Buôn đồ "cũ người mới ta"
(Baonghean) - Tưởng chừng “hàng thùng” hay còn gọi là “hàng sida”, “hàng secon hand”… sẽ không hút khách nữa khi đồ may mặc mới ngày càng rẻ và đa dạng về mẫu mã. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu mua “hàng thùng” đã trở thành xu hướng riêng của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Theo đó, kinh doanh hàng thùng đang trở thành một nghề, theo như cách gọi của nhiều người là nghề chiều theo sở thích “cũ người, mới ta”.
Theo chân một “tín đồ”, chúng tôi đến shop hàng thùng tại địa chỉ số 3, số 4, khu liền kề, phía sau nhà A Tecco, nằm trên đường Quang Trung (TP.Vinh). Khác hẳn với suy nghĩ của chúng tôi về cách bày bán hàng thùng nhếch nhác bên lề đường như trước đây, các shop hàng thùng bây giờ trang hoàng như các cửa hàng thời trang. Với diện tích trên 10m2, shop có nhiều mặt hàng được bày biện khá gọn gàng, bắt mắt trên các tủ, kệ, nhưng cũng không thiếu “vị” đặc trưng của hàng thùng là… đổ đống để khách dễ tìm.
Một shop hàng thùng ở khu nhà Tecco, Quang Trung (TP. Vinh). |
Chị Mạc Thị Nguyệt, chủ shop cho biết, chị kinh doanh mặt hàng này hơn 5 năm nay và có được lượng khách quen khá ổn định. Hàng thùng của cửa hàng chị được nhập chủ yếu từ Campuchia, Thái Lan… Nhưng đặc điểm của hàng thùng là mẫu mã, xuất xứ và tình trạng cũ, mới không ổn định, nên để có kiện hàng đẹp, thời trang và chất lượng, chị phải lặn lội sang nước bạn, tìm đến nguồn nhập sỉ để tự tay lựa chọn. Chị Nguyệt “bật mí”, nguồn hàng thùng có 2 cách nhập: một là nhập nguyên kiện, chấp nhận yếu tố “hên, xui” vì sẽ có hàng xấu lẫn với hàng đẹp, nhưng ưu điểm là giá nhập rẻ hơn; hai là chịu khó chọn lựa từng sản phẩm để nhập được hàng ưng ý (dân trong nghề gọi là “hàng nước một”), dĩ nhiên, giá cả sẽ cao hơn nhiều. Theo đó, trung bình một kiện hàng từ 80 - 100 kg còn “nguyên đai, nguyên kiện” có giá giao động từ 6 - 10 triệu đồng. Mỗi kiện hàng như vậy có từ vài trăm đến 1.000 sản phẩm. Còn đối với hàng tự tay tuyển lựa thì giá có khi gấp 3 - 4 lần. Từ sự khác biệt về nguồn gốc hàng hóa, các chủ shop hàng thùng sẽ có cách định giá sản phẩm không giống nhau.
Chị Nguyệt cho biết: “Nếu dành thời gian chọn được hàng đẹp, độc thì có thể bán với giá vài trăm nghìn, thậm chí vài triệu đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, đó là may mắn, còn phần đa với người buôn bán hàng thùng phải đối mặt với lượng “hàng đuôi”, tức là hàng hỏng, hàng rách hoặc hàng big size (ngoại cỡ).” Thường 1 kiện hàng về, may mắn thì có khoảng 10-20% “hàng đuôi”, còn không thì 60-70% cũng là chuyện thường. Vì vậy, nếu xác định lấy theo kiện thì phải có vốn mạnh và chấp nhận rủi ro. Ngoài ra, phải xác định chỉ có thể bán được 1/3 kiện.
Tuy phải đối mặt với xác suất rủi ro cao, nhưng khi tiếp xúc với các chủ bán hàng thùng, họ đều chia sẻ rằng đã theo nghề này thì phải chấp nhận. Chấp nhận xác suất “hàng đuôi”, đồng thời, chấp nhận cả những vất vả “thân cò lặn lội” trong quá trình “đơn thương độc mã” tìm kiếm nguồn hàng tại Campuchia, Thái Lan… Các chủ hàng thùng phần lớn là phụ nữ, việc mỗi tháng một đến hai lần đi nhập hàng, lùng sục trong các kho hàng nóng bức, bụi bặm, rồi tìm kiếm xe vận chuyển uy tín, giá thành hợp lý và làm thủ tục thông quan về Việt Nam đã trở thành chuyện thường! Nhưng may mắn nghề dẫu vất vả nhưng mang lại thu nhập khá ổn định.
Nếu như trước đây, việc bán và mua hàng thùng còn chưa phổ biến, đón nhận và đối mặt với nhiều định kiến, thì hiện nay, hàng thùng với tiêu chí “độc – đẹp – rẻ” ngày càng được nhiều khách hàng tìm đến. Đối tượng khách hàng đa dạng, không chỉ có người dân lao động phổ thông với túi tiền eo hẹp, mà còn cả công chức nhà nước, các bạn nữ, sành điệu và thậm chí, cả các đấng nam nhi.
Anh Thành Lương, chủ shop hàng thùng dành cho nam giới chia sẻ: “Đồ thùng dành cho nam cũng phong phú không kém đồ nữ. Áo, quần theo mùa, theo xu hướng, rồi phụ kiện kính mắt, túi xách, balo, thắt lưng, ví… Dù là hàng đã qua sử dụng nhưng chúng tôi vẫn rất chú ý đến xu hướng thời trang và tính ứng dụng cao, nên ngày càng nhiều khách hàng nam tin tưởng”. Ở cac shop hàng thùng, người ta có thể tìm thấy giày dép, quần áo cho đến phụ kiện như thắt lưng, kính mắt… của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như D&G, Converse All Star, Nike, Just cavalli, Adidas… với giá chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng!
Luôn tay lựa chọn áo quần, chị Nguyễn Thị Ngọc, nhân viên ngân hàng Techcombank hào hứng: Nhiều người trầm trồ mỗi khi em diện những bộ quần áo có gắn mác “made in Korea”, “made in Japan”… Ai cũng tưởng em phải bỏ một đống tiền ra để mua chừng ấy đồ hàng hiệu, nhưng thật tình em chỉ mua với giá 70.000 - 100.000 đồng/chiếc. Cùng chung niềm đam mê, chị Dương Thanh Thủy, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn TP. Vinh, cho hay: “Của rẻ chưa chắc đã là của ôi, nhiều khi mua mới không thể có được món đồ như vậy. Nếu tinh mắt, nhanh tay, mình có thể lựa được những món hàng hiệu không còn bán trên thị trường, lại không sợ đụng hàng với ai”.
Tuy nhiên, nhiều “tín đồ” hàng thùng cũng cảnh báo, cần lưu ý khi mua quần áo về, nên có kế hoạch tẩy, sấy, hấp quần áo để được làm sạch, tiêu diệt các mầm mống gây bệnh, tránh giặt quần áo cũ một cách sơ sài. Đó là cách bảo vệ sức khỏe, cũng là cách làm đẹp lâu dài.
Quảng An