Trung Quốc là quốc gia đầu tiên sở hữu tên lửa S-400 của Nga

13/04/2015 14:33

Tổng Giám đốc Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga Anatoly Isaykin ngày 13/4 cho biết Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 hiện đại nhất của Xứ sở Bạch Dương.

Thông tin chi tiết hợp đồng mua bán giữa hai nước hiện vẫn chưa được tiết lộ, nhưng theo ông Isaykin, hợp đồng này thể hiện tầm chiến lược trong quan hệ song phương Nga-Trung Quốc.

Tên lửa S-400. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tên lửa S-400. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ông Isaykin cũng cho biết có nhiều nước muốn mua S-400, song trước hết phải ưu tiên cung cấp cho Bộ quốc phòng Nga. Sau khi đã mở rộng sản xuất, doanh nghiệp Almaz-Altey mới có thể xuất khẩu S-400 ra nước ngoài.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400, do phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz thiết kế, là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống vật thể bay và có khả năng phát hiện mục tiêu cách xa 400km và cao 40-50km. S-400 là phiên bản của dòng tên lửa tầm cao S-300 nhưng có tính năng vượt trội hơn.

Được gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực chất S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm, tiêu diệt vật thể bay của đối phương trong khoảng cách từ 5-400km và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60km, có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27km và các mục tiêu bay thấp cách mặt đất chỉ 5-10m. Đây là những tính năng mà hiện nay chưa một hệ thống tên lửa phòng không nào trên thế giới có được.

Cùng ngày, người đứng đầu Rosoboronexport cũng hy vọng trong vòng khoảng hai tháng tới, Moskva có thể đàm phán với Paris về việc chuyển giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga.

Theo ông Isaykin, Rosoboronexport đã sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra, đồng thời tin tưởng hai nước sẽ tìm được cách thỏa hiệp để giải quyết vụ việc mà không cần sự can thiệp của tòa án hay bất kỳ hành động gay gắt nào.

Năm 2011, Pháp đã ký hợp đồng đóng hai tàu chở trực thăng hiện đại lớp Mistral cho Nga với tổng trị giá 1,2 tỷ euro (tương đương 1,6 tỷ USD); trong đó chiếc đầu tiên dự kiến được chuyển giao cho Moskva trong tháng 10 hoặc chậm nhất trong tháng 11 năm ngoái, chiếc tàu còn lại sẽ được chuyển giao vào năm 2015.

Tuy nhiên, đầu tháng 9/2014, Pháp lại đặt điều kiện rằng chỉ bàn giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga khi có một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, và một thỏa thuận chính trị ở Ukraine được đảm bảo./.

Theo TTXVN