vạn con người thì có. Và theo đánh giá của cá nhân tôi, việc làm sáng tỏ những thân phận con người Đông Dương bị lãng quên cùng những cống hiến của họ trên đất Pháp là đóng góp lớn nhất của nhà báo Pierre Daun.
Hình ảnh lính thợ Đông Dương tại Pháp trong thế chiến thứ 2 |
Cuốn sách của Pierre Daun gồm 19 chương kể về thân phận của 2 vạn lính thợ Đông Dương sang Pháp từ năm 1939. Đây là thời điểm Pháp tuyên chiến với phát xít Đức nên chính phủ Pháp cần nhiều thanh niên thuộc địa sản xuất kỹ nghệ phục vụ chiến tranh cho các thanh niên Pháp đang ở chiến trường. Theo thống kê, chỉ 5% trong số này tự nguyện sang Pháp làm thông ngôn, 95% còn lại là nông dân mù chữ bị trưng tập cưỡng bức từ những làng quê. Tại Pháp, họ phải lao động khổ sai và không được hưởng đồng lương thỏa đáng.
Điểm nhấn của cộng đồng này là vào năm 1942, 500 người trong 2 vạn lính thợ Đông Dương được gửi đến Camargue để tìm cách phục hồi nghề lúa gạo. “Lúa gạo của Pháp trước đó chỉ để cho gia súc ăn, người không thể ăn được do chất lượng quá kém”- PGS. TS Lịch sử Phạm Xanh chia sẻ.
Tại mảnh đất xa xôi, những người nông dân Việt Nam đã dùng lối canh tác ngàn đời của cha ông gieo những thửa mạ đầu tiên theo kiểu Việt trên đất Pháp. Tháng 9 năm 1942, vụ mùa đầu tiên thắng lợi với 800 tấn lúa thu về. Sử dụng kỹ thuật nông nghiệp ngàn năm, những vụ mùa sau, người Việt liên tiếp hoàn thiện lối canh tác cho phù hợp khí hậu châu Âu đồng thời cải tạo vùng đất nhiễm mặn. Sản lượng các năm sau đều tăng lần lượt là 1000 tấn, 1500 tấn... Từ những nhánh mạ đầu tiên của người Việt này, hiện nay, Camargue đã thành một vùng lúa gạo đặc sản với năng suất cao, là niềm tự hào của miền Nam nước Pháp.
Lịch sử không có “nếu”- “thì”
Theo chia sẻ của GS Chu Hảo, 3 năm trước, khi gặp GS Chu Hảo ở Việt Nam, nhà báo Pierre chia sẻ, hình ảnh người nông dân lưng trần, cấy lúa theo cách thức miền Bắc Việt Nam ở bảo tàng địa phương chính là động lực để ông quyết định viết cuốn sách. Ông cho hay, phẩm giá của những người bị áp bức nhưng vươn lên diệu kỳ này đã thôi thúc ông phải đưa góc khuất này của lịch sử ra ánh sáng.
Sau khi xuất bản, cuốn sách của Pierre đã gây tiếng vang lớn lay động lương tri nước Pháp. Nhiều địa phương Pháp đã lần lượt tổ chức lễ tôn vinh những người lính thợ. Và ngày 5/10/2014 vừa qua, tượng đài cấp nhà nước tưởng nhớ công lao của 2 vạn lao động Việt Nam bị cưỡng bức lưu đày trong Thế chiến II đã được khánh thành ở Camargue dưới sự chứng kiến của một số đại diện Cộng hòa Pháp và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam như một lời công khai thừa nhận của hai quốc gia rằng những cựu lao động này là nạn nhân của chế độ thực dân thuộc địa một thời.
Có mặt tại hội thảo, cháu nội một người lính thợ năm xưa chia sẻ: Dù gia đình chúng tôi chịu nhiều mất mát từ cuộc bể dâu song chúng tôi không oán trách bất cứ ai. Lịch sử không có “nếu”- “thì” nên chúng tôi không phán xét. Chúng tôi tôn trọng nước Pháp hiện nay vì Chính phủ Pháp đã sòng phẳng với lịch sử khi ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của cha ông chúng tôi. Chúng tôi cũng rất tự hào những gì ông cha đã làm ở đất khách quê người.
Hậu duệ của lính thợ Đông Dương nói tiếp: Ông tôi có chia sẻ với tôi rằng thời gian ở bên đó, ông có cưới vợ và sinh con. Nên việc làm của thế hệ chúng tôi là sang Pháp tìm kiếm những người anh em của mình và khép lại hoàn toàn câu chuyện xưa.
Đấu tranh vì độc lập trên đất Pháp
Theo chia sẻ của BTC, dù sống trên đất khách quê người, nhưng người lính thợ luôn một lòng hướng về Tổ quốc. Họ đã tiến hành nhiều hoạt động như làm báo, rải truyền đơn, treo cờ đỏ sao vàng, đình công, biểu tình… nhằm ủng hộ công cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân Việt Nam và phản đối thực dân Pháp tái xâm lược nước ta. Năm 1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, hàng ngàn lính thợ đã tổ chức mít tinh trọng thể để chào đón vị lãnh tụ của dân tộc. |
Theo TT&VH