Mở lòng "nhân" đúng chỗ

28/12/2014 08:45

(Baonghean) - Khi nói về những thân phận cơ nhỡ, nghèo khổ phải ngửa tay nhận của bố thí từ người dưng, nước lã, hẳn ai cũng biết câu ca “Ăn mày là ai?/ Ăn mày là ta/Đói cơm, rách áo thành ra ăn mày”.

Câu ca này, một mặt, kêu gọi sự cảm thông với những thân phận không may đó bằng cách gợi nhắc cho mọi người nhớ là ai cũng có thể trở thành ăn mày, một khi không may lâm vào đường cùng. Bởi thế, cần phải cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ họ. Vì biết đâu, có một ngày, không may... chúng ta rất cần đến những sự giúp đỡ như thế. Một mặt khác, câu ca cũng nhằm khẳng định ăn mày phải là những người “đói cơm, rách áo” thật sự chứ không phải giả vờ. Sự đói rách đó, có thể là do bệnh tật hoặc do già yếu hoàn toàn không còn đủ sức lực, khả năng lao động kiếm miếng ăn và không có chỗ dựa nào cả. Chứ không phải như hiện tại, lắm kẻ không già yếu, bệnh tật hiểm nghèo gì mà ngược lại trẻ trung, khỏe mạnh nhưng lười lao động cũng đi ăn mày. Thậm chí còn thành lập cả một đường dây biến ăn mày thành một nghề kiếm sống với các mánh lới tinh vi và tàn nhẫn để moi tiền của thiên hạ. Sở dĩ phải bàn đến chuyện này vì mấy ngày nay, dân tình đang bàn tán xôn xao về chuyện các thành phố lớn, có nơi đã thực hiện có nơi đã ban hành lệnh thu gom người lang thang vào các trung tâm xã hội, cấm ăn mày hoạt động trên địa bàn và vận động người dân không cho tiền ăn mày. Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, viết bài theo chiều hướng ủng hộ và kêu gọi cộng đồng hưởng ứng. Lý lẽ được đưa ra, đại khái cho tiền là tạo điều kiện, là khuyến khích người ăn mày lang thang, là cơ hội để cho những kẻ “siêng ăn, biếng làm” lợi dụng, lừa đảo lòng hảo tâm của người đời. Nếu muốn làm từ thiện hãy đến những địa chỉ từ thiện, các trung tâm xã hội... Nhưng cũng có người phản ứng cho rằng làm như vậy là “kêu gọi đóng cửa lòng từ tâm”, là “đóng cửa trái tim”...

Không, không phải thế, không có chuyện đóng cửa trái tim như ai đó vì quá xúc động mà lầm tưởng. Bởi lẽ, lòng “nhân” cũng phải được đặt đúng chỗ. Phải vừa giúp đỡ, vừa che chở được những thân phận kém may mắn. Lại vừa phải nhân lên cái đẹp và dẹp được cái xấu. Cho tiền ăn xin một cách tràn lan, đầy cảm tính thì sẽ khuyến khích người ta đi ăn xin nhiều hơn, và kẻ lợi dụng cũng sẽ đông hơn lên. Phố phường sẽ trở nên nhếch nhác hơn và xã hội trở nên không mấy đẹp đẽ. Tốt hơn hết là gom những thân phận không may mắn đó vào một chỗ rồi chăm sóc, nuôi nấng họ chu đáo. Những người hảo tâm nên đến các nơi đó mà thể hiện lòng “nhân”. Làm thế, không phải là đóng cửa trái tim mà là mở lòng “nhân” đúng cách, đúng chỗ.

Tri Kỷ