Rộn rã công trường đại thủy nông...
(Baonghean) - Địa bàn xã Châu Bình (Quỳ Châu) là nơi thực hiện các công trình đập phụ, kênh thông hồ và kênh tiêu của Dự án đại thủy nông Hồ chứa nước Bản Mồng. Với sự ủng hộ của nhân dân địa phương và chính quyền các cấp, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện tốt đã tạo thuận lợi cho nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ. Và để đảm bảo tính ổn định lâu dài, đang cần sự quan tâm giải quyết vấn đề đất sản xuất cho người dân sau khi tái định cư...
Rộn rã công trường
Về Châu Bình (Quỳ Châu) một ngày cuối tháng 5, trời nắng như đổ lửa, nóng gay gắt, nhưng trên công trường Dự án đại thủy nông Hồ chứa nước Bản Mồng, hàng trăm chiếc máy xúc, ô tô tải lớn, thiết bị máy móc cùng rất đông công nhân lao động làm việc hết sức khẩn trương. Các hạng mục công trình đập phụ, kênh tiêu thông hồ và kênh tiêu Châu Bình được khởi công xây dựng ngày 12/10/2014, dự kiến sẽ hoàn thành trong khoảng 2 năm (vào cuối năm 2016). Bởi vậy, đơn vị thi công - Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng) đã điều động 2 đơn vị chủ lực là các Công ty 36.32, Công ty 36.20 đưa hàng trăm máy móc, thiết bị lên công trường.
Trên công trường thi công kênh tiêu Châu Bình - Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. |
Theo ông Vũ Văn Giang - Chỉ huy trưởng công trường, ngay sau lễ khởi công công trình, Tổng Công ty 36 đã triển khai thi công lán trại, tập kết máy móc, thiết bị, vật tư để thi công công trình. Tại công trường Châu Bình hiện có 44 máy đào, 70 ô tô; 16 máy ủi, máy lu, máy san và nhiều thiết bị máy móc, thiết bị thi công khác; bên cạnh đó, nhân lực thường trực làm việc tại công trường dao động từ 200 - 230 người. Và để đảm bảo tiến độ, dù thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, công nhân Tổng công ty 36 vẫn tổ chức làm việc liên tục 3 ca/ngày. Hiện nay Công ty 36.32 và Công ty 36.20 đang tổ chức 4 mũi thi công kênh tiêu Châu Bình đoạn Km 1+217 - Km2+94, K2+200 - K3+100, K3+100 -K4+000 và Km4+418 - Km5+83; cầu số 1A, cầu số 2, cầu số 3 và cầu số 9.
Ông Vũ Văn Giang phấn khởi cho biết, hiện nay các đơn vị thuộc Tổng công ty 36 tập trung thi công để đảm bảo hoàn thành tiến độ. Riêng khối lượng đất đào kênh tiêu Châu Bình đã đạt được khoảng 40%. Để có được khối lượng công việc như vậy, chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Nghệ An; bên cạnh đó là sự ủng hộ của nhân dân, chính quyền các cấp huyện Quỳ Châu trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Kể từ ngày 21/1 đến ngày 1/4/2015, chúng tôi đã được tiếp nhận mặt bằng 3 đợt, trong đó có mặt bằng tuyến kênh tiêu Châu Bình từ Km0 - Km6+ 100, mặt bằng các bãi thải số 1, 2, 3, 4, 5; mặt bằng đường thi công số 1, 1A, 2, 3, 5, 6; mặt bằng đường lên đập phụ 3; mặt bằng thi công cầu số 9. Hiện chỉ còn mặt bằng kênh tiêu Châu Bình từ Km 6+100 đến K8+109 (qua địa phận huyện Quỳ Hợp) và mặt bằng kênh thông hồ (bản 3 - 2, Châu Bình) là chưa được bàn giao. Theo tôi được biết, hiện đang trong quá trình thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng...".
Dọc theo công trường Dự án đại thủy nông Hồ chứa nước Bản Mồng ở xã Châu Bình, còn lưu dấu của không ít gia đình đã nhường đất ở, đất sản xuất, nhà cửa di chuyển sang nơi ở mới cho dự án được thực hiện và bên cạnh đó, có không ít gia đình đang hết sức tất bật hoàn thiện nơi ở mới của mình. Ghé thăm một số gia đình, dù vất vả làm việc dưới trời nắng nóng nhưng ai cũng vui khi có khách ghé thăm. Ở hộ ông Nguyễn Khắc Đề (bản Quỳnh 1, Châu Bình), người con trai lớn của ông Đề là anh Nguyễn Khắc Cao (32 tuổi) cho biết, gia đình anh được nhận 1,3 tỷ đồng tiền bồi thường. Ngay sau đó, đã bỏ ra 400 triệu đồng để mua 7 sào đất, là nơi xây dựng nhà ở hiện tại. Số tiền còn lại, vừa đủ để xây dựng mới nhà ở và sắm sanh các vật dụng thiết yếu. Anh Nguyễn Khắc Cao vui vẻ: "Việc tạo dựng lại từ đầu là hết sức vất vả. Tuy nhiên, chúng tôi xác định phải có sự hy sinh mới có một công trình thực sự có ích lợi cho mai sau, vì vậy, đều rất phấn khởi...".
Quan tâm đất sản xuất cho dân
Tìm hiểu về công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các hạng mục công trình Dự án đại thủy nông Hồ chứa nước Bản Mồng ở địa bàn Quỳ Châu, được biết, có 364 hộ sẽ phải di dời, bên cạnh đó, Nhà nước phải thu hồi 1.221,8 ha đất; trong đó, riêng xã Châu Bình có 168 hộ phải di dời tái định cư (60 hộ bị ảnh hưởng bởi hệ thống đập phụ, kênh tiêu và kênh thông hồ; 108 hộ của bản Bình Quang bị ngập bởi lòng hồ chứa nước Bản Mồng); thu hồi 417,6 ha đất.
Hộ ông Nguyễn Khắc Đề (bản Quỳnh 1, Châu Bình) xây dựng nhà ở mới sau khi nhường đất để thực hiện dự án). |
Nói về công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, theo ông Lô Thanh Sơn, Trường phòng TN&MT, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng GPMB huyện Quỳ Châu, bởi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên nhận thức của nhân dân trong vùng ảnh hưởng của dự án cơ bản là rất tốt. Chính vì vậy, việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong thời gian qua đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Ông Lô Thanh Sơn nói: "Dự kiến của chúng tôi, tới tháng 7/2015 sẽ hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng của các hạng mục công trình đập phụ, kênh tiêu Châu Bình và kênh thông hồ để sau đó sẽ chuyển sang thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khu vực lòng hồ Bản Mồng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan. Tuy nhiên, một vấn đề cần được cấp thẩm quyền quan tâm giải quyết đó là tạo quỹ đất sản xuất để Quỳ Châu thực hiện giao đất cho nhân dân sản xuất, ổn định cuộc sống sau khi di dời tái định cư...".
Thực tế, UBND huyện Quỳ Châu đã có các tờ trình về việc thu hồi đất của Lâm trường Cô Ba và Lâm trường Quỳ Châu gửi UBND tỉnh và 2 Sở TN&MT, NN&PTNT, đề xuất xem xét thu hồi 2302,6 ha đất của 2 lâm trường; trong đó, 771 ha đất của Lâm trường Cô Ba tại địa bàn xã Châu Bình để có đất giao cho dân. Theo ông Ngô Đức Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, một điều đáng phấn khởi là phần lớn nhân dân đều hiểu về công năng, lợi ích của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, vì vậy đã tạo thuận lợi để dự án được thực hiện. Tuy nhiên, sinh kế của dân hầu hết đều từ nghề nông. Để thực hiện dự án, các hộ phải di dời hầu như đã bị thu hồi không chỉ đất ở, đất vườn, mà cả đất sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Nhà nước phải có đất sản xuất giao lại để người dân đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài..
Lên Quỳ Châu và đến với Châu Bình, chúng tôi đã thấy được hình hài của Hồ chứa nước Bản Mồng, qua đó, cảm nhận được sự ủng hộ của nhân dân với dự án đại thủy nông này. Để trọn vẹn hơn ý nghĩ dự án, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm xem xét giải quyết nhanh vấn đề đất sản xuất cho nhân dân sau khi tái định cư để họ được đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài.
Nhật Lân