Tại sao IS vẫn có thể đánh bại quân đội Iraq bất chấp sự giúp đỡ của Mỹ?

19/05/2015 11:17

(Baonghean.vn) - Các cuộc không kích của Mỹ không thể bù đắp những sự chia rẽ và mất lòng tin giữa cộng đồng người Shiite chiếm đa số và thiểu số người Sunni tại Iraq.

TIN LIÊN QUAN

Liên minh do Mỹ đứng đầu đã dồn dập tấn công các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo (IS) suốt cuối tuần qua gần thành phố Ramadi của Iraq nhưng điều đó không ngăn tổ chức này chiếm được thành phố.

Vào hôm Chủ nhật (18/5), các đoạn băng dường như cho thấy cảnh các binh lính Iraq bám vào các cạnh của các phương tiện đang rút nhanh khỏi Ramadi khi IS tiến vào. Lá cờ màu đen của IS hiện bay trên thủ phủ của Anbar, một trong những tỉnh lớn nhất Iraq.

Ramadi và tỉnh Anbar từng là chiến trường từ năm 2003 đến năm 2006 khi người Sunni bao gồm tổ chức al-Qaeda ở Iraq giao tranh với các lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Có dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng các lực lượng quốc gia của Iraq không sẵn sàng chiến đấu với IS bất chấp sự huấn luyện và ủng hộ của Mỹ; trong khi đó, người Sunni vẫn hầu như không có lòng tin vào chính phủ bị người Shiite chi phối tại Baghdad. Chính phủ nước này hiện đã kêu gọi các lực lượng dân quân người Shiite giúp đỡ chiếm lại Ramadi. Động thái này có thể làm xa lánh thêm người Sunni trong thành phố này, nếu lực lượng quân sự gây tổn hại cho người dân địa phương.

Các lực lượng an ninh Iraq đã rút khỏi Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar của Iraq, cách thủ đô Baghdad hơn 110 km về phía Tây hôm 17-5.
Các lực lượng an ninh Iraq đã rút khỏi Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar của Iraq, cách thủ đô Baghdad hơn 110 km về phía Tây hôm 17-5.

Suleiman al-Kubaisi, người phát ngôn Hội đồng tỉnh Anbar cho hay: “Chính quyền trung ương cần phải giải thích và chịu trách nhiệm về việc IS chiếm Ramadi vì họ đã không phản hồi các yêu cầu của chúng tôi. Họ đã không gửi quân tiếp viện – cũng không gửi đạn dược hay vũ khí”.

Sau khi các lực lượng Iraq, với sự hỗ trợ của hàng nghìn dân quân người Shiite phần lớn do Iran hậu thuẫn chiếm lại thành phố Tikrit từ tay IS hồi tháng 3, đó dường như là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống IS.

Kenneth M. Pollack, chuyên gia về các vấn đề chính trị-quân sự khu vực Trung Đông đồng thời là cựu chuyên gia phân tích của CIA cho biết: “IS vẫn là một lực lượng có uy lực”.

Pollack nhấn mạnh: “Tikrit không giống như Stalingrad. Chúng ta đều biết đây không phải một cuộc chiến mà có thể giành chiến thắng chỉ bằng sức mạnh không quân”. Ông cho rằng Mỹ cần đầu tư nhiều hơn vào các chiến dịch trên bộ tại Iraq.

Chìa khóa để đánh bại IS là khiến người Sunni của Iraq kề vai sát cánh chiến đấu cùng chính phủ, nhưng Baghdad vẫn chưa thuyết phục họ rằng họ đóng vai trò quan trọng. Pollack kiến nghị: “Chính phủ phải cho người Sunni thấy được rằng tương lai của Iraq – điều mà họ đang chiến đấu để đạt được – là điều đáng để người Sunni chiến đấu”.

Từ khi Thủ tướng Haidar al-Abadi lên nắm quyền từ tay Nuri al-Maliki hồi năm ngoái, ông đã hứa hẹn các cải cách đối với bộ phận dân cư người Sunni bị bất mãn, nhưng hầu như chưa có thay đổi gì. Alaa Makki, một cựu nghị sĩ người Sunni trong Quốc hội Iraq và là cố vấn cấp cao của chính phủ cho biết: “Chúng tôi đang chờ đợi, và khi chúng tôi chờ đợi, Ramadi đã thất thủ”.

Trong khi hàng triệu USD đã được rót vào các chiến dịch quân sự chống IS, hầu như không có khoản nào được đầu tư vào sự thay đổi chính trị mà có thể xóa bỏ cảm giác đóng vai thứ của người Sunni và có thể đoàn kết họ chống lại IS. Cựu nghị sĩ Makki phát biểu: “Nên có sự hòa giải thực sự giữa những người Iraq… dù chúng ta đưa vào lực lượng hay vũ khí nào cũng không có ý nghĩa gì nếu không có một thỏa thuận về mặt chính trị. Nếu họ tiếp tục như hiện nay, có khả năng là Baghdad sẽ bị thất thủ”.

Thu Giang

(Theo TIME/AP)