Kỳ 1: Chính sách phục hưng kinh tế

27/05/2015 08:25

(Baonghean) - Ngày 26/5/2014, tại New Delhi, ông Narendra Modi nhận chức Thủ tướng Ấn Độ với sự có mặt của hơn 4000 quan khách, trong đó có 8 vị nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước (chủ yếu thuộc Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á - SAARC), đặc biệt sự có mặt của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.

Sau một năm làm Thủ tướng, ông Narendra Modi để lại dấu ấn khá đậm nét trong việc thực hiện chính sách đối nội, chính sách đối ngoại của “Người khổng lồ” Nam Á.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

1. Di sản của người tiền nhiệm

10 năm (2004 - 2014), dưới thời Liên minh Tiến bộ Thống nhất với hạt nhân là Đảng Quốc đại (UPA) đứng đầu là Thủ tướng Manmohan Singh, Ấn Độ đã đạt được những thành tựu khá ấn tượng cả trong đối nội và đối ngoại.

Về kinh tế, chỉ số tăng trưởng cao liên tục ở mức 7 - 7,6%/năm. Từ sau 2010, nhiều người dự báo Ấn Độ sẽ sớm đuổi kịp Nhật Bản và trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới trong khoảng 2020 - 2025.

Tuy nhiên, trong nửa sau nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng M.Singh (2012 - 2014), kinh tế Ấn Độ bắt đầu trì trệ với nhiều bất cập.

Từ 2012, kinh tế Ấn Độ giảm tốc, tài chính công gặp khó khăn, nguồn vốn đầu tư sụt giảm lớn. Bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nạn quan liêu, tham nhũng phổ biến làm nản lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Năm 2014, tập đoàn Tài chính Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Ấn Độ đứng thứ 134/189 về tính phức tạp trong các thủ tục kinh doanh, thứ 182/189 về khó khăn trong việc xin giấy phép xây dựng, 179/189 về việc xin giấy phép thành lập doanh nghiệp, 186/189 về thực hiện các hợp đồng.

Về đối ngoại, Thủ tướng M.Singh giữ được mối quan hệ cân bằng và ổn định với các nước, nhất là các cường quốc Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và với các nước láng giềng ở Nam Á. Song song với quan hệ truyền thống với Nga, xu hướng chủ đạo (không tuyên bố công khai) trong đối ngoại là ngả về phía Mỹ. “Thủ tướng Manmohan Singh được đánh giá là lãnh đạo Ấn Độ thân Mỹ nhất kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập cách đây 67 năm”. Tuy nhiên, mối quan hệ với Mỹ nhìn chung vẫn còn lấp lửng, e ngại và chưa có đột phá.

Đối với Trung Quốc, dưới thời Thủ tướng M.Singh nói riêng và trong suốt hơn nửa thế kỷ cầm quyền của Đảng Quốc Đại nói chung, Ấn Độ luôn ở thế phòng thủ, bị động đối phó các hành động của Bắc Kinh.

Điều đáng chú ý là trong suốt 10 năm làm Thủ tướng Ấn Độ, ông M.Singh chưa từng đến thăm các quốc gia láng giềng như Bangladesh, Sri Lanka, Bhutan, Maldives. Đặc biệt, ông không có lần thăm chính thức nào đến Pakistan - một nước lớn có vũ khí hạt nhân nặng ân oán với Ấn Độ trong lịch sử và đến nay vẫn còn nhiều hiềm khích trong quan hệ.

Ông M.K Bhadrakumar, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp từng giữ chức vụ Đại sứ Ấn Độ tại nhiều nước nhận xét “chính quyền Manmohan Singh “nhút nhát” và thiếu sáng tạo” trong đối ngoại. Tựu chung, điều có thể quan sát thấy là dưới thời Thủ tướng M.Singh (2004 - 2014), vai trò, vị trí của Ấn Độ bị suy giảm ở khu vực và trên trường quốc tế.

2. Phong cách Narendra Modi

Khác với tất cả các Thủ tướng Ấn Độ tiền nhiệm - đều xuất thân từ các gia đình quyền quý danh gia vọng tộc, Ông N.Modi xuất thân từ một gia đình bình dân. Là một người từng trải qua mọi tầng lớp của xã hội Ấn Độ, chiêm nghiệm nỗi thống khổ của những người nghèo và yếu thế, ông Modi hiểu sâu sắc rằng nghèo đói và ngu dốt là sự nhục nhã lớn nhất đối với một người, một cộng đồng và đối với cả dân tộc. Chính điều đó đã thôi thúc ông hành động và tìm mọi cách đưa dân tộc Ấn Độ thoát khỏi nghèo đói và ngu dốt, giành lại vinh quang cho dân tộc Ấn Độ - từng là một trung tâm văn minh của nhân loại. Trả lời phỏng vấn (5/2014), ông Modi khẳng định lý tưởng chính trị nói trên của mình: “Tôi có ước vọng sống vì dân tộc... Tôi đã học cách sống vì người khác, không phải cho bản thân mình”.

Đặc biệt, Thủ tướng Modi hết sức quan tâm đến tầng lớp thanh niên Ấn Độ. Là quốc gia trẻ nhất thế giới, trong 1 tỷ 270 triệu dân Ấn Độ, hơn 50% ở độ tuổi dưới 25 và 65% ở độ tuổi dưới 35. Hướng ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Thủ tướng Modi là tạo ra nhiều việc làm, giảm thất nghiệp, nhất là trong lao động trẻ. Đồng thời, phải nhanh chóng khôi phục tăng trưởng kinh tế, giảm lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.

Đưa ra các giải pháp quyết đoán, triệt để và đột phá là con đường mà ông Modi đã lựa chọn để theo đuổi tham vọng phục hưng Ấn Độ, bằng bàn tay sạch và sự táo bạo đã tạo thành “thương hiệu”, phong cách chính trị của ông.

3. Phát triển kinh tế và chống tham nhũng

Hai chính sách mang tính đột phá để phục hung kinh tế Ấn Độ của ông Modi là: 1. Khôi phục sự tăng trưởng kinh tế nhanh, bên vững và 2. Chống tham nhũng, quyết tâm xây dựng cơ quan nhà nước trong sạch, hoạt động hiệu quả vì dân.

Hai vấn đề này có quan hệ hữu cơ với nhau.

Ở Ấn Độ cũng như nhiều nước khác, tham nhũng, quan liêu là những vấn nạn “thâm căn cố đế” tồn tại và phát triển dai dẳng, bám rễ vào bộ máy cầm quyền. Những người tiền nhiệm đã tổ chức chống quan liêu, tham nhũng nhưng không có kết quả. Trong năm đầu trên cương vị Thủ tướng, ông N.Modi bắt đầu giải quyết nhiều vấn đề cơ bản: 1.Minh bạch công khai hoạt động của các cơ quan công quyền từ trung ương đến các bang và chính quyền cơ sở; 2.Tổ chức thi tuyển công chức công khai; 3.Giảm đầu mối trung gian; 4.Thải loại các công chức không hoàn thành công vụ và kém phẩm chất; 5.Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan; 6.Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo công chức; 7.Tổ chức lại hệ thống giám sát quyền lực đối với mọi quan chức, công chức.

Để đưa nền kinh tế ra khỏi trì trệ và bước vào một chu kỳ phát triển nhanh, bền vững, Thủ tướng Modi cũng đồng thời thực hiện hai chính sách: 1. Hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước; 2. Ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống đường sắt, đường bộ, sân bay, bến cảng.

Chính sách kinh tế mới của Thủ tướng Modi đã bắt đầu phát huy tác dụng. Khi các rào cản được gỡ bỏ, các điểm “ách tắc” được khai thông, nền kinh tế Ấn Độ bắt đầu chuyển mình, từng bước ra khỏi trì trệ.

(còn nữa)

Thiếu tướng Lê Văn Cương

(Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an)