Chân dung nữ gián điệp kỳ bí nhất Thế chiến II
Là hình mẫu của vai nữ chính trong loạt tiểu thuyết tình báo James Bond, Christine Granville được cho là nữ gián điệp dũng cảm, kiên cường và kỳ bí nhất Thế chiến II.
Christine Granville năm 1950. Ảnh: NYTimes |
Christine Granville là gián điệp được thủ tướng Anh khi đó, ngài Winston Churchill, đánh giá cao nhất và từng được trao tặng huân chương anh dũng của cả chính phủ Anh và Pháp. Bà cũng là nguyên mẫu nhân vật nữ gián điệp Vesper Lynd trong tập đầu tiên của tiểu thuyết tình báo James Bond.
Tên thật của Granville là Maria Krystyna Janina Skarbek, người gốc Ba Lan. Cha của bà là một nhà quý tộc, mẹ bà là một người thừa kế gốc Do Thái giàu có. Trước chiến tranh, Granville hưởng thụ cuộc sống của một tiểu thư con nhà quyền quý, từng đạt giải á hậu trong cuộc thi người đẹp Ba Lan năm 1930. Nhưng, Thế chiến thứ hai đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bà.
Tháng 9/1939, quân đội Đức Quốc xã xâm chiếm Ba Lan. Khi đó, Granville đang ở Nam Phi với chồng, một quan chức ngoại giao. Trước biến cố quốc gia, bà nhanh chóng quyết định đi sang London và đăng ký trở thành nhân viên tình báo của Anh.
Trong đơn đăng ký, Granville đề nghị thâm nhập vào lãnh thổ Ba Lan bằng cách trượt tuyết vượt qua dãy núi Carpathian, từ đó giúp chính phủ Anh tiến hành tuyên truyền chính trị tại thủ đô Vacsava của Ba Lan. “Bà ấy không sợ gì cả, là một người Ba Lan yêu nước đầy nhiệt huyết, một người trượt tuyết chuyên nghiệp, một nhà mạo hiểm nữ vĩ đại”, báo cáo của Cơ quan đặc công Anh đánh giá về nữ gián điệp này viết.
Bà được nhận vào Phòng tình báo D, đơn vị sau này phát triển thành Phòng hành động đặc biệt (SOE). Đây là nhóm tình báo được đích thân Thủ tướng Churchill quyết định thành lập, với nhiệm vụ tiến hành các hoạt động phá hoại, lật đổ, gián điệp tại hậu phương địch. Sau khi vào nghề, nữ gián điệp này được nhận hộ chiếu Anh với tên mới là Christine Granville và bí danh hoạt động là Willing.
Trạm đầu tiên trong nghiệp tình báo của Granville là Hungary, nước láng giềng với Ba Lan. Nhiệm vụ của bà là đưa các nhân sĩ phản kháng và binh sĩ Ba Lan thoát ra khỏi vùng chiếm đóng, để tiếp tục chiến đấu cho quân Đồng minh. Người thường xuyên phối hợp với Granville là ông Andrzej Kowerski, một người Ba Lan yêu nước mất một chân. Ông này cũng là người tình lâu năm nhất của bà.
Theo nhà sử học Clare Mulley, người từng viết sách về cuộc đời Granville, có rất nhiều câu truyện truyền kỳ về phong cách làm việc bình tĩnh, lạnh lùng của nữ điệp viên này. Bà từng trượt tuyết vượt qua đoạn đường núi chất đầy thi thể đóng băng của người tị nạn. Bà cũng từng chạy tránh đạn của không quân phát xít Đức tại những vùng núi rộng lớn, hay phải tự cắn lưỡi để lừa tình báo địch tưởng là bà mắc bệnh phổi để thoát thân.
Tương truyền, Granville còn có khả năng điều khiển động vật. Theo đó, có lần Granville và một số chiến binh du kích khi đang ẩn nấp trong lùm cây, thì bị một con chó berger hung dữ đánh hơi phát hiện, bà liền vòng tay ôm lấy con chó. “Con chó liền nằm ngày xuống cạnh bà ấy, không để ý gì đến tiếng huýt sáo của chủ”, học giả Mulley cho biết.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Mulley cũng cho hay Granville là một người rất biết cách tạo dựng nên các câu chuyện để “thần thoại hóa bản thân”, vì vậy không phải câu chuyện nào về cuộc đời truyền kỳ của nữ gián điệp này cũng đúng với sự thực lịch sử. “Gặp ai bà ấy cũng kể về câu chuyện thuần phục con chó của địch trên”, Mulley nói.
Nữ điệp viên đa tình
Granville là một phụ nữ rất hấp dẫn và đa tình. Trong quá trình hoạt động, bà có rất nhiều người tình và cũng bỏ rơi rất nhiều người đàn ông. Không ít người trong số họ không chịu nổi điều đó. Theo hồ sơ của cơ quan tình báo Anh, một người tình của Granville tại Budapest đã cố ý tự làm thương để níu kéo bà.
Mặc dù sự nghiệp tình báo và đời sống tư của bà đầy phức tạp, Granville là một người rất “ngây thơ về chính trị”. “Bất kể người nào chỉ cần giao cho bà ấy nhiệm vụ có ích trong việc giải phóng tổ quốc, bà ấy đều không từ chối”, học giả Mulley cho biết.
Năm 1944, Granville được gửi đến miền nam nước Pháp hỗ trợ cho điệp viên Francis Cammaerts thuộc SOE, người sau này cũng trở thành người tình của bà. Nhiệm vụ của bà là truyền thông tin tình báo và vũ khí giữa các tổ chức chống phát xít, cũng như thuyết phục các binh sĩ gốc Ba Lan trong quân đội Đức đầu hàng quân Đồng minh.
Thành công lớn nhất của Granville là đã cứu thoát Cammaerts và hai điệp viên khác bị lực lượng mật vụ Đức Quốc xã Gestapo bắt giữ khỏi khám tử tù. Nữ gián điệp này hối lộ giám ngục để được vào nhà giam. Tại đây, bà tự xưng là cháu gái của Thống chế Montgomery của nước Anh, rồi cảnh cáo kẻ cầm đầu của mạng lưới chỉ điểm Pháp rằng, nếu họ xử tử ba nhân viên tình báo trên thì sẽ bị quân Đồng minh trả thù. Người này tin lời của Granville và đã bỏ trốn cùng các điệp viên.
Sau chiến tranh, nhóm tình báo của Granville bị giải thể. Nhưng ngay sau đó, Chiến tranh Lạnh nổ ra, cũng như rất nhiều người Ba Lan lưu vong khác, Granville không thể trở về tổ quốc. Trong thời bình, nữ gián điệp lừng danh một thời này trải qua nhiều công việc, như nhân viên nhận điện thoại, trợ lý bán hàng và công việc cuối cùng của bà là nhân viên phục vụ của một công ty vận tải.
“Granville trở nên thất thường, yêu cầu rất cao, không chịu nổi cảnh làm thuê, chí ít là không tìm được công việc mà bà ấy thích. Bà ấy không muốn trở thành nhân viên đánh máy, làm vợ hay làm mẹ, chỉ muốn làm gián điệp”, học giả Mulley cho hay.
Tháng 6/1952, Granville bị đồng nghiệp, người cũng là tình nhân cũ của bà, Dennis Muldowney, đâm chết tại đại sảnh một khách sạn ở London. Muldowney bị kết án tử hình. Nhưng cho đến tận lúc thi hành án, người đàn ông này vẫn khẳng định ông rất yêu Granville và không chịu nổi cảnh bị bà bỏ rơi.
Theo Vnexpress