Khám phá Pù Mát - Sông Giăng
(Baonghean) - Chỉ với 2 ngày, chúng tôi - những người ưa thích mạo hiểm, có máu phiêu lưu, đến từ nhiều miền quê trong cả nước qua kết nối facebook đã có một chuyến du lịch khám phá Pù Mát và sông Giăng vô cùng thú vị.
Mặc dù được hình thành từ năm 2002 và mở cửa đón khách du lịch từ hơn chục năm nay, nhưng đến bây giờ các dịch vụ du lịch ở Vườn Quốc gia Pù Mát vẫn còn quá nghèo nàn, đơn sơ. Bởi vậy, để chuẩn bị cho hành trình khám phá, chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ từ trước 1 tuần.
Thời gian đã được ấn định, tôi liên lạc với anh Nguyễn Huy Chương, Trưởng phòng VHTT&DL Con Cuông và Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát đăng ký tham quan và nhờ hỗ trợ một số vấn đề cần thiết. Ông Lê Thành Đô, Phó phòng Giáo dục môi trường và Du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết: “Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ hết mình cho tất cả mọi người đến tham quan Pù Mát. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường, phục vụ nghiên cứu khoa học nên tất cả du khách đều được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất”.
Đi thuyền trên sông Giăng. |
Chương trình chỉ gói gọn trong 2 ngày cuối tuần nên tối thứ 6 tất cả hơn 10 thành viên từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã bay đến Nghệ An. Từ Vinh đến Con Cuông khoảng 120km, ô tô 16 chỗ ngồi đi chỉ mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Chúng tôi khá bất ngờ khi Phòng VHTT&DL huyện Con Cuông và Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát đều cử người ra đón tiếp và hướng dẫn hết sức nhiệt tình.
Anh Ngô Minh Hạnh - một cán bộ trẻ Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết: “Khách du lịch đến với Pù Mát còn rất ít. Lâu nay chủ yếu là các nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghiên cứu về động, thực vật và một số trường học tổ chức cho học sinh, sinh viên đi tham quan, dã ngoại. Thi thoảng mới có một số nhóm du khách nước ngoài thích khám phá thiên nhiên đến đây và họ mang theo túi ngủ, lương thực đi vào rừng suốt cả tuần. Chương trình của các anh chị chỉ 2 ngày thì hơi ít. Tuy nhiên các anh chị sẽ có 2 ngày trải nghiệm thú vị”.
Phà Lài - Sông Giăng
Sau khi tham quan Bảo tàng các mẫu động, thực vật và bản đồ 3D thể hiện một cách tổng quát về khu rừng nguyên sinh, chúng tôi lựa chọn một số điểm đặt chân đến và nơi đầu tiên là đập nước Phà Lài ở Môn Sơn - một xã biên giới giáp nước bạn Lào và chính là bến thuyền đón khách hành trình khám phá dòng Sông Giăng thơ mộng.
Quãng đường từ thị trấn Con Cuông đến Môn Sơn khoảng 20 km, đoàn đến nơi gần 11 giờ. Đập nước Phà Lài lấp lánh như một bông hoa rực rỡ giữa mênh mông núi rừng, có lẽ vì thế nên người dân ở đây đã đặt tên cho địa danh này là Phà Lài (tiếng Thái nghĩa là Hoa của Trời). Tranh thủ ăn trưa ở một nhà hàng nổi bồng bềnh trên Sông Giăng với các món tôm hấp, cá mát nướng… mang hương vị đặc trưng của con sông đầy phù du giữa khu rừng nguyên sinh, vừa ngắm cảnh đẹp như trong tranh thủy mặc, tôi mới hiểu vì sao người dân tộc Thái nơi đây có câu thành ngữ: “Cơm Kẻ Quạ, cá sông Giăng” và thường tự hào hát những câu dân ca:
Anh đi khắp núi khắp ngàn
Không đâu đẹp bằng Đá Bàn - sông Giăng
Anh từng thức suốt đêm trăng
Không đâu đẹp bằng sông Giăng - Đá Bàn
Sau bữa cơm trưa, chúng tôi xuống thuyền máy đi ngược Sông Giăng lên Khe Khặng, nơi tộc người Đan Lai sinh sống. Những chiếc thuyền máy xuyên giữa đại ngàn gió mát rượi miên man như ru ngủ, nhưng trước vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, ai cũng muốn tận hưởng, ghi lại những hình ảnh và những khoảnh khắc không dễ gì có được lần thứ 2 trong đời nên không ai chợp mắt nghỉ trưa.
Mất khoảng 2 giờ 30 phút đi thuyền, chúng tôi đến bản Cò Phạt lúc trời đã xế chiều. Được các anh bộ đội biên phòng chỉ dẫn, chúng tôi vào thăm các gia đình, tặng quà cho các em bé người Đan Lai. So với 10 năm trước mà tôi đã có dịp đến đây, bản làng heo hút cổ xưa này có khá nhiều đổi thay. Không còn cảnh trẻ em nheo nhóc không có quần áo mặc đứng gặm những củ sắn luộc nhìn đoàn khách lạ một cách khép nép, sợ hãi; không còn những ngôi nhà lụp xụp nhìn lên thấy những khoảng trời và không còn cảnh các cô giáo phải hàng ngày đến tận từng nhà vận động học sinh đến trường… Bây giờ người Đan Lai đã được xem tivi hàng ngày, các lớp học đã đông vui hơn. Tuy nhiên xem ra người Đan Lai mới chỉ vượt qua được ngưỡng đói chứ chưa thể thoát nghèo… Từ nếp nhà, trang phục đến cách sinh hoạt của họ vẫn còn rất thô sơ.
Chị Tô Vi La, cán bộ Trung tâm VHTT huyện Con Cuông chia sẻ: “Trước đây do cuộc sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài nên người Đan Lai hầu hết chỉ lấy chồng, lấy vợ trong cùng dòng họ. Bây giờ thì người dân Đan Lai đã sống hòa đồng với người Thái, người Kinh trong vùng. Con gái Đan Lai đã tự tin làm dâu người Kinh, người Thái và nhiều chàng trai Đan Lai đã cưới gái Thái, gái Kinh làm vợ. Đã có khá nhiều người Đan Lai tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trở thành những cán bộ, giáo viên”.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ tham quan, tìm hiểu văn hóa và giao lưu với người dân bản Cò Phạt, chúng tôi trở lại thuyền xuôi dòng Sông Giăng ra đến Môn Sơn lúc mặt trời vừa khuất dần sau những dãy núi làm tỏa lên những ráng vàng rực rỡ. Cảnh đẹp hoàng hôn ở bến Phà Lài níu chân du khách khiến không ai muốn rời. Tuy nhiên theo lịch trình chúng tôi phải tiếp tục lên xe đến bản Nưa ở xã Yên Khê.
Điểm du lịch cộng đồng
Làng Văn hóa bản Nưa chủ yếu là người dân tộc Thái, đây là một trong những làng văn hóa được công nhận sớm nhất của huyện Con Cuông. Hiện bà con bản Nưa vẫn giữ gìn được những nét văn hóa truyền thống lâu đời. Đặc biệt ở đây có CLB Dân ca Thái đang lưu giữ được rất nhiều nhạc cụ truyền thống và những làn điệu dân ca cổ. Bởi vậy ở điểm du lịch cộng đồng này, ngoài việc vui chơi thỏa thích, tắm suối cùng các chàng trai, cô gái bản ở khe Nước Mọc; sau bữa cơm tối với rất nhiều món đặc sản cơm lam, gà nướng, mọc, rau rừng, cơm nếp đỏ… các thành viên trong nhóm vô cùng thích thú và ấn tượng với đêm giao lưu văn hóa văn nghệ, nhảy sạp và uống rượu cần cùng với người dân địa phương.
Chum rượu cần thơm nồng khiến những điệu lăm vông thêm say đắm lòng người. Dưới ảnh lửa bập bùng, gương mặt các cô thôn nữ Thái càng hồng hào sau chiếc khăn piêu, những bài dân ca lúc thiết tha, khi rộn rã giúp cuộc vui cứ thế kéo dài. Đêm về khuya, gương mặt của ai cũng đã bừng lên sắc đỏ, chếch choáng hơi men. Tiếng nhạc và lời bài hát quen thuộc của người dân Con Cuông bắt đầu ngân vang thay cho những làn điệu dân ca cổ: “Chum rượu cần, bản làng mình, ai chưa say là chưa vui. Ngôi nhà sàn nghiêng ngả. Chếch choáng trong mắt người. Suối đầu làng cũng hát. Núi ngoài ngõ cũng say. Chum rượu nồng khao khát, niềm vui ta đầy vơi vơi đầy…”.
Khi ánh lửa tắt dần và những chum rượu cần bắt đầu cạn, những đôi trai gái lặng lẽ hò hẹn nhau rời cuộc vui tìm đến những chỗ riêng tư, chúng tôi lên tầng 2 ngôi nhà sàn cộng đồng nghỉ ngơi để sáng hôm sau tiếp tục hành trình. Ở đây có đủ giường nệm sạch sẽ, ti vi, tủ lạnh và phòng tắm, tiện nghi như một khách sạn đủ phục vụ cho khoảng 20 người. Tuy nhiên nhiều người lại thích cảm giác nằm giữa sàn gỗ ngôi nhà để giữa đêm khuya tĩnh lặng nghe thanh âm văng vẳng của núi rừng.
Thác Khe Kèm
Điểm đến cuối cùng trong cuộc khám phá ngắn ngủi của nhóm chúng tôi là Thác Khe Kèm. Nằm cách thị trấn Con Cuông khoảng 20km, thác nước cao hơn 150m này thuộc vùng lõi Pù Mát. Giữa khu rừng hoang vắng, mới đầu mùa hè nên ở đây chỉ có duy nhất 1 nhà hàng chuyên phục vụ ăn uống, có khá nhiều món như cá lăng, cá mát, măng đắng, xôi, thịt gà, vịt nuôi thả rông đem luộc hoặc nướng,… và có cả những đồ uống đưa từ miền xuôi lên như bia, nước ngọt. Mặc dù không có nhà hàng thứ 2 cạnh tranh nhưng giá cả ở đây vẫn rất rẻ, thậm chí còn rẻ hơn so với nhiều nhà hàng khác ở ngoài thị trấn.
Du khách thích thú với vẻ đẹp tự nhiên của thác Khe Kèm |
Trong thời gian chờ đến bữa ăn trưa, chúng tôi tha hồ dạo chơi, ngắm cảnh đẹp thác nước từ ngọn núi cao đổ xuống như một dải lụa mềm. Nước trong vắt khiến nhiều thành viên trong đoàn không cưỡng lại được sự hấp dẫn, liền nhảy ùm xuống hồ nước trong veo để tắm, mặc dù thời tiết ngày hôm đó hơi se lạnh và trời có mưa.
Tranh thủ lúc mọi người thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của khu rừng nguyên sinh, Ngô Minh Hạnh giới thiệu: Vườn Quốc gia Pù Mát được thành lập năm 2002, với diện tích tự nhiên 194.000 ha, trong đó vùng bảo tồn 94.000 ha và vùng đệm 100.000 ha. Ngọn núi cao nhất ở đây là đỉnh Pù Mát (cao 1.841m so với mặt nước biển) được xem là chủ sơn của cả vùng nên khu bảo tồn thiên nhiên này được lấy tên là Pù Mát.
Vườn Quốc gia Pù Mát có hệ động, thực vật rất phong phú. Về thực vật có 2.494 loài, trong đó có 37 loài được đưa vào sách đỏ Việt Nam và 20 loài được đưa vào sách đỏ thế giới. Các loài thực vật quý hiếm ở đây gồm có pơ mu, sa mu, trầm hương, mun, chò chỉ, sao… Về hệ động vật có 241 loài thú, có nhiều loài thú quý hiếm như voi, hổ, báo gấm, sơn dương, voọc, vượn đen, gấu chó… đặc biệt là sao la, một loài thú rất hiếm có trên toàn thế giới.
Tháng 11/2007, Vườn Quốc gia Pù Mát được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngoài đập Phà Lai, Sông Giăng, khe Nước Mọc, thác Khe Kèm, ở đây còn có nhiều di tích, danh thắng khác như thành Trà Lân, bia Ma Nhai, hang Ốc,… Đặc biệt có một điểm đến được khách du lịch nước ngoài rất ưa thích khám phá là rừng cây lùn trên đỉnh Pù Mát và rừng cây sa-mu hàng nghìn năm tuổi, có những cây khổng lồ chu vi đo được 23,7m, đường kính thân lên đến 5,5m và cao khoảng 70m…
Kết thúc chuyến hành trình lý thú, các thành viên đều tiếc nuối bởi thời gian ngắn ngủi không thể khám phá hết vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và những nét văn hóa đặc sắc của con người nơi đây. Những ngày sau, các thành viên vẫn còn bùi ngùi chia sẻ hình ảnh về chuyến đi trên facebook và những dòng tâm trạng đầy xúc động bày tỏ nỗi nhớ hoang hoải về miền Tây xứ Nghệ …
Hoàng Hảo