Kiểm soát chặt đào tạo nhân lực ngành y

08/12/2014 20:02

Việc Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế mới đây công bố tạm dừng xem xét mở 4 ngành đào tạo nhân lực (ĐTNL) y tế tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành y dược đã nhận được sự đồng tình của nhiều người. Tuy nhiên, không ít ý kiến vẫn đề nghị 2 Bộ tổ chức thanh, kiểm tra, rà soát hoạt động ĐTNL ngành y tế.

Nhiều trường tuyển bừa

Có đề nghị như vậy là bởi giai đoạn vừa qua, Bộ GD&ĐT cho phép mở trường ào ạt, quản lý không chặt nên chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu, nhất là các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành y dược.

Một giờ thực hành của sinh viên trường Đại học Y Hà Nội tại Bệnh viện Nhi T.Ư.
Một giờ thực hành của sinh viên trường Đại học Y Hà Nội tại Bệnh viện Nhi T.Ư.

TIN LIÊN QUAN

Thực tế, để tuyển được sinh viên, nhiều trường ngoài công lập chấp nhận lấy điểm đầu vào các ngành sức khỏe ngang sàn của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, mùa tuyển sinh đại học (ĐH) 2014, ĐH Đại Nam lấy điểm chuẩn ngành Dược học là 17,5 điểm khối A và 19 điểm khối B (môn chính nhân hệ số 2); ĐH Thành Đô lấy điểm trúng tuyển ngành Dược học khối A là 13 điểm; Điểm chuẩn ngành Điều dưỡng khối B của ĐH Thành Tây là 14... Nhiều trường khác ở khu vực phía Nam xét tuyển các ngành ĐTNL y tế ở với số điểm ngang bằng mức thấp nhất đầu vào ĐH.

Đồng tình với việc tạm dừng xem xét mở ngành Đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền, Dược học tại các trường không chuyên ngành y dược, PGS.TS Trương Việt Bình - Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyển Việt Nam cho biết: "Do khan hiếm nhân lực ngành y, nên các trường đào tạo không chuyên tuyển bừa bãi, chắc chắn chất lượng đào tạo kém".

Không thể thả lỏng

Cũng đồng tình với quyết định của 2 Bộ, PGS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, đào tạo bác sĩ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo về cơ sở thực hành, đội ngũ giảng viên, nhất là những môn học đặc thù cần phải đào tạo lâu dài thì mới có thầy giáo tốt. Chưa kể, cơ sở thực hành là các bệnh viện cũng phải đạt chuẩn để sau này các em ra trường ứng dụng. Với những yêu cầu khắt khe trong đào tạo, nếu các trường không chuyên không có thời gian chuẩn bị đầy đủ và có kinh nghiệm thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Do đó, cần phải có yêu cầu cao và chặt chẽ về mặt thẩm định. "Hai Bộ nên tập trung đầu tư vào các trường chuyên đào tạo ngành y để tăng cường năng lực cũng như quy mô, phạm vi là cách tốt nhất" - ông Tú đề xuất.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đào tạo ngành y đề nghị, bên cạnh tạm dừng xem xét mở các ngành đào tạo, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế phải thanh tra, giám sát thật kỹ những trường đã được mở ngành trong thời gian qua. Riêng về quy hoạch các trường đào tạo ngành y dược thì không nên bởi theo Luật Giáo dục ĐH, các trường ĐH đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được phép mở ngành. Hơn nữa, khi "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" sẽ là cách cạnh tranh lành mạnh trong ĐTNL. Về việc xem xét điều kiện cho từng trường mở ngành hay thanh tra giám sát hoạt động đào tạo, cần có sự tham gia của các cơ quan chức năng của 2 Bộ, thay vì mỗi Bộ GD&ĐT như hiện nay.

Hơn nữa, có ý kiến cho rằng, về nguyên tắc việc tạm dừng xem xét mở ngành là đúng, nhưng Bộ GD&ĐT nên thông báo thời gian cụ thể. Hai Bộ cần đưa ra tiêu chí thống nhất về điều kiện mở ngành, chứ không dễ dãi cho phép, rồi khi thấy không hợp lý lại "đóng cửa". Nói như đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội Bùi Thị An, cần linh động trong việc tạm dừng mở ngành, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến những nơi có điều kiện thật sự, nếu không sẽ lỡ hẳn một lứa tuyển sinh.

Theo KTĐT