Có một "con đường tiền tệ" huyền thoại

29/04/2015 10:37

Gắn liền với cuộc kháng chiến của dân tộc ta, thế nhưng không nhiều người biết có một “con đường tiền tệ” với nhiều câu chuyện về hoạt động tài chính ngân hàng trong chiến tranh.

Đội vận chuyển tiền C.100 thuộc Đ.559 vận chuyển hàng và tiền vào Trường Sơn.
Đội vận chuyển tiền C.100 thuộc Đ.559 vận chuyển hàng và tiền vào Trường Sơn.

Chuyện chưa kể của người trong cuộc

Gắn liền với cuộc kháng chiến của dân tộc ta là những con đường huyền thoại như: “đường mòn Hồ Chí Minh”, “đường Hồ Chí Minh trên biển”, thế nhưng không nhiều người trong chúng ta biết còn có một con đường quan trọng khác đó là “con đường tiền tệ” với nhiều câu chuyện về hoạt động tài chính ngân hàng trong chiến tranh mà chúng ta chưa được biết đến vì những lý do đặc biệt.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngay sau đó, nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trong bối cảnh Trung ương Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành cùng nhân dân theo chân Bác lên chiến khu, ngành Ngân hàng thực hiện các nhiệm vụ của mình khi không có trụ sở Ngân hàng. Điểm đặc biệt trong giai đoạn này là việc ngân hàng nằm chính trong nhân dân, “ngân hàng không có khóa”. Vì tất cả tiền bạc đều gửi nhân dân giữ hộ, khi cần mới lấy lại, không bao giờ thiếu hụt một xu, khi thiếu tiền thì viết giấy vay của nhân dân, hẹn kháng chiến thành công sẽ trả…

Nhớ lại những tháng ngày của “ngân hàng không có khóa” (giai đoạn 1945-1954), ông Vũ Kim Ngân - nguyên cán bộ Ngân hàng Quốc gia khu Tả Ngạn - sông Hồng trong Hậu địch vẫn giữ nguyên tâm trạng bồi hồi, bộ máy đơn giản, cơ quan cũng là dân, chính quyền cũng là dân, bộ đội cũng là dân. “Căn cứ địa trong hậu địch là căn cứ thép vô hình. Thép còn có thể bắn vào được, nhưng “thép vô hình” thì không làm gì được, tôi muốn di chuyển đi đâu cũng được. Căn cứ địa trong hậu địch là pháo đài thép vô hình nên Tây, Việt gian không thể biết được mà không bao giờ bắn trúng, chỉ có cơ sở biết thôi, muốn di chuyển đi đâu cũng được. Trong hậu địch không có những kho xây bằng gạch, không có két bằng sắt, tất cả là nhờ dân giữ hộ, thế mà bao nhiêu năm kháng chiến không mất tiền”, ông Ngân nhớ lại.

Kể lại câu chuyện về sự đùm bọc, tương thân của người dân với cán bộ ngân hàng thời bấy giờ, ông Ngân vẫn rưng rưng: “Có lần địch quây 1 trận lớn lắm, 3 đêm liền không đi được. Cán bộ ngân hàng đành gửi 2 gánh tiền ở nhà 2 ông bà có kho nhỏ dưới hầm, 2 ông bà liền kéo đổ nhà đốt nó đi luôn, thành ra tiền của mình vẫn an toàn”.

“Con đường” vận chuyển ngoại tệ huyền thoại

Bước sang thời kỳ 1954 -1975, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tập trung vào việc tăng cường quản lý, điều hòa lưu thông tiền tệ, xây dựng hoàn thiện chế độ tín dụng thiết lập vai trò “ngân hàng là trung tâm thanh toán của nền kinh tế”, mở rộng quan hệ thanh toán và tín dụng quốc tế… Lúc đó, chúng ta gặp vô vàn khó khăn trong nhiệm vụ nhận viện trợ, phân phối tiền, dùng tiền mua vũ khí chuyển cho chiến trường miền Nam. Cũng từ đó một đường dây bí mật, một con đường huyền thoại đã được hình thành để vận chuyển các khoản ngoại tệ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Lớp học nghiệp vụ ngân hàng những năm đầu giải phóng.
Lớp học nghiệp vụ ngân hàng những năm đầu giải phóng.

Cả cuộc đời gắn với ngành ngân hàng và cũng từng giữ chức vụ lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, và trực tiếp tham gia chỉ đạo, điều hành quỹ đặc biệt chuyển tiền ngoại tệ chi viện cho miền Nam - B29, ông Lê Văn Châu - Đại diện thường trú của B29 tại Hồng Kông, Bắc Kinh gọi những tháng ngày đó là “những tháng ngày lịch sử không thể nào quên”.

Quỹ đặc biệt mang mật danh B29 đã được tiến hành từ năm 1965, nhưng thực ra từ trước đó việc chi viện ngoại tệ cho miền Nam đã được âm thầm diễn ra. Theo chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập tại Cục Ngoại hối (Ngân hàng Ngoại thương) - một tổ chức chuyên trách nghiệp vụ thanh toán đặc biệt với danh nghĩa là phòng B29 hay là quỹ đặc biệt với nhiệm vụ: tập trung các nguồn vốn ngoại tệ về viện trợ và ủng hộ cho miền Nam vào “Quỹ đặc biệt”.

Nắm vững tính chất từng nguồn vốn đó để xây dựng phương án chi viện cho các chiến trường đệ trình Trung ương duyệt và đảm bảo chi viện bằng ngoại tệ được tuyệt mật và kịp thời cho tiền tuyến trong bất kỳ tình huống nào. Bảo vệ và điều chuyển vốn ngoại tệ của quỹ đặc biệt này để tránh thiệt hại ngoại tệ mất giá và phá giá, cố gắng tranh thủ được lãi suất cao để tăng tích lũy ngoại tệ cho Nhà nước. Tổ chức ban đầu của B29 có khoảng 10 người, kể cả các đại diện ở các chốt quan trọng như Hồng Kông, Paris, Bắc Kinh, Quảng Châu….

Những năm đầu ta vận chuyển vào Trung ương Cục và dùng con đường Hồ Chí Minh trên đường Trường Sơn. Lúc bấy giờ, B29 phối hợp với C100 thuộc đoàn 559 của Tổng cục Hậu cần, chế tạo ra những “hộp đặc biệt” để vận chuyển tiền. Sau đó, vận chuyển theo đường mòn Hồ Chí Minh vào các chiến khu, các chiến trường. Với quá trình vận chuyển như vậy, thì vận chuyển bằng đường bộ cũng được số lượng lớn nhưng cũng có những rủi ro, như địch đánh phá ác liệt, do vậy, quá trình càng làm thì ta càng rút được kinh nghiệm.

Trong câu chuyện, ông Châu bộc bạch, việc tiếp cận các đại lý để thu gom ngoại tệ phải tuyệt đối tuyệt mật, theo quy ước mật hóa từ trước. Sau này chúng ta không chuyển tiền mặt mà chuyển sang hình thức trả cho khách hàng chân rết ở Sài Gòn, rồi chuyển khoản cho họ từ Hồng Kông mua vàng cho cơ sở. Phương pháp này được gọi là FM, đã rút ngắn được rủi ro, đồng thanh toán được trong vòng mười mấy phút là hoàn thành nhiệm vụ.

Mạng lưới ngân hàng đại lý trên thế giới mà B29 gửi có tiền là cũng trên 200 ngân hàng đại lý. Phải nói rằng, trên 200 ngân hàng đó chính là ngân hàng cỡ lớn mới đảm bảo bí mật an toàn, mình cần gì thì họ chi viện cái đó. Gọi quỹ đặc biệt là “ngân hàng đặc biệt của miền Nam”, vị cựu cán bộ cấp cao trong ngành ngân hàng nhấn mạnh vai trò của “ngân hàng đặc biệt” này với sứ mệnh góp phần vào thắng lợi cuối cùng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cho tới nay, nhiều người vẫn chưa thể hiểu nổi, làm sao chỉ với số lượng người ít ỏi, mọi thứ máy móc đều lạc hậu, quá trình vận chuyển thô sơ mà hàng trăm triệu đô la của bạn bè quốc tế viện trợ cho nhân dân Việt Nam vẫn kịp thời vượt qua bom đạn, qua sự kiểm soát gắt gao của địch để đến các chiến trường ác liệt nhất ở miền Nam, phục vụ cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong con mắt và tâm trí vị cựu lãnh đạo cấp cao Ngân hàng Nhà nước thì lòng quả cảm và trung thành của cán bộ ngân hàng là yếu tố sống còn tạo nên sự thành công của quỹ đặc biệt B29. Dù có ngụy trang, dù có kín kẽ nhưng nếu không có lòng trung thành vì nước, vì Tổ quốc, chắc chắn những “chuyến hàng vận chuyển ngoại tệ đặc biệt” đó cũng sẽ không thể nào tới đích. “200 cán bộ ngân hàng ngoại thương tham gia vào mạng lưới B29 là 200 chiến sĩ dũng cảm”, ông nói.

Sau khi đất nước giải phóng, tổng kết lại toàn bộ số tiền viện trợ cho miền Nam, nếu bằng đô la thì cỡ 1 tỷ đô, nếu bằng loại biệt tệ như tiền Sài Gòn là hàng tỷ tỷ, hàng trăm triệu tiền Campuchia, tiền kíp Lào và tiền Bath Thái. Và cuối cùng tất cả tài sản đó của đất nước đến khi giải phóng không mất một đồng xu.

Ngoài cách chuyển tiền, ngoại tệ qua quỹ đặc biệt B29, cũng còn nhiều hình thức chuyển tiền sáng tạo, mau lẹ khác nữa. Nhưng, dù bằng hình thức vận chuyển nào thì đó cũng chỉ là một trích đoạn trong cả một khúc ca hùng tráng mà những cán bộ ngành ngân hàng đã “vẽ” lên, mang tên huyền thoại con đường tiền tệ.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN