Làm tốt quy hoạch, khai thác hiệu quả tiềm năng
(Baonghean) - Nhiệm kỳ 2015 - 2020, dựa trên quy hoạch ngành, vùng, Quỳnh Lưu sẽ tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, xây dựng thành công huyện nông thôn mới, đứng tốp đầu của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực.
TIN LIÊN QUAN
Để đạt được mục tiêu, trước hết Quỳnh Lưu tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội; hoàn chỉnh các quy hoạch chuyên ngành. Theo đó, nông nghiệp sẽ tiếp tục khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng xây dựng cánh đồng lớn để áp dụng các tiến bộ KHKT và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, phấn đấu năng suất bình quân đạt 61-63 tạ/ha, sản lượng 105 -107 ngàn tấn. Khuyến khích mở rộng diện tích ngô đông để đạt 3.250 ha vào năm 2020; năng suất khoảng 43 - 44 tạ/ha. Đầu tư thâm canh 1.300 ha lạc để đạt năng suất từ 25 - 26 tạ/ha.
Đối với các vùng trung du, miền núi, tập trung thâm canh 850 ha mía nguyên liệu, phấn đấu năng suất đạt khoảng 60-65 tấn/ha; phát triển các loại cây ăn quả, cây dược liệu để cung ứng trên thị trường và phục vụ các nhà máy chế biến. Phát triển các vùng rau chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao theo hướng VietGAP ở các xã Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Tân Sơn, Quỳnh Văn, Quỳnh Bảng và một số nơi khác tạo sản phẩm an toàn, chất lượng. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là chế biến nông, lâm, hải sản, sản xuất giống để định hướng sản phẩm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Cánh đồng rau mẫu ở Quỳnh Lương. Ảnh: S.M |
Trong chăn nuôi, tập trung nâng cao chất lượng đàn gia súc với các loại vật nuôi chủ lực là trâu, bò thịt, bò sữa, lợn, hươu nai và gia cầm theo hướng công nghiệp, trang trại tập trung, xa khu dân cư. Phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn trâu trên 15.050 con, đàn bò trên 18.700 con, đàn lợn trên 80.000 con; tổng đàn dê, hươu 17.750 con; tổng đàn gia cầm trên 2.280 ngàn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 23.450 tấn. Tỷ trọng chăn nuôi đạt khoảng 43 - 45% trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, nhất là loại có giá trị kinh tế cao, phấn đấu năm 2020, sản lượng khai thác, nuôi trồng đạt 76 - 77 ngàn tấn; trong đó, sản lượng khai thác đạt 64 - 65 ngàn tấn.
Muốn vậy, phải tiếp tục đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn tham gia khai thác xa bờ, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 1.500 tàu, trong đó có khoảng 950 - 1.000 tàu có công suất trên 90CV. Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản trên các diện tích mặt nước, phấn đấu đến năm 2020 diện tích nuôi đạt khoảng 2.350 - 2.450 ha, sản lượng đạt 11.000 - 13.000 tấn. Đồng thời quan tâm đầu tư các cơ sở sản xuất giống, nhất là các loại giống hiệu quả cao mới đưa vào sản xuất; hoàn thành đưa vào hoạt động trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng với quy mô 2 tỷ con/năm đủ cung cấp trên địa bàn và vùng lân cận.
Thăm hợp tác xã nuôi tôm Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) |
Trên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, huyện sẽ hoàn chỉnh quy hoạch đô thị vùng Tân Thắng, quy hoạch và xây dựng các cụm công nghiệp tập trung tại các xã Quỳnh Châu, Tân Thắng, Quỳnh Hoa, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận; thu hút các nhà đầu tư để xây dựng các dự án vào các cụm công nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo phát triển công nghiệp may mặc, công nghiệp sản xuất xi măng, khai thác chế biến đá xây dựng và các sản phẩm phụ trợ, công nghiệp cơ khí phục vụ các cơ sở sản xuất... Nâng cao chất lượng các làng nghề TTCN đã có, xây dựng thêm một số làng nghề mới để đến năm 2020 có khoảng 38 - 40 làng nghề.
Phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xi măng Tân Thắng để đến năm 2017 cho ra sản phẩm và đạt 1,96 triệu tấn/năm; đồng thời thu hút đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bê tông đúc sẵn, gạch chịu nhiệt, tấm lợp tôn màu và một số nhà máy xung quanh Nhà máy xi măng Tân Thắng. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản sẽ được định hướng phát triển thay đổi về chất với việc tập trung đầu tư công nghệ hiện đại trong khai thác đá đi liền với chế biến là bảo vệ môi trường, phấn đấu đến năm 2020 khai thác và chế biến đá đạt 8,2-8,3 triệu mét khối. Công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản phát triển theo hướng vừa phục vụ thị trường nội địa vừa xuất khẩu; đồng thời tăng cường ứng dụng KHCN tiên tiến vào lĩnh vực bảo quản, chế biến và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thuỷ, hải sản chế biến xuất khẩu.
Cùng với đó, lĩnh vực dịch vụ, du lịch xác định ưu tiên phát triển những lĩnh vực có lợi thế như: du lịch nghỉ dưỡng tắm biển, du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái. Trong đó, tập trung quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch biển, xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng và hạ tầng phục vụ du lịch như giao thông, hệ thống cấp điện, nước, thông tin liên lạc, văn hóa, thể thao, tài chính, ngân hàng...
Cũng dựa trên quy hoạch tổng thể, bên cạnh đặt mục tiêu phát triển những hướng đột phát theo ngành thì phát triển kinh tế theo vùng cũng được xác định rất rõ ràng, từ đó có sự kêu gọi, xác định trọng tâm đầu tư hợp lý giữa quy hoạch ngành và vùng. Theo đó, địa bàn huyện Quỳnh Lưu được quy hoạch phát triển theo 3 vùng gắn liền với điều kiện tự nhiện. Trước hết, vùng nông giang là vùng trung tâm huyện, trọng điểm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Huyện xác định hướng chính là thâm canh lúa, ngô, rau màu, hoa, cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá – lúa kết hợp; sửa chữa cơ khí, nông cụ, điện, chế biến thức ăn chăn nuôi, mộc và phát triển thương mại - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp, tài chính - tín dụng, viễn thông, nhà hàng khách sạn, dịch vụ văn hoá...; đồng thời thu hút đầu tư xây dựng Thị trấn Cầu Giát xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của huyện.
Tiếp theo, đối với vùng ven biển, Quỳnh Lưu sẽ tập trung phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản theo hướng công nghiệp, trang thiết bị hiện đại gắn với dịch vụ trên bờ như: chế biến thuỷ, hải sản, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, mộc, mây tre đan và các dịch vụ nghề biển. Ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, nhất là du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng; kết hợp du lịch và các dịch vụ nhà hàng khách sạn, khu vui chơi giải trí. Đầu tư xây dựng thị trấn Sơn Hải, thị tứ Quỳnh Nghĩa thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng. Cuối cùng là các xã thuộc vùng bán sơn địa, tập trung phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nghề rừng, phát triển trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu và cây ăn quả, ngoài ra còn có nhiều hồ, đập thuận lợi cho phát triển nuôi thuỷ sản. Vì vậy, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, các nhà máy để khai thác tốt tiềm năng lợi thế và xây dựng xã Tân Thắng và Thị trấn Tuần thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng.
Tuy nhiên, để đáp ứng nguồn nhân lực trong quá trình phát triển, đặc biệt là thực hiện các định hướng trên, huyện phải tập trung phát triển mạnh đào tạo nghề, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ người được đào tạo nghề từ 62 - 63%. Từ đó, giải quyết việc làm, góp phần nâng tỷ lệ sử dụng lao động ở nông thôn và đạt mục tiêu tạo thêm khoảng 2.500 - 2.600 việc làm/năm, xuất khẩu lao động khoảng 800-900 người/năm. Một nền kinh tế phát triển năng động, hài hòa, khai thác hiệu quả và hợp lý tiềm năng và lợi thế là động lực chính để Quỳnh Lưu phấn đấu đến năm 2020, thu nhập của nhân dân đạt từ 65 – 70 triệu đồng/người/năm, không còn xã đặc biệt khó khăn và xã nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%.
Đây cũng là nền tảng để huyện thúc đẩy phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 có 24 - 25 xã đạt tiêu chí về nông thôn mới, xã Quỳnh Đôi trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, các xã còn lại đạt ít nhất 14 tiêu chí, Quỳnh Lưu trở thành huyện nông thôn mới và là một trong những huyện nằm trong tốp đầu thuộc khối các huyện của tỉnh.
Hoàng Danh Lai
(Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu)