"Làng Chùa quê mẹ, làng Sen quê cha"…
(Baonghean) - Làng Sen, Hoàng Trù (Kim Liên, Nam Đàn) đã trở thành quê chung của đồng bào cả nước. Tháng Năm, bầu trời cao và trong xanh, đường về quê Bác rợp thắm cờ hoa chào đón những người con muôn phương hành hương về quê Bác, thành kính dâng lên Bác nén tâm nhang. Sau lũy tre xanh bình dị, dưới những ngôi nhà tranh mái lá nhuốm màu thời gian được bao quanh bởi rặng hàng rào râm bụt là những kỷ vật thân thương đã gắn với một thời niên thiếu của Bác… Đứng trước ngôi nhà đơn sơ, trước những kỷ vật bình dị đó, không khỏi dâng lên bao cảm xúc nghẹn ngào...
Mới hơn 8 giờ sáng, Khu di tích Kim Liên đã tràn ngập nắng vàng. Mồ hôi lấm tấm trên trán và đẫm lưng áo nhiều du khách. Dường như, cái nắng gắt gao vào hạ không ngăn nổi tâm trạng háo hức của dòng người đang hành hương về quê Bác. Từng đoàn người kiên nhẫn xếp hàng nghiêm trang nối nhau chờ đến lượt vào thăm ngôi nhà nơi Bác sinh ra. Ai cũng hồi hộp mong chờ được tận mắt ngắm nhìn những kỷ vật gắn bó với thời niên thiếu của Bác. Không gian yên bình với những rặng tre xanh ngát, những hàng cau thẳng tắp, hàng rào dâm bụt, duối, ô rô xanh mướt, được cắt tỉa cẩn thận đã phần nào làm dịu lòng những bước chân xa. Bước vào khung cảnh ấy, rời xa những ồn ào của phố thị, mỗi người như cảm thấy lòng mình lắng lại…
Về thăm quê nội Bác Hồ. Ảnh: Trần Hải |
Ông Trịnh Kim Dũng (Hội viên Hội Người Cao tuổi phường Lam Sơn - TP. Thanh Hóa) chia sẻ: “Đã sống quá nửa đời người, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có dịp về thăm quê Bác. Xúc động lắm khi được ngắm nhìn những kỷ vật, vật dụng sinh hoạt trong gia đình Người, giản dị, gần gũi và thân thương”. Còn với ông Lê Khánh Toàn (huyện Thường Tín - Hà Nội ), đây là lần thứ tư về thăm quê Bác sau 10 năm, cảm nhận rõ nhất với ông là cảnh quan, cơ sở hạ tầng của khu di tích được đầu tư xây dựng khang trang hơn, việc đi lại cũng thuận tiện hơn rất nhiều. “Tôi may mắn được về quê Bác nhiều lần. Chuyến đi nào cũng háo hức, bồi hồi khi được đứng bên ngôi nhà lá đơn sơ của Bác. Lần này tôi đưa cả 2 đứa cháu nội, ngoại đi cùng, tôi muốn các cháu biết về quê hương của Bác, để thấy Bác hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta, gần gũi và dung dị” - ông Toàn bày tỏ…
Trời Nam Đàn xanh cao vời vợi, hương sen ngan ngát tỏa thơm cả đồng quê. Vẫn những hình ảnh quen thuộc như Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Bác), giếng Cốc, lò rèn cố Điền, nhà cụ cử nhân Vương Thúc Quý (thầy dạy học khai tâm của Bác), nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh… Ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nằm nép mình bình yên dưới tán cây mít cổ thụ và hàng cau xanh mát. Bước qua bậc cửa gỗ có che vách liếp, trong nhà vẫn còn nguyên những kỷ vật gắn bó với gia đình Bác: hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ Phó bảng và hai con trai; chiếc giường là của bà Thanh, con gái cụ, chiếc rương đựng lương thực, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen, chạn bát...
Dù đã nhuốm màu thời gian nhưng hình bóng của Người như vẫn lưu lại nơi đây. Một học sinh tiểu học người Mông từ xã Pác Cò, huyện Mai Châu - tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Chúng em mới chỉ biết về Bác Hồ qua những bài học, hình ảnh trên phim. Sau chuyến đi tham quan quê Bác em sẽ kể câu chuyện được nghe, những hình ảnh được thấy trong chuyến đi này cho các bạn cùng lớp hiểu hơn về Bác Hồ kính yêu. Em quyết tâm học thật giỏi xứng đáng với công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu và để năm sau lại được về báo công với Bác”.
Đoàn khách đến từ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái nghe thuyết minh về quê ngoại Bác Hồ. Ảnh: Mỹ Hà |
Tham quan Khu di tích Kim Liên trong dịp Sinh nhật Bác năm nay, có những cụ già râu tóc bạc phơ phải chống gậy bước đi, những cựu chiến binh trên ngực lấp lánh huy chương, những đoàn viên thanh niên mặc áo xanh tình nguyện, những em nhỏ quàng khăn đỏ thắm trên vai… Họ đến từ mọi vùng, miền của Tổ quốc, nhưng cùng chung một tâm trạng xúc động, bồi hồi. Không ít người trong các đoàn du khách đã bồi hồi xúc động khi nghe chị thuyết minh viên kể về những năm tháng tuổi ấu thơ của Bác Hồ bằng giọng Nghệ chân chất, thấm đẫm tình người. Và cũng không thiếu hình ảnh của những vị khách nước ngoài khi đến viếng nơi đây bày tỏ sự ngỡ ngàng và khâm phục một nhân tài kiệt xuất được sinh ra và lớn lên tại làng quê rất đỗi bình dị và mộc mạc như thế.
Ngoài giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh, trong cuộc hành trình tìm về mảnh đất xứ Nghệ còn đọng lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách thập phương bởi lòng nhiệt tình, nồng hậu của những người dân địa phương. Sự mộc mạc, bình dị đó cũng chính là nét đặc trưng không thể lẫn vào bất cứ nơi đâu. Một du khách người Lào chia sẻ bằng tiếng Việt: “Bác Hồ luôn gần gũi với nhân dân các bộ tộc Lào. Ngôi nhà lá đơn sơ, những hiện vật của một nếp sống bình dị gắn với những câu chuyện đầy cảm động về tuổi ấu thơ của vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại đã trở thành huyền thoại, giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về một dân tộc Việt Nam anh hùng”…
Anh Nguyễn Bảo Tuấn, Phó Ban Quản lý Khu di tích Kim Liên, cho biết: Tính từ đầu năm đến ngày 10/5/2015, Khu Di tích Kim Liên đã đón 13.395 đoàn, 429.048 lượt khách tới tham quan; trong đó có 304 đoàn khách quốc tế, với 2.377 lượt người đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Xác định số lượng du khách về với Kim Liên sẽ tăng đột biến trong tháng 5 nên lãnh đạo Ban quản lý khu di tích đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể, chi tiết, phân công và huy động tất cả các phòng, ban đều thực hiện việc phục vụ đón khách về tham quan dự Lễ hội Làng Sen. Vinh dự và tự hào được phụng sự, làm việc trên quê hương Bác và nhận rõ trách nhiệm của mình. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa, nhất là trong công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích, tổ chức đón tiếp khách, phục vụ khách tốt hơn. Đáp ứng tình cảm đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè thế giới hành hương về tham quan quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Dẫu đã qua cả thế kỷ, vạn vật đổi thay nhưng những hình ảnh xưa cũ của làng Sen quê cha, Hoàng Trù quê mẹ gắn liền với thời thơ ấu của Bác vẫn được lưu giữ cẩn thận, phục vụ du khách muôn nơi. Về quê Bác như tìm về quê chung của tất cả con cháu khắp nơi trên dải đất hình chữ S này. Để đi giữa hương sen bát ngát, đôi bờ tre rì rào trong gió, hoa cau, hoa bưởi còn thơm nồng và giữa ân tình những người dân xứ Nghệ, cảm nhận đâu đây vẫn còn hơi ấm của Người. Bác Hồ vẫn sống mãi với quê hương, đất nước…
Ngọc Anh