Báo động về tình trạng lưu vong trên thế giới

08/05/2015 08:02

(Baonghean) - Mới đây, một tổ chức phi chính phủ vừa công bố một bản báo cáo trong đó đưa ra lời cảnh báo về tình trạng người lưu vong trên toàn thế giới. Đặc biệt là tại châu Âu, cuộc xung đột ở miền đông Ukraina đã khiến số lượng người di cư tăng gấp nhiều lần trong vòng một thập kỷ qua.

Hội đồng Na Uy về người tị nạn (NCR) vừa gióng lên một hồi chuông báo động về tình trạng người lưu vong không ngừng tăng lên trên toàn thế giới. Theo công bố mà NCR đưa ra, hiện có khoảng 38 triệu người lưu vong trên toàn cầu. Con số này là chưa tính đến 16 triệu người tị nạn vượt biên sang các đất nước láng giềng để tránh các cuộc xung đột. NCR ước tính, trong năm 2014, có 30.000 người phải rời bỏ nhà cửa mỗi ngày và hậu quả là tạo ra 11.000 người lưu vong mới.

Một gia đình người Ukraina lưu vong.Ảnh: AP
Một gia đình người Ukraina lưu vong. Ảnh: AP

NCR đánh giá, con số trên đã tăng 1,4% so với năm 2013. Theo ông Jan Egeland - Tổng Thư ký của NCR thì đây là một con số cực kỳ tồi tệ đối với những người buộc phải di dời và điều này một lần nữa chứng minh rằng chúng ta hoàn toàn thất bại trong việc bảo vệ những người dân vô tội.

Ông Jan Egeland cho biết, 2 khu vực chính trên thế giới thường xảy ra hiện tượng trên là khu vực Trung Đông, Bắc Phi và một phần khu vực sa mạc Sahara của châu Phi. Tổ chức NCR thống kê có khoảng 60% người lưu vong sống trong tại 5 quốc gia gồm: Iraq, Nam Sudan, Syria, Cộng hòa Congo và Nigeria.

Riêng tại Nigeria, kể từ năm 2009, những hoạt động của nhóm khủng bố Boko Haram đã buộc 1,5 triệu người phải đi lưu vong. Tuy nhiên, người dân Iraq vẫn là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi có đến 2,2 triệu người phải đi lưu vong khỏi những khu vực bị các chiến binh thánh chiến của IS chiếm đóng. Tính đến ngày 31/12/2014, hầu hết người dân Syria cũng buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình. 40% dân số Syria, tương đương với 7,6 triệu người đã phải đi tìm những nơi ẩn náu khác trong đất nước.

Trung Đông không phải là khu vực duy nhất phải đối mặt với tình trạng này. Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraina cũng gây ra những thay đổi đáng kể tại khu vực. Ông Jan Egeland nhấn mạnh “Lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ qua, châu Âu phải đối mặt với một lượng lớn những người lưu vong”. Được biết, cuộc xung đột ở Ukraina đã buộc 646.500 người phải rời bỏ nhà cửa trong năm 2014 và con số này đã tăng gấp đôi lên 1,2 triệu người vào năm 2015.

Những con số trên quả là một kỷ lục đáng báo động về tình trạng lưu vong trên thế giới. Mới đây nhất, trận động đất kinh hoàng tại Nepal chắc chắn sẽ góp phần làm gia tăng con số kỷ lục về người lưu vong nói trên. Trong khi đó, vào tháng 3 vừa qua, Liên Hợp quốc đã đe dọa sẽ giảm hoặc ngừng việc hỗ trợ đối với những người lưu vong và người tị nạn ở Syria nếu như các khoảng tiền tài trợ từ các nước không được cung cấp đúng hạn.

Chu Thanh

(Theo Le Figaro)