Lợi bất cập hại
(Baonghean) - Câu ấy có nghĩa là: Lợi chẳng bù hại, tưởng là có lợi nhưng thực ra cái hại còn lớn hơn. Trong cuộc sống, có rất nhiều trường hợp như vậy. Mà câu chuyện nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 mới đây kéo đến 6 ngày qua bài viết "Tác dụng phụ" của tác giả Bụt Sơn là một minh chứng.
Vấn đề được tác giả đưa ra là việc nghỉ lễ kéo dài đầu tiên là mặt tích cực, cũng là thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với người lao động. "Dụng ý là để người lao động có kỳ nghỉ dài thuận lợi cho việc về thăm quê hương bản quán, người thân hoặc đi du lịch, nghỉ ngơi, thư giãn sau những chuỗi ngày làm việc vất vả". Đó cũng là một cách để kích cầu các ngành thuộc về thương mại - du lịch - dịch vụ khi dòng người nghỉ lễ tràn về các nơi vui chơi, giải trí, các khu mua sắm tăng vọt, kéo theo doanh số của những ngành này đột biến tăng theo.
Hiện chưa có con số thống kê chính thức cho thu nhập của những ngành này trong 6 ngày nghỉ vừa qua. Nhưng chỉ tính riêng tại khu Công viên Văn hóa Đầm Sen (TP. Hồ Chí Minh), chỉ trong ngày 30/4 và 1/5 đã có trên 150.000 lượt người vào vui chơi, thư giãn thì riêng tiền vé vào cửa đã trên 1 triệu USD, con số đó là không hề nhỏ. Nhìn rộng ra trên bình diện cả nước, nhà nhà, người người hân hoan, các ngành dịch vụ vui tươi vì thu nhập "kích phọt"... đó có lẽ là điều mà như tác giả nhận xét "Nhìn vào đó mới thấy cái ý kiến cho là người Việt ta có chỉ số hạnh phúc cao nhất nhất thế giới không phải là không có cơ sở".
Nhưng, như tác giả đã nói, điều gì cũng có tính 2 mặt. Rõ ràng, với 6 ngày nghỉ sẽ đồng nghĩa với mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ cả tuần lễ. Tác giả bình luận "Thật khó mà cân đong, đo đếm cho hết, cho chính xác là giữa cái lợi thu được từ kích cầu du lịch, tiêu dùng với sự thiệt hại của nền kinh tế do ngưng trệ nhiều ngày thì bên nào hơn bên nào. Nhưng chắc có lẽ là thiệt hại vẫn nhiều hơn". Để nhìn nhận vấn đề này, chúng ta thử xem xét lại một số nước xung quanh.
Ở Anh, mỗi năm kỳ nghỉ Bank Holiday kéo dài đến 9 ngày đã khiến nước này mất tới gần 28,5 tỷ USD. Một nhà nghiên cứu ở Anh đã phân tích "Khoảng 45% thành phần trong nền kinh tế sẽ chịu tác động. Các văn phòng, nhà máy, công trường đều bị ảnh hưởng khi người dân nghỉ làm dịp Bank Holiday. Chỉ khoảng 15% nền kinh tế, trong đó có các cửa hiệu, bar, nhà hàng hay điểm du lịch là hoạt động tốt”. Bên cạnh chúng ta là Trung Quốc, đất nước này cũng bị giảm 25% GDP trong quý I do Tết Nguyên đán. Còn với chúng ta, phải chăng chúng ta đã có tư tưởng hưởng thụ quá sớm, luôn muốn kéo dài các kỳ nghỉ và ngụy biện rằng nghỉ để kích cầu tiêu dùng? Kích cầu được chừng 15 - 20% nhưng ảnh hưởng đến 40 - 50% nền kinh tế thì kích cầu để làm gì?
Đó mới chỉ là vấn đề về kinh tế, còn đau xót hơn nhiều là như tác giả đã nêu một loạt số liệu về các vụ TNGT, đánh nhau dẫn đến nhập viện, tử vong "Còn trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 28/4-2/5), cả nước xảy ra 212 vụ tai nạn giao thông, làm chết 132 người, bị thương 152 người, mất tích 3 người". Đến nỗi, tác giả đã phải thốt lên "Xem ra, các kỳ nghỉ lễ dài ngày chẳng khác gì các cuộc chiến tranh ngắn ngày với số người chết và thương vong đáng xếp vào hàng kỷ lục". Bên cạnh đó, việc tiêu thụ rượu bia trong những kỳ nghỉ lễ đã lên đến con số đáng báo động. Vốn dĩ, Việt Nam vẫn thuộc top đầu về lượng bia được tiêu thụ trên toàn thế giới. Vậy nên, những kỳ nghỉ lễ kéo dài sẽ góp phần "tiếp tay" cho chỉ số này thêm ngất ngưởng để chạm ngưỡng của đỉnh. Hơn thế nữa, như tác giả nhận xét "Một lượng tiền không nhỏ của người dân trôi vèo rất lãng phí theo những cuộc vui vô bổ kiểu đó và còn để lại hậu họa không nhỏ".
Thế nên, xét một cách toàn diện, các ngày nghỉ chính thức phải được tính toán một cách hợp lý, hài hòa giữa hiệu quả kinh doanh và hiệu quả đối với người lao động. Bên cạnh đó, cũng phải tính toán để hài hòa lợi ích giữa các đối tượng. Nếu chỉ thấy lợi ích người lao động mà bỏ qua lợi ích doanh nghiệp thì lại không công bằng. Ngoài ra, khi bố trí nghỉ lễ còn phải tính tới tác động của các lĩnh vực khác nhau của xã hội để như tác giả đã kết luận "Vì tác dụng chính là kích cầu thì đã thấy rõ rồi, nhưng mà tác dụng phụ, xem ra lại còn rõ hơn. Đau đớn hơn nhiều lần". Hãy nên nhớ rằng, trong khi chúng ta nghỉ lễ dài ngày thì cả thế giới đang làm việc.
Người xây dựng
TIN LIÊN QUAN |
---|