Phối hợp để đầu tư xây dựng cơ bản trong giáo dục đạt hiệu quả

17/10/2014 12:56

(Baonghean.vn) - Sáng 17/10, Thường trực HĐND tỉnh có cuộc làm việc về công tác đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) tại Sở Giáo dục - Đào tạo, do đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cùng đại diện các phòng, ban và chủ đầu tư các dự án ngành giáo dục làm việc với đoàn.

Trong các năm 2012, 2013, 2014 đã hoàn thành 65 công trình xây dựng cơ bản cho ngành Giáo dục, trong đó tập trung xây dựng thêm các nhà phòng học mới, nhà học bộ môn, nhà đa chức năng; nâng cấp, cải tạo nhà hiệu bộ và hạ tầng kỹ thuật cho các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn toàn tỉnh. Chất lượng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị giáo dục - đào tạo đã được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, một số công trình mới xây dựng không đảm bảo tiêu chuẩn do ngành Giáo dục đề ra, đặc biệt là các phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm bậc trung học, phòng học và công trình vệ sinh bậc mầm non. Đơn cử như ở Trường PT DTNT THCS huyện Tương Dương, Trường mầm non Hưng Tân - Hưng Nguyên, Trường mầm non Chiêu Lưu - Kỳ Sơn, Trường mầm non Sao Mai - Quỳ Hợp...Nguyên nhân là do Sở Giáo dục - Đào tạo không trực tiếp chủ quản tất cả các công trình XDCB thuộc ngành Giáo dục mà giao cho các cơ sở giáo dục làm chủ đầu tư thiếu năng lực để trực tiếp quản lý về chất lượng xây dựng, các chủ đầu tư phải thuê tư vấn quản lý, từ đây nảy sinh các bất cập trong khâu thẩm định, kiểm soát xây dựng công trình.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận tại cuộc làm việc
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận tại cuộc làm việc

Tại cuộc làm việc, đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo giải trình các vấn đề mà đoàn giám sát quan tâm cũng như những khó khăn mà sở gặp phải trong công tác đầu tư XDCB theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Đó là vai trò, trách nhiệm của Sở trong quản lý nhà nước, quản lý giám sát chất lượng xây dựng, tham mưu chủ trương đầu tư và thanh quyết toán...Qua đó làm sáng tỏ những bất cập trong phân bổ trách nhiệm cho từng ngành liên quan đến công tác đầu tư XDCB. Cụ thể, trách nhiệm của ngành Giáo dục còn giới hạn trong 2 chức năng: Tham mưu góp ý xây dựng chủ trương, đề án và kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục đề ra. Tuy nhiên, khâu kiểm tra này chỉ được thực hiện khi công trình đã xây dựng xong, còn thẩm định, quản lý chất lượng trong quá trình thiết kế và thi công thuộc trách nhiệm và theo quy chuẩn của ngành Xây dựng. Các chủ đầu tư cũng kiến nghị nhanh chóng bố trí nguồn vốn để hoàn thành các công trình đang thi công dở và quyết toán, trả nợ xây dựng.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo báo cáo tình hình xây dựng cơ bản của ngành
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo báo cáo tình hình xây dựng cơ bản của ngành
Thầy Hoàng Minh Lương - Hiệu trưởng trường THPT Hà Huy Tập phát biểu ý kiến
Thầy Hoàng Minh Lương - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập phát biểu ý kiến
Đồng chí Hoàng Thị Thùy Linh - Phó phòng Kế hoạch - Văn hóa - Xã hội, Sở Kế hoạch - Đầu tư trả lời chất vấn
Đồng chí Hoàng Thị Thùy Linh - Phó phòng Kế hoạch - Văn hóa - Xã hội, Sở Kế hoạch - Đầu tư trả lời chất vấn
Đồng chí Trần Quốc Chung - Phó ban Kinh tế ngân sách, HĐND tỉnh tham gia ý kiến
Đồng chí Trần Quốc Chung - Phó ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh tham gia ý kiến

Kết luận tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn nhìn nhận vai trò tham mưu, thẩm định của ngành Giáo dục - Đào tạo là điều thiết yếu để XDCB trong giáo dục đáp ứng được yêu cầu sử dụng của ngành. Đồng chí đồng tình với kiến nghị cần xây dựng lộ trình, quy hoạch cụ thể, ưu tiên cho những công trình có nhu cầu cấp thiết, tránh tình trạng đầu tư dàn trải lãng phí. Quan trọng nhất là Sở Giáo dục - Đào tạo và các Sở, ngành chia sẻ trách nhiệm cần có sự phối hợp đồng bộ, rõ ràng hơn để công tác đầu tư XDCB có tính nhất quán từ chủ trương đến quá trình thực hiện.

Thục Anh