Truyền thông nước ngoài đưa tin về kỷ niệm 30/4 của Việt Nam

30/04/2015 19:05

Truyền thông Argentina, Venezuela, Pháp, Nhật Bản, Đức đều đưa tin đậm nét về kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975).

Báo chí Nam Mỹ đưa tin

Tại Buenos Aires, hãng thông tấn của Chính phủ Argentina Telam đã đăng liên tục 5 bài viết liên quan tới Việt Nam trong đó đánh giá cao ý nghĩa chiến thắng 30/4, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong bài viết “Sài Gòn 40 năm trước: Kết thúc chiến tranh Việt Nam, Mỹ thất bại”, bài báo khẳng định chiến thắng 30/4 đã làm cả thế giới xúc động. Đây là thất bại thảm hại nhất của quân đội Mỹ.

Trong bài viết khác, tờ Telam đánh giá cao vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của hai nhà “chiến lược quân sự” đã được tờ báo sơ lược lại.

Hãng Telam cũng đăng lại bài viết của Đại sứ Việt Nam Nguyễn Đình Thao bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, hết lòng ủng hộ cuộc chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, trong đó có nhân dân Argentina.

Cùng ngày, tờ Tổng hợp Mỹ Latinh của Argentina đăng bài viết với tiêu đề “40 năm thống nhất: Việt Nam, cái tên của chiến thắng.” Bài báo đã tóm lược suốt chiều dài lịch sử chiến đấu và hy sinh của dân tộc Việt Nam qua 2 cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Truyền thông các nước đưa tin về Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975)
Truyền thông các nước đưa tin về Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975)

Trong khi đó, truyền hình quốc gia Venezuela đã đăng phóng sự do nhà báo Vincent Montagud mới thực hiện ở Việt Nam về các trẻ em là nạn nhân chất độc da cam. Phóng sự nhấn mạnh 40 năm đã trôi qua, nhưng chiến tranh vẫn để lại hậu quả vô cùng thương tâm ở Việt Nam.

Hàng nghìn người vẫn phải chịu đựng ảnh hưởng của chất độc màu da cam do quân đội Mỹ thả trong chiến tranh. Rất nhiều trẻ em ra đời với dị tật bẩm sinh và ung thư. Đa phần nạn nhân là cựu binh và con cháu của họ.

Bản tin 30/4/1975 phát sóng rộng khắp các châu lục

Không những vậy, bản tin về ngày 30/4/1975 đều chiếm một dung lượng lớn trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở khắp các châu lục.

Tờ New York Times viết: “Ngày 30/4/1975, lực lượng cách mạng và binh sỹ miền Bắc Việt Nam đã giành quyền kiểm soát thủ đô Sài Gòn của miền Nam, buộc chính quyền miền Nam phải từ chức và đưa đến sự kết thúc của cuộc Chiến tranh Việt Nam”.

Tờ AP cho rằng, sự kiện ngày 30/4/1975 đã đặt dấu chấm hết cho một thế kỷ chịu ảnh hưởng của các nước phương Tây của Việt Nam.

“Những chiếc xe tăng, xe bọc thép của quân giải phóng ở miền Bắc đã tiến vào dinh tổng thống. Tổng thống của chính quyền cũ ở miền Nam đã tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh và truyền hình, sau đó được binh sỹ miền Bắc đưa tới loa phát thanh để đưa ra một tuyên bố khác”, tờ báo đưa tin.

Hãng tin AFP của Pháp trong một bản tin cũng cho rằng, sự kiện 30/4 tại Việt Nam chính là sự kiện nổi bật nhất tại châu Á trong năm 1975.

Theo hãng tin này, đây là một cơn địa trấn, làm rung động trái đất, đưa đến sự ra đời của một cường quốc mới – một nước Việt Nam thống nhất. Tờ báo cũng nhận định sự kiện này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực và thế giới trong tương lai gần.

Còn tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản, cho rằng, sự kiện xảy ra trước đó một ngày đánh dấu việc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng.

“Điều đó có thể khẳng định, thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt”, tờ báo viết.

Cũng đưa tin, Đài phát thanh Đức (DLF), ngày 29/4 đã phát một bài phóng sự dài về kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam 40 năm trước, cũng như về sự phát triển của Việt Nam ngày nay. Bài báo dẫn lời một số nhân chứng lịch sử nói về khí thế hào hùng của các chiến sĩ miền Bắc ngày đêm không nghỉ tiến vào giải phóng miền Nam.

Báo "Neues Deutschland" (Nước Đức mới) cũng có bài viết về việc hai nước Việt-Mỹ xích lại quan hệ 40 năm sau khi cuộc chiến tranh kết thúc.

Trong khi đó, kênh truyền hình N-TV của Đức cũng đã chiếu bộ phim tài liệu lịch sử "Cuộc chiến không chiến tuyến" nói về cuộc chiến tranh Việt Nam, xoay quanh thời điểm trước và sau khi ký Hiệp định Paris. Bộ phim do Đài truyền hình quốc gia ZDF thực hiện với nhiều thông tin lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa này.

Theo baodatviet.vn

TIN LIÊN QUAN