Khi người nông dân "đi trước thời cuộc"

24/05/2015 16:34

(Baonghean) - Đất Phủ Diễn từ xưa (Diễn Châu nay) là nơi sầm uất bởi những hoạt động giao thương, là đầu mối của các vùng. Người Phủ Diễn từ xưa cũng đã nổi tiếng năng động. Điều đó, đến ngày nay càng được phát huy trong làm ăn, trong tài xoay trở trước cơ chế thị trường. Chúng tôi về Diễn Châu và chứng kiến nhiều điều đáng để suy ngẫm.

TIN LIÊN QUAN

Chịu khó, không chịu khổ

Đến khối Bắc Hồng và Nam Hồng (xã Diễn Hồng), nói về tài kinh doanh ai cũng nhắc đến gia đình anh Chu Hùng. Anh Chu Hùng là chủ cơ sở vừa nấu thép phôi, vừa cán thép ra sản phẩm vật liệu xây dựng. Người dân quen gọi gia đình anh Chu Hùng là “tỷ phú sắt vụn” bởi trước đây anh làm nghề thu gom phế liệu bình thường. Khi nhận thấy nguồn phế liệu lớn, nếu chỉ nhập và bán phế liệu ít lợi nhuận hơn tái chế, gia đình Chu Hùng đi học nghề luyện thép ở Thái Nguyên, đồng thời thuê công nhân Thái Nguyên về làm công nhân kỹ thuật. Từ đó, gia đình Chu Hùng “phất” lên làm nghề nấu thép và nhập thép phôi cho chính Thái Nguyên, và cán ra sản phẩm để nhập trở lại thị trường Lào.

Ông Hồ Viết Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Hồng cho biết ở xã này còn nhiều nông dân “tỷ phú phế liệu” khác như Nguyễn Hùng, Nguyễn Sơn, Trịnh Văn Báu... Không chỉ có nghề tái chế sắt vụn, mà còn có khoảng 20 hộ làm nghề tái chế phế liệu nhựa, phế liệu giấy, tái chế ra thành hạt nhựa, thành bao bì, thành các sản phẩm nhựa, hộp bìa các-tông khác để nhập sang Trung Quốc, Lào. Từ những hộ dân doanh ăn nên làm ra, ở Diễn Hồng dần hình thành đầu mối sản xuất và thu mua nguyên, vật liệu, phế liệu, dần hình thành Cụm công nghiệp Diễn Hồng do các hộ “nông dân chính hiệu” thực hiện sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Hàng quán của các hộ dân ở xóm 6, xã Diễn Thành (Diễn Châu).Ảnh: Đ.D
Hàng quán của các hộ dân ở xóm 6, xã Diễn Thành (Diễn Châu). Ảnh: Đ.D

Nếu ở Diễn Hồng chúng tôi bắt gặp những nông dân “tỷ phú phế liệu”, nông dân làm chủ các cơ sở “công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp”, thì đến xã Diễn Tháp lại gặp “phố trong làng”. Từ xa, xã Diễn Tháp hiện ra với sừng sừng những dãy nhà cao tầng, nhiều biệt thự đồ sộ. Hộ anh Nguyễn Văn Thanh ở xóm 2, Diễn Tháp trước đây là một hộ nông dân khó khăn. Từ năm 2005, anh Nguyễn Văn Thanh theo phong trào sang Lào tìm kiếm việc làm. Bắt đầu từ việc buôn bán những mặt hàng nhỏ lẻ tại các làng bản ở Lào, nhận thấy đây là “miền đất hứa”, anh Thanh mở rộng việc thu gom các mặt hàng như chăn ga, gối nệm, các mặt hàng vật liệu xây dựng. Ban đầu hàng hóa còn ký gửi xe tải, xe khách, khi nhận thấy lượng hàng hóa lưu thông ở Lào thuận tiện, anh Thanh lần lượt sắm xe tải để kết nối với các cơ sở thu gom hàng ở Diễn Tháp đưa hàng sang Lào. Đến nay, anh Thanh trở thành một hộ kinh tế khá giả ở xóm 2,ngoài hệ thống phương tiện và vốn lưu động, anh vừa xây dựng công trình nhà ở 12 tỷ đồng, mua một xe du lịch hàng sang với giá 5 tỷ đồng.

Ông Đậu Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Tháp cho biết trước 2005 xã Diễn Tháp là xã nằm trong tốp cuối của huyện Diễn Châu về kinh tế, đến nay đã trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2010 - 2015 đạt 16% năm. Dân số toàn xã có 6.500 người thì hiện có 1.360 lao động làm ăn ở Lào. Trong xã có nhiều hộ dân vươn lên làm dịch vụ thương mại giỏi như hộ ông Nguyễn Công ở xóm 2, Nguyễn Sâm ở xóm 3, Phạm Phượng ở xóm 6, Nguyễn Hùng xóm 4, Phạm Thảo xóm 3, Võ Út xóm 8... Từ những hộ nông dân buôn bán sang Lào, đến nay Diễn Tháp đã có 12 công ty vừa xây dựng, vừa sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, toàn xã có 5 cơ sở chuyên sản xuất thép gai để cung ứng tiêu thụ ở thị trường Lào.

Tại khu du lịch bãi biễn xã Diễn Thành, anh Cao Bá Phong ở xóm 6 tự nhận là một “nông dân làm du lịch”. Hải sản ở Diễn Thành tươi ngon, dễ mua, giá cả rẻ hơn các nơi khác, ban đầu quán của anh chỉ phục vụ khách trong huyện và một số huyện miền núi xuống tắm biển. Từ năm 2010, khách du lịch ở các tỉnh phía Bắc, nhất là Hà Nội, đến với Diễn Thành ngày càng nhiều, gia đình anh Phong lần lượt mở rộng cơ sở nhà hàng ăn uống bằng cách thuê cùng lúc 4 lô đất liền kề, nâng cấp quán ăn thành nhà hàng Phong Ngữ. Nhà hàng Phong Ngữ không chỉ có 50 bộ bàn ghế ngồi ngoài trời mà có phòng lạnh phục vụ cùng lúc được gần 20 mâm khách. Anh Phong kể không chỉ ngày lễ mà ngày thường nhà hàng anh lúc nào cũng nhiều khách nhất. Hiện nhà hàng Phong Ngữ đang làm giấy tờ xin đổ bằng hai tầng để tăng diện tích phục vụ.

Đem chuyện tai nghe mắt thấy về những người nông dân giỏi giang năng động trao đổi với ông Đậu Ngọc Long, Phó Phòng Công Thương huyện Diễn Châu, ông Long chia sẻ: Sự năng động táo bạo và tài tính toán khiến người nông dân Diễn Châu quay trở rất nhanh. Nhiều lúc họ đi trước thời cuộc, đi trước cơ chế, cơ chế phải chạy theo họ”...

“Đi” cho phù hợp...

Ở Diễn Tháp, nếu hỏi chuyện kinh nghiệm làm ăn, câu trả lời luôn có phần lấp lửng, chủ yếu là: “Cái gì có lời, không để bị bắt là làm thôi chú ơi!”. Gần như tất cả các “ông chủ” nông dân chẳng mặn mà gì khi trò chuyện với nhà báo về những “ngón nghề” làm ăn. Anh Đậu Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Tháp lý giải rằng họ ít khi chia sẻ thông tin, một phần vì đó là “bí quyết”, trong kinh doanh “thông tin” là “nguồn lợi”, một phần có thể có “thông tin nhạy cảm”. Ngay cả việc nguồn gốc, giá cả, chất lượng hàng hóa, nếu không phải là người có chức trách thì khó mà biết được. Việc tuyên truyền, vận động nâng cao về nhận thức để thực hiện việc đảm bảo nguồn gốc, chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường đang là một thách thức, khó khăn.

Một góc xã Diễn Tháp - ảnh Thanh Hải
Một góc xã Diễn Tháp - Ảnh Thanh Hải

Tại xã Diễn Hồng, khi trao đổi với tình trạng một số cơ sở tái chế phế liệu sắt, nhựa, giấy gây ô nhiễm môi trường như báo chí từng lên tiếng, ông Hồ Viết Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho rằng cần nhìn cả hai phía. Phía các hộ dân gây ô nhiễm là vi phạm, cần phải xử lý nghiêm và trên thực tế đã có những biện pháp mạnh như cơ sở nấu thép của hộ Chu Hùng ở khối Bắc Hồng đã phải chuyển đi nơi khác. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng có những lúc công tác dự báo, nắm bắt thông tin chưa tốt, chưa theo kịp với sự năng động nhạy bén của người dân nên chưa có sự giám sát, vào cuộc, hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời. Về những dư luận đồn thổi, đàm tiếu về tài “dựng” và làm hàng “giả” ở Diễn Hồng, ông Cường cho rằng nói thế là “oan cho Diễn Hồng”, vì Diễn Hồng chỉ là đầu mối giao thương. Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng khó tránh khỏi sự xâm nhập, lưu thông của hàng lậu hàng giả, hàng kém chất lượng.

Với anh Cao Bá Phong ở xóm 6, Diễn Thành, điều anh quan tâm là khu du lịch bãi biển Xuân Thành, các hộ dân doanh tổ chức nhà hàng, cửa hàng nhiều, nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Quy hoạch xây dựng còn chậm và khâu quản lý còn hạn chế, chưa kích thích được sự phát triển có quy mô và lâu dài. Ở Diễn Thành các hộ dân doanh chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ, manh mún. Thậm chí, còn để tạo ra dư luận chưa tốt về một số hàng quán kinh doanh thiếu lành mạnh. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc mở rộng, phát triển các cơ sở kinh doanh cũng như tạo ra thiện cảm không tốt, ảnh hưởng đối với việc lựa chọn điểm đến cho kỳ nghỉ ở Diễn Thành.

Từ một số câu chuyện tai nghe mắt thấy, chúng tôi cho rằng đi trước cơ chế, hay đi trước thời cuộc, đó là một cách nói để diễn tả sự năng động của một bộ phận người nông dân Diễn Châu, và rõ ràng đó là tiềm năng, là thế mạnh vô cùng quan trọng của địa phương. Tuy nhiên, để phát huy tốt tiềm năng về nguồn lực con người nói trên, còn cần nhiều cơ chế, chính sách đủ nhanh và mạnh để vừa quản lý, vừa khuyến khích và giải phóng tính năng động, tài kinh doanh và xoay xở một cách phù hợp. Có như vậy mới tạo ra sự phát triển nhanh mà vẫn bền vững, năng động nhưng vẫn tuân thủ nghiêm túc pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Đức Dương