Ước nguyện cuối đời

09/05/2015 10:59

(Baonghean) - Năm nay tôi bước sang tuổi 85, cái tuổi mà người đời vẫn thường gọi là “thượng thọ”. Đôi chân không còn đủ độ dẻo dai để cuốc bộ ra chợ bán rau, bán trứng; đôi tay cũng không cầm nổi cái cuốc để vun luống khoai hay dọn dẹp nương vườn. Đêm nằm, xương khớp đau nhức, toàn thân tê buốt, giấc ngủ không lúc nào được trọn vẹn. Những khi chợp mắt tý chút, những hình ảnh của hơn 60 năm trước lại hiện về, lúc chập chờn như sương khói, lúc lại rõ mồn một như ban ngày. Ở đó, hình bóng người chồng thân thương cứ ẩn hiện khiến trái tim già nua lại càng thêm buốt đau, khắc khoải...

Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê ven biển Diễn Châu, ông ấy hơn tôi 3 tuổi, ngày trước cùng tham gia hoạt động Đội thiếu niên và Đoàn thanh niên sôi nổi, có khi lại cùng vào Đội văn nghệ tuyên truyền cách mạng. Ban ngày, con trai ra biển đánh cá, con gái chăm bón ruộng đồng, đêm về tập trung luyện tập, họp hành và bàn công việc. Cùng sinh ra trong hoàn cảnh nghèo, cùng tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể nên tôi và ông ấy cảm mến nhau lúc nào không hay, nhưng không dám nói ra, chỉ biết thương thầm, nhớ trộm. Rồi lần lượt mọi người cũng biết, hai bên gia đình và bạn bè cùng ra sức vun vén chuyện tình cảm.

Minh họa: Hữu Tuấn
Minh họa: Hữu Tuấn

Đám cưới của chúng tôi diễn ra vào một ngày mùa Xuân năm 1952, chỉ có chè xanh, cơi trầu và một ít bánh trái đãi khách nhưng hôn trường vẫn chật ních người đến chúc phúc. Sau đám cưới, tôi bắt đầu cuộc sống với phận sự của một người vợ hiền, dâu thảo, đỡ đần công việc cho bố mẹ chồng và chăm lo cơm nước để chồng đi biển. Cuộc sống tuy khó khăn, vất vả nhưng tôi vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được chồng quan tâm và được bố mẹ chồng yêu thương hết mực. Gia đình nhà chồng mong ước tôi sớm sinh con, để trong nhà có tiếng khóc con trẻ, để bố mẹ chồng được vui vầy lúc tuổi già.

Sau khi cưới chừng 6-7 tháng, chồng tôi nhận được thông báo đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự và trúng tuyển. Lúc bấy giờ, cuộc kháng chiến chống Pháp ddđi vào giai đoạn quyết liệt, quân ta chủ động tiến công khắp các chiến trường. Còn kẻ địch cũng ra sức phòng thủ mong vớt vát chút danh dự. Thanh niên trai trẻ đều hăng hái tòng quân nhập ngũ, phụ nữ, người trung niên và người chưa đủ tuổi nhập ngũ thì đăng ký gia nhập thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Cả một vùng quê ven biển rộn ràng không khí ra trận, nào gồng gánh, xe thồ và cuốc xẻng, nào tiếng búa, tiếng đe vang lên giòn giã từ các lò rèn... Ra đường, câu chuyện đầu tiên mọi người kháo nhau là tiến ra miền Tây Bắc đánh đuổi giặc Pháp, giành lại cuộc sống yên bình tự do cho đất nước.

Trước ngày tòng quân, gia đình làm bữa cơm tiễn chồng tôi lên đường, bữa ấy có cơm trắng và cá biển, người làng đến chào tạm biệt rất đông. Đêm khuya, mọi người về hết, bố mẹ đã đi ngủ, chỉ còn tiếng sóng biển rì rào, vợ chồng tôi mới có dịp trò chuyện riêng tư. Ông ấy bảo rằng chắc chiến tranh đã sắp sửa kết thúc, quân Pháp sẽ thua và rút khỏi nước ta. Khi đó, sẽ trở về, tiếp tục đi biển, rồi đẻ một đàn con có cả trai, cả gái. Và ông sẽ làm một căn nhà mới, rộng và chắc chắn hơn, để khỏi phải lo âu mỗi khi mưa gió bão bùng. Đêm đó, thời gian trôi thật nhanh. Tảng sáng, gà gáy râm ran khắp làng, khoác chiếc ba lô lên vai, ông ấy chào từ biệt bố mẹ già, rồi trở ra nắm lấy tay vợ, nhìn tôi thật lâu như thầm hẹn ngày về. Đã hơn 60 năm rồi, đôi mắt ấy, ánh nhìn ấy không hề phôi pha, nó đọng lại trong tâm tưởng và khắc sâu vào trái tim tôi, trở thành động lực giúp tôi đứng vững giữa những sóng gió cuộc đời. Tiễn chồng lên đường, khóe mắt chợt cay cay, rồi ướt nhòa nhìn dáng chồng khuất dần sau lũy tre đầu xóm.

Chồng ra chiến trường, tôi ở nhà tiếp tục với công việc ruộng đồng, chăm sóc bố mẹ và ngóng chờ tin tức. Mấy tháng sau, nhận được thư, đó là bức thư đầu tiên và cũng là cuối cùng ông ấy gửi về cho gia đình. Trong thư, ông kể về cuộc hành quân từ quê hương Diễn Châu qua vùng đất Thanh Hóa, Hòa Bình lên chiến trường Tây Bắc. Cuộc chiến đang diễn ra ác liệt, bộ đội ta khó khăn, thiếu thốn đủ đường nhưng ai cũng quyết tâm đánh đuổi giặc, bảo vệ quê hương, đất nước. Chồng tôi dặn dò bố mẹ giữ gìn sức khỏe, mùa lạnh đừng ra đồng nhiều dễ bị ốm. Và dặn tôi cố gắng quan tâm nhiều đến bố mẹ, chăm lo việc đồng áng và đợi chồng về, vì ngày chiến thắng sẽ không còn xa nữa. Đọc thư xong, tôi càng vững dạ, làm việc không biết mệt, trong lòng phơi phới niềm tin.

Mùa Thu năm 1953, nghĩa là không đầy một năm nữa sẽ đến trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ, gia đình đau đớn nhận được tin chồng tôi đã hy sinh ở chiến trường Tây Bắc. Khi ấy, tôi đang làm cỏ lúa ngoài đồng. Tôi không tin vào tai mình khi nghe người ta báo cái tin sét đánh ấy. Để rồi, khi tự cấu vào tay mình, tôi biết tôi chẳng hề nằm mơ. Lúc đó, tôi gục xuống bên bờ ruộng. Trời đất như quay cuồng, xung quanh như có tiếng bom rơi, đạn nổ. Những ngày sau đó, tôi không còn thiết ăn, cũng chẳng thiết ngủ, vào ra như một chiếc bóng.

Nhưng một sáng kia, khi tôi thấy mặt trời bắt đầu rạng lên tia nắng đầu ngày, trong căn nhà ảm đạm của tôi, bố mẹ chồng cũng gần như không còn chút sức lực nào, tôi bỗng giục mình đứng dậy. Không thể là ai khác, tôi phải làm chỗ dựa cho hai tấm thân già. Vậy là tôi lại trở về với công việc thường ngày, như khi chồng còn ở nhà và khi chưa biết tin chồng hy sinh. Mỗi khi nỗi đau thương, mất mát dâng trào, tôi tự dặn mình phải kìm nén lại, vì công việc còn rất đỗi bộn bề. Chỉ có những đêm trường buốt lạnh, tôi lại thầm mơ: giá mà ngày ấy, chúng tôi kịp có một đứa con!

Năm tháng qua đi, bố mẹ chồng ngày càng già yếu, công việc mưu sinh và chăm sóc ông bà càng thêm vất vả, có những lúc tôi có cảm giác như mình không còn đủ thời gian và sức lực để lo nghĩ. Thương con dâu phải gánh chịu số phận thiệt thòi, bố mẹ luôn động viên tôi đi bước nữa, vì đằng nào chồng tôi cũng không trở về. Cũng có những người con trai ở làng gần, làng xa gặp phải cảnh “gà trống nuôi con” tìm đến dạm hỏi, nhưng trong lòng tôi không mảy may rung động, chỉ một lòng nghĩ về người chồng đã hy sinh. Rồi bố mẹ chồng cũng lần lượt về với tổ tiên, ngôi nhà càng trở nên trống trải và hoang lạnh. Suốt ngày đơn chiếc vào ra, lòng không gợn lên một nỗi niềm, chỉ có hình bóng người chồng chung sống chưa đầy 8 tháng mãi mãi không nhạt nhòa, nỗi nhớ thương không bao giờ vơi cạn.

Ước nguyện lớn nhất của tôi là tìm được mộ chồng và đưa ông ấy về quê, đặt cạnh bố mẹ, ông bà tổ tiên. Trong vòng 20 năm qua, tôi đã có hơn 10 lần ra vùng Tây Bắc - Điện Biên để tìm mộ chồng, nhưng mỗi chuyến đi là một lần trở về mang theo thất vọng. Bởi chiến trường quá rộng lớn, trải dài qua mấy tỉnh, trong khi mình không hề có một thông tin nào rõ ràng, cụ thể. Cất công tìm gặp các đồng đội của ông ấy để mong có thêm thông tin nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu thông cảm. Vì cuộc chiến khốc liệt, thời gian lại trải qua hơn nửa thế kỷ, quang cảnh đã bao lần vật đổi sao dời nên không còn ai nhớ nổi. Vậy là tôi lặng lẽ trở về, trở về để chăm đàn gà, vun luống rau ra chợ bán, dành dụm thêm tiền cho chuyến đi sau. Cứ thế, tôi cứ mải miết với cuộc kiếm tìm, mải miết với niềm hy vọng mong manh...

Giờ đây, tuổi cao, sức yếu không cho phép tôi ngược ra Tây Bắc tiếp tục hành trình tìm kiếm mộ chồng. Niềm hy vọng, mong mỏi tha thiết nhất cuộc đời chắc khó trở thành hiện thực. Tôi chỉ có cách gặp chồng mình trong những giấc mơ. Ngồi trong căn nhà này, nhưng tâm hồn tôi luôn ở mảnh đất Tây Bắc xa xôi, nơi ông ấy ngã xuống hơn 60 năm trước...

CÔNG KIÊN

(Ghi theo lời kể của cụ Phạm Thị H, huyện Diễn Châu)