"Cây đại thụ" ở bản Còi
(Baonghean) - Với đồng bào dân tộc Thái ở bản Còi, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp, già làng Hủn Vi Cần thực sự là “cây đại thụ” của bản làng. Dẫu đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng già vẫn cống hiến không mệt mỏi cho việc bản, việc làng, xây dựng bản Còi trở thành điểm sáng văn hóa của xã Châu Đình và cả huyện Quỳ Hợp.
Già làng Hủn Vi Cần (ngoài cùng, bên phải) trao đổi với cán bộ bản Còi. |
Đón tôi trong ngôi nhà lọt thỏm giữa một khuôn viên sum suê cây trái, ao cá, già Cần khiêm tốn: “Suốt cuộc đời cống hiến cho Đảng, cho nhân dân nên cứ thấy việc có ích thì làm thôi, chứ có chi to tát mô”. Ấy nhưng, những tấm bằng khen treo san sát nổi bật trong gian phòng khách chính là minh chứng cho những đóng góp không mệt mỏi của già. Nhấp ngụm nước chè, già kể: “Tôi sinh năm 1936 ở bản Còi này. Ngày xưa, gia đình khó khăn lắm, nhưng bố tôi và một số người trong họ vẫn góp gạo mời thầy về ở trong nhà dạy học nên biết được chữ Quốc ngữ.
Vì vậy, năm 16 tuổi, tôi đã đi dạy bình dân học vụ và được Nhà nước cử đi học sư phạm, sau đó tiếp tục về làm thanh niên xung phong đi “diệt dốt” ở huyện Quỳ Châu cũ”. Năm 1963, khi thành lập huyện Quỳ Hợp, người đảng viên trẻ ấy chuyển về công tác tại một số cơ quan của Huyện ủy Quỳ Hợp, rồi có thời điểm về nhận công tác ở Đoàn văn công Nghệ An vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông lại xin chuyển về công tác tại huyện Quỳ Hợp cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1984. Tuy nhiên, phát huy tính tiên phong gương mẫu của một cán bộ, đảng viên, già tiếp tục đảm nhận vị trí Chủ nhiệm Hợp tác xã của xã Châu Đình, rồi làm bí thư chi bộ, trưởng bản Còi cho đến năm 2010.
Với tâm niệm “còn sức, còn làm việc, còn cống hiến”, già tập trung phát triển kinh tế gia đình. Trên 6 ha đất sản xuất, già trồng 4 ha keo, đào ao thả cá; xây bể nuôi cá trê phi, cá chạch; nuôi bò, dê. Thu nhập từ kinh tế trang trại không chỉ giúp gia đình có cuộc sống ổn định, sung túc hơn mà quan trọng nhất là “để bà con nhìn mô hình của gia đình còn học tập, làm theo, góp phần xóa đói giảm nghèo”, già Cần trải lòng. Không dừng lại ở đó, già còn vận động xóm bản ủng hộ công sức, góp thêm vật liệu xóa nhà tạm bợ cho những hộ nghèo trong bản. Đặc biệt, trước thực tế cuộc sống của nhân dân còn giữ nhiều hủ tục lạc hậu, già vận động bà con không tổ chức hiếu, hỷ dài ngày, không thách cưới nặng nề.
Với sự kiên trì, mưa dầm thấm lâu, cuối cùng nhân dân bản Còi cũng đã thông tư tưởng, dần xóa bỏ những tập tục nặng nề, tốn kém và lãng phí đó. Dẫu là đàn ông, nhưng cứ có cuộc họp nào của chi hội phụ nữ là “ông Cần” - cách bà con trìu mến gọi già - lại góp mặt, “đăng đàn” phân tích rõ ràng, rành mạch lợi ích của việc không sinh con thứ 3. Với uy tín của mình, cùng lối truyền đạt gần gũi, chân tình, chị em trong bản dần thấm nhuần nên nhiều năm liền bản Còi không có người sinh con thứ 3. Già cùng ban cán sự bản thành lập các tổ liên gia trong bản, liên bản, đề ra nội dung hoạt động rõ ràng và được nhân dân đồng thuận phối hợp để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, kết nối các hoạt động văn hóa, thể thao xây dựng mối quan hệ xóm giềng đoàn kết.
Thế nhưng, chuyện bản, chuyện làng không đơn thuần chỉ có vậy, già còn nghĩ xa hơn là tạo dựng tương lai cho con em, đó là việc học. Trong các buổi họp bản, già đều vận động các gia đình động viên con em đến trường. Nhà nào có con có dấu hiệu bỏ học, già đều tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân để có cách vận động cụ thể. Vì vậy, bản Còi dù vẫn còn khó khăn nhưng ngày càng có nhiều em thi đậu vào các trường đại học trên cả nước.
Với những nỗ lực không mệt mỏi của mình, người đảng viên hơn 55 tuổi đảng Hủn Vi Cần vinh dự nhận được nhiều bằng khen của các cấp, là điển hình trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của huyện Quỳ Hợp, cũng như tấm lòng tri ân, cảm phục của người dân.
Thành Duy